Loạt thợ đào coin vội rời Trung Quốc tìm 'miền đất hứa' mới, các thợ đào coin Việt Nam nói gì?
Một trong những yếu tố quan trọng trong việc đặt trang trại đào bitcoin chính là giá điện. Như vậy, các thợ đào sẽ phải chuyển đến nơi có giá điện hấp dẫn. Vậy liệu Việt Nam có đáp ứng tiêu chuẩn này trong mắt các thợ đào coin Trung Quốc?
- 09-07-2021Một hãng hàng không Việt Nam chính thức thử nghiệm hộ chiếu sức khỏe điện tử
- 09-07-2021Chuyên gia quốc tế nói gì về triển vọng ngành logistics Việt Nam khi sản xuất vừa khởi sắc, đại dịch lại xuất hiện?
- 09-07-2021Người sử dụng lao động cần đến đâu, chuẩn bị gì để nhận hỗ trợ từ gói 26.000 tỷ đồng?
Các chủ mỏ đang tìm 'miền đất hứa' mới sau lệnh cấm ở Trung Quốc
Vừa qua, Trung Quốc đã siết chặt lệnh cấm với hoạt động khai thác bitcoin. Từ đó, nhiều công ty, xưởng khai thác quy mô lớn dần chạy khỏi Trung Quốc. Theo Reuters, các mỏ đào bitcoin ở Trung Quốc chiếm khoảng 70% quy mô toàn cầu. Phần lớn các xưởng đào tập trung ở Nội Mông vì địa bàn thuận tiện, gần các mỏ khai thác than, thủy điện, dễ dàng cung cấp năng lượng giá rẻ để các xưởng đào tiền số hoạt động.
"Kể từ khi thông báo chính thức được ban hành, hầu hết mỏ khai thác tiền điện tử đã được mang ra khỏi Nội Mông, chỉ còn lại vài trang trại nhỏ. Trước đó, nhiều công ty lớn đã bị điều tra và họ phải cam kết rút lui nếu không muốn bị xử phạt", ông Li, từng làm việc tại một xưởng khai thác Bitcoin ở Nội Mông chia sẻ.
Một số công ty khai thác tiền điện tử lớn như HashCow và BTC.TOP đều thông báo tạm dừng hoạt động tại Trung Quốc theo quy định của Chính phủ nước này. Huobi thông tin, hoạt động khai thác giao dịch của sàn tại Trung Quốc sẽ dừng hoạt động để chuyển ra nước ngoài. BTC.TOP cũng thông báo ngừng hoạt động kinh doanh tại đại lục do lo ngại về rủi ro pháp lý.
Liu Changyong, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Blockchain của Đại học Kinh doanh và Công nghệ Trùng Khánh lý giải, khu vực Nội Mông vốn có giá điện thấp nên được nhiều nhà khai thác bitcoin quy mô lớn đổ về.
Song đến nay, quy định mới của Trung Quốc về việc siết chặt hoạt động khai thác bitcoin đã khiến giá trị của đồng tiền điện tử này sụt giảm mạnh. Các thợ đào sẽ phải tháo máy và dịch chuyển, tuy nhiên họ cũng phải cân nhắc sẽ chuyển đến đâu?
Một trong những yếu tố quan trọng trong việc đặt trang trại đào bitcoin chính là giá điện. Như vậy, các thợ đào sẽ phải chuyển đến nơi có giá điện hấp dẫn. Ngoài ra, yếu tố khác nữa chính là chuỗi cung ứng, cần có các đơn vị cung cấp linh kiện, cũng như địa điểm lý tưởng.
Liệu Việt Nam có là điểm hấp dẫn?
Tại Việt Nam, hoạt động khai thác bitcoin từ lâu đã nổi lên. Tính đến đầu tháng 4/2018, theo Tổng Cục Hải quan, cả nước có khoảng 15.600 máy đào tiền mã hóa. Vậy liệu thị trường này có tiềm năng đối với các chủ mỏ Trung Quốc?
Chia sẻ với phóng viên, anh Trần Hạo Nam, một người đào coin tại Cà Mau, cho biết, thị trường Việt Nam vẫn còn nhỏ lẻ, hầu hết các thợ đào chưa đầu tư nhiều vào máy đào. "Chủ yếu trên thị trường, các thợ đào Việt Nam chỉ lấy máy tính sẵn có, rồi mua thêm vài card màn hình (VGA) vào để đào. Như vậy thì thị trường không thể nào so được và thay thế Trung Quốc".
"Nhìn chung, xu hướng hiện nay thường chuyển qua trữ hơn là đào bitcoin. Nhiều người quen của tôi cũng đang bán máy đào. Nhưng hoạt động mua bán trên các hội giờ cũng không còn sôi động như trước", anh Nam nói thêm.
Còn anh Nguyễn Tuấn Ngọc, chủ cửa hàng bán máy đào coin tại Hà Nội, cho hay, từ giai đoạn cuối năm 2017, đầu năm 2018, giá bitcoin giảm mạnh xuống còn dưới 6.000 USD/đồng, khiến hàng loạt người thợ đào nhỏ lẻ tại Việt Nam phải "bán hết".
"Những người chơi nhỏ lẻ và không chủ động về nguồn điện thì đều thanh lý máy, do lợi nhuận của họ giảm đáng kể. Nhưng những xưởng lớn thì họ vẫn duy trì hoạt động và kiếm lợi khủng". Lý giải về điều này, anh Ngọc cho rằng thị trường toàn cầu đều giảm, nên tính cạnh tranh từ đó cũng giảm theo. "Khi dễ đào hơn, được nhiều coin hơn và chờ đến lúc tăng giá mới bán thì họ có thể kiếm lời khủng".
Liên quan đến việc Trung Quốc cấm hoạt động khai thác bitcoin, anh Tuấn Ngọc nói: "Khi Trung Quốc ban hành lệnh cấm thì mất 10 ngày đầu, hàng hóa chào sang bên Việt Nam nhiều kinh khủng. Hơn nữa, giá thành cũng cực kỳ tốt. Nhưng tới giờ thì làn sóng này không còn ồ ạt như trước nữa".
Theo anh Ngọc, thời gian trước đây, Trung Quốc còn sang cả Việt Nam để gom VGA, dẫn đến giá VGA tăng đáng kể, cả card cũ và mới. Đến bây giờ, thợ đào cũng được lợi chính là có VGA giá tốt để cày. Tuy nhiên, đồng quan điểm với anh Trần Hạo Nam, anh Ngọc cho rằng các chủ mỏ Trung Quốc sẽ không chọn Việt Nam là nơi đặt xưởng. Lý do chính là giá điện tương đối cao.