Loạt ảnh Amazon trước và sau đại nạn cháy rừng 2019: Lá phổi xanh ngày nào đã mang đầy bệnh tật do con người đầu độc
Rừng Amazon cho gỗ, oxy, mái nhà, nguồn lương thực và sự đa dạng sinh học - nói tóm lại là đem tới sự sống. Tuy nhiên hãy xem con người đã đáp trả các khu rừng và dòng sông ở đây như thế nào.
Amazon là rừng mưa nhiệt đới lớn nhất thế giới, nơi sinh sống của những bộ lạc bí ẩn, những loài động vật từ to lớn đến cực độc mà con người chưa thể khám phá hết. Nơi đó vốn là "rừng thiêng nước độc", suốt hàng triệu năm bất khả xâm phạm nhưng cũng không thể thoát khỏi nhát rìu, lưỡi cưa, ngọn lửa... của con người hiện đại.
Quá trình khai thác rừng tàn nhẫn bắt đầu được đẩy mạnh từ khoảng thập niên 70. Rừng phục hồi, tái sinh; con người lại đốn cây đốt phá làm nương rẫy. Hậu quả là thảm kịch cháy rừng Amazon kỷ lục như chúng ta đang chứng kiến. Hãy xem loạt ảnh so sánh dưới đây và bạn sẽ hiểu vì sao một nhà khoa học từng nói trên National Geographic rằng: "Phá rừng là tội ác chống lại thiên nhiên, chống lại loài người"!
Amazon - mái nhà của 3 triệu cá thể động thực vật và 1 triệu người - đang cháy. Thổ dân mất đi nhà cửa , bật khóc xót xa trước đám cháy không thể dập tắt; còn thú rừng thì vong mạng trong biển lửa và đối mặt với môi trường sống đã biến đổi hoàn toàn .
(Ảnh: Getty, EPA-EFE, Reuters)
Amazon đã biết đến ngọn lửa hung tàn của con người suốt nhiều chục năm trở lại đây, nhưng cột mốc 2019 lần đầu chứng kiến hơn 72.000 vụ cháy cùng bùng phát. Nó được đốt lên bởi bàn tay của nông dân, tiếp tay bởi chính quyền Tổng thống Jair Bolsonaro muốn khai thác triệt để nguồn tài nguyên . Theo BBC, cháy quá 25% - rừng sẽ không thể phục hồi.
(Ảnh: Getty, Reuters)
Đâu chỉ có rừng, Amazon còn có gần 6.600 km đường sông nhưng cũng không thể cản nổi ngọn lửa dữ dội. Cuối cùng, Brazil phải huy động máy bay đem nước từ bên ngoài vào để dập tắt các đám cháy . Con người ngày càng can thiệp mạnh mẽ vào chốn "rừng thiêng" này!
(Ảnh: Reuters, EPA-EFE)
Năm 1973 khói bắt đầu bốc lên nhưng các mảng xanh vẫn còn đó. Amazon tự chữa lành vết thương, sương mù vẫn phủ giăng trên các ngọn cây trong bức ảnh năm 1988. Đến năm 2019, tất cả thay bằng biển khói dày đặc, lan rộng đến 1,2 triệu dặm vuông.
(Ảnh: Reuters, Getty, AFP)
Thậm chí khói bay xa đến 2.700 km để nhấn chìm siêu đô thị Sao Paulo trong bóng tối. Điều đó hoàn toàn khác biệt so với bầu trời trong xanh năm 2005.
(Ảnh: Getty, Reuters)
Ngược lại, bầu trời ở Humaitaa, Brazil đã bừng sáng suốt đêm 17/8/2019 mà chẳng thể tối lại một phút giây nào, theo Reuters.
(Ảnh: Reuters)
Những bức ảnh chụp trên cao cho thấy khu rừng ngày càng bị đục khoét, cắt xẻ để lấy gỗ, lấy đất làm nương rẫy. Đến hình ảnh năm 1999 thì chẳng thể gọi là "rừng rậm" được nữa, nhưng mảng xanh vẫn còn đó.
(Ảnh: Getty)
Ảnh năm 2014 cho thấy 4 giai đoạn phá rừng: Một mảng đã sẵn sàng để chăn thả gia súc, một mảng vừa san bằng, một mảng vừa đốt xong, mảng còn lại là chuẩn bị đốt!
(Ảnh: Getty)
Phá rừng vẫn tiếp tục năm 2019 nhưng hình ảnh nay đục màu hơn, do bầu trời toàn là khói mù.
(Ảnh: Reuters)
Không chỉ khói trên cao mà dưới mặt đất, khung cảnh cũng hoang tàn, trơ trọi...
(Ảnh: Reuters)
Rừng ngày càng thưa cây và thiếu vắng sự sống. Môi trường trở nên khô hạn, dễ bắt lửa. Và thay vì cung cấp oxy, hàng tỷ tấn carbon đã và sẽ bị thải ra không khí.
Các nhà hoạt động môi trường đã vận động bảo vệ rừng Amazon suốt nhiều năm. Dưới đây là hình ảnh tổ chức Greenpeace (Hòa bình xanh) khắc lên mặt đất trơ trọi 1 từ "CRIME" - Tội ác. Ảnh chụp ở Claudia, bang Mato Gross của Brazil năm 2005.
Khu rừng đã sống qua hàng triệu năm...
... cung cấp cho thổ dân mái nhà miếng ăn; là điểm du lịch thám hiểm kì bí; là chốn thực địa mà giới khoa học muốn tiếp tục khám phá
... vẫn chìm trong biển lửa, bất chấp đã có nỗ lực cứu chữa của con người.
Đau xót thôi là chưa đủ, hãy cùng nhau hành động trước khi quá muộn. Nhiều người cứ nghĩ rằng rừng Amazon cháy thì cũng không giúp được gì vì ở quá xa, nhưng trên thực tế chúng ta vẫn có những cách hết sức thiết thực để thay đổi câu chuyện này.
(Tham khảo Business Insider)
Helino