Loạt mặt hàng thiết yếu tăng giá mạnh, người tiêu dùng lo lắng
Xăng tăng mạnh gần 1.500 đồng/lít, giá điện cũng được điều chỉnh tăng 8,36% là lí do khiến cho áp lực tăng giá cả hàng hóa, dịch vụ ngày càng hiện hữu.
- 03-04-2019Giá thép lại tăng
- 01-04-2019Nông dân choáng váng vì thanh long rớt giá trong khi giá điện tăng
- 29-03-2019Cần phải công khai phương án giá điện trước khi tăng
Cuối tháng 3 đầu tháng 4, thị trường chứng kiến sự tăng giá của nhóm những mặt hàng nhạy cảm là gas, điện và xăng.
Cụ thể, chiều ngày 2/4, Liên Bộ Công Thương - Tài chính phát đi thông tin điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu. Theo đó, mỗi lít xăng E5 RON 92 tăng thêm 1.377 đồng, lên mức 18.588 đồng; xăng RON 95 tăng 1.484 đồng, lên mức 20.033 đồng. Các mặt hàng dầu cũng tăng 1.086 - 1.219 đồng mỗi lít, kg tùy loại.
Lý giải về vấn đề giá tăng "sốc", Thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Đỗ Thắng Hải cho hay, ngày 18/3 vừa qua, giá xăng dầu thế giới đã tăng nhưng Chính phủ đã quyết định không tăng giá xăng, do đó phải dùng quỹ bình ổn xăng để bù. Nhưng sau 15 ngày, giá xăng vẫn tiếp tục tăng, vì vậy lần này phải tăng, đây là điều không ai muốn.
Trước đó, ngày 1/4, giá gas được thông báo tăng 7.000 đồng/bình 12kg, lần tăng thứ 4 liên tiếp kể từ đầu năm và đã tăng tổng cộng 40.000 đồng/bình 12kg.
Ngày 20/3, Bộ Công thương quyết định điều chỉnh tăng giá điện thêm 8,36%, với giá điện bán lẻ bình quân tăng từ 1.720,65 đồng/kWh lên mức 1.864,44 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế VAT). Giá bán lẻ điện sinh hoạt vẫn chia theo 6 bậc thang, thấp nhất 1.678 đồng/kWh và cao nhất 2.927 đồng/kWh.
Ấy là chưa kể, sách giáo khoa cũng được thông báo tăng giá đúng thời điểm này. Trong năm học 2019 - 2020, giá bán sách giáo khoa lớp 1 - 12 sẽ tăng từ 6.500 đồng đến 25.000 đồng mỗi bộ, mức tăng bình quân mỗi cuốn từ 1.000 đến 1.800 đồng. Lý giải nguyên nhân tăng giá, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho biết, sách giáo khoa hiện nay đã được đăng ký giá với Bộ Tài chính từ năm 2011 và không thay đổi trong 8 năm qua. Trong khi đó, các chi phí đầu vào như nhân công, nguyên nhiên vật liệu, vận chuyển... đều tăng, khiến hoạt động xuất bản và phát hành sách giáo khoa của nhà xuất bản bị lỗ những năm gần đây.
Sự tăng giá của nhóm những mặt hàng thuộc diện nhạy cảm chắc chắn sẽ tác động ít nhiều tới hoạt động của các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp bởi chi phí tăng lên. Tuy nhiên, điều mà người tiêu dùng quan tâm hơn cả đó là giá cả thị trường được đà "té nước theo mưa".
Chị Thu Trà (Minh Khai, Hà Nội) cho biết, giá điện, xăng và gas tăng hầu như cùng 1 lúc thực sự là nỗi lo của nhiều người do đây đều là những mặt hàng liên quan mật thiết đến cuộc sống hằng ngày của mỗi gia đình.
"Giá điện, xăng tăng sẽ kéo theo một loạt mặt hàng khác phục vụ đời sống tăng lên như giá nước, thịt, rau, hoa quả... Chưa kể, sắp tới vào hè nhu cầu sử dụng điện chắc chắn sẽ tăng cao hơn, thậm chí gấp 2-3 lần các thời điểm khác trong năm kéo theo chi tiêu mỗi tháng của gia đình tôi có thể tăng thêm cả triệu đồng", chị Trà chia sẻ.
Thông tin loạt mặt hàng thiết yếu tăng cao cũng khiến người thuê trọ lo lắng. Anh Hoàng Nam (Kim Giang, Hà Nội) chia sẻ, nhưng ngày nay anh và nhiều người trong xóm trọ thấp thỏm không yên vì sợ chủ nhà tăng giá.
"Hiện phòng trọ tôi đang thuê có mức giá là 2 triệu đồng với mức tiền điện là 5.000 đồng/số. Dù đã sử dụng rất ít thiết bị điện nhưng mỗi tháng tôi đều mất từ 300.000 - 400.000 đồng tiền điện. Nếu giá điện tăng, chủ phòng trọ chắc chắn sẽ nâng giá điện, nước. Chưa kể giá xăng cũng tăng gần như cùng thời điểm, chắc trong thời gian tới tôi sẽ phải thắt chặt chi tiêu hơn nữa".
Giá các mặt hàng thiết yếu tăng, theo các chuyên gia, điều này sẽ tác động đến giá cả, lạm phát thời gian tới song không ảnh hưởng tới mục tiêu kiểm soát lạm phát cả năm của Chính phủ.