Loạn giá thuốc, người bệnh thiệt đủ đường
Thuốc là mặt hàng đặc trưng mà người bệnh không được mặc cả nên dù thuốc giá cao nhưng để bảo đảm cho mạng sống của mình, người bệnh vẫn phải chấp nhận mua.
- 15-03-2017Sửa đổi quy định mua thuốc biệt dược gốc để giảm giá thuốc
- 07-01-2017Không để đầu cơ, tăng giá thuốc dịp Tết Đinh Dậu
- 04-11-2016Giá thuốc nhảy múa - người dân chịu thiệt
- 16-06-2016Bình ổn giá thuốc: Ít người biết vì nhà thuốc không thông báo
- 01-03-2016Không phải giá thuốc, lý do nào đã khiến cổ phiếu dược tăng phi mã?
Thuốc chữa bệnh là một mặt hàng đặc biệt liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người. Chi phí tiền thuốc chiếm đến 60% chi phí điều trị, do đó kiểm soát chi phí thuốc có ý nghĩa quan trọng trong giảm chi phí điều trị.
Tuy nhiên, cùng một loại thuốc, người mua lại phải chịu chênh lệch giữa các hiệu thuốc hoặc giữa bệnh viện và các hiệu thuốc bên ngoài. Thậm chí, giá thuốc bán buôn cao hơn cả bán lẻ đang khiến người bệnh rơi vào ma trận thuốc mà vẫn buộc phải sử dụng. Loạn giá thuốc đang là một vấn đề nan giải tại Việt Nam trong nhiều năm nay khiến người bệnh chịu nhiều thiệt hại.
Thuốc Simulect dùng trong điều trị dự phòng thải ghép do Novartis sản xuất, kê khai giá tại Bộ Y tế là gần 29.700.000 đồng/lọ, nhưng giá bán bên ngoài là 31.500.000đ/lọ, chênh nhau gần 2 triệu đồng.
Thuốc bột pha tiêm Herceptin lọ 440mg được chỉ định trong điều trị ung thư vú di căn có giá là gần 45.600.000 đồng. Tuy nhiên, khi đến với đại lý phân phối lại được rao bán công khai trên website với mức giá là 49.000.000 đồng. Như vậy, từ giá kê khai, qua đại lý phân phối đến tay người bệnh đã có sự chênh lệch tới gần 4 triệu đồng/lọ.
Các chuyên gia cho rằng có tình trạng trục lợi từ một số đối tượng với một số mặt hàng thuốc điều trị đặc biệt nhằm tăng giá thuốc khi nguồn cung bị khan hiếm.
Còn trong một cuộc thanh kiểm tra gần đây nhất do Sở Y tế Hà Nội thực hiện tại Trung tâm bán buôn Dược phẩm Halpulico và Bệnh viện Saint Paul, một nghịch lý xảy ra là giá thuốc bán buôn lại đắt hơn giá bán lẻ.
Ví như cùng là thuốc Augmentin 500 mg nhưng giá bán buôn của Công ty THNH Bông Sen Vàng tại Trung tâm dược phẩm Hapulico cao hơn giá bán lẻ của Bệnh viện Saint Paul 3.000 đồng/viên.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tỷ lệ chi tiêu từ tiền túi của người Việt Nam cho chữa bệnh là 43% - chiếm tỷ lệ khá cao trên thế giới. Việc người bệnh có giảm được chi phí này hay không phụ thuộc lớn vào giá thuốc mà Nhà nước đóng vai trò điều tiết.
Rõ ràng, loạn giá thuốc đang ngoài tầm kiểm soát của cơ quan chức năng và người chịu thiệt nhất không ai khác vẫn chính là bệnh nhân.
VTV1