Lợi ích nào khi dự trữ ngoại hối tăng 'sốc'?
Rõ ràng, lượng dự trữ ngoại hối tăng mạnh lại quay ngược giúp nhà điều hành có thêm công cụ, nguồn lực để ổn định tỷ giá khi cần thiết.
Lượng dự trữ ngoại hối dồi dào sẽ giúp NHNN có nhiều dư địa và giải pháp phù hợp trong việc điều hành chính sách tiền tệ, đặc biệt là việc điều hành linh hoạt và ổn định tỷ giá, nâng cao giá trị tiền đồng, từ đó gia tăng niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài cũng như đại bộ phận dân chúng trong nước. Thống kê cho thấy tỷ giá trung tâm USD/VNĐ NHNN niêm yết chỉ tăng vỏn vẹn 1,2% cho cả năm 2017, thấp hơn mục tiêu đề ra là 2% dù trong năm phải đối mặt với thách thức 3 lần Fed tăng lãi suất. Trong hơn 1 tháng đầu năm nay, tỷ giá trung tâm hiện tại cũng tăng chưa tới 0,1%.
Nhìn vào diễn biến của thị trường tiền tệ trong hai năm gần đây, không khó để giải thích vì sao dự trữ ngoại hối của Việt Nam lại tăng mạnh trong năm 2016 và 2017.
Thứ nhất, Việt Nam đã và đang rất chủ động tham gia vào các hiệp định thương mại tự do (FTA) cả song phương và đa phương. Đây là cơ sở để các doanh nghiệp nước ngoài dịch chuyển cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam nhằm tận dụng những ưu đãi về chính sách thuế. Do vậy, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã liên tục tăng trưởng trên hai con số trong những năm gần đây.
Thứ hai, trong bối cảnh môi trường kinh tế và chính trị của thế giới có nhiều biến động thì Việt Nam duy trì được sự ổn định tương đối bền vững. Trong đó, đáng chú ý là NHNN đang dần hoàn thiện cơ chế điều hành tiền tệ và tỷ giá theo định hướng thị trường. Rủi ro tỷ giá phi thị trường là một trong những rủi ro mà các NĐTNN quan ngại nhất khi đầu tư vào Việt Nam.
Thứ ba, đó là việc Chính phủ đang quyết liệt đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, các tập đoàn kinh tế nhà nước có quy mô lớn, đang hoạt động trong các ngành kinh tế trọng điểm như điện lực, ngân hàng, logistics hay hàng không... Do vậy, dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) đã liên tục chuyển hướng vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Trong đó, đáng chú ý là dòng vốn đầu tư đến từ các thị trường chưa có truyền thống đầu tư nhiều vào các doanh nghiệp của Việt Nam như Hàn Quốc và Hồng Kông.
Rõ ràng khi thị trường ngoại hối ổn định sẽ giúp các nhà đầu tư nước ngoài tự tin tham gia, góp vốn đầu tư vào thị trường Việt Nam do ít phải lo ngại về rủi ro tỷ giá, từ đó càng giúp thu hút được nguồn vốn ngoại tệ và giúp NHNN có thêm cơ hội tiếp tục gia tăng dự trữ ngoại hối. Và lượng dự trữ ngoại hối tăng mạnh lại quay ngược giúp nhà điều hành có thêm công cụ, nguồn lực để ổn định tỷ giá khi cần thiết.
Dự trữ ngoại hối tăng lên cũng có thể giúp nâng cao xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam trong tương lai, khi khả năng trả nợ đã tăng lên đáng kể. Phí hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS) kỳ hạn 5 năm của Việt Nam trong tháng 1 đầu năm nay đã giảm thêm 7,37 điểm cơ bản xuống chỉ còn 113,77 điểm cơ bản, mức thấp trong giai đoạn gần đây. Điều này sẽ giúp Chính phủ giảm được chi phí vay vốn nếu có kế hoạch phát hành trái phiếu ngoại tệ trên thị trường quốc tế trong thời gian tới.
Ngoài ra, việc NHNN mua vào ngoại tệ mạnh mẽ đồng thời bơm một lượng VNĐ tương ứng ra thị trường đã giúp thanh khoản hệ thống ngân hàng tiếp tục duy trì ở mức cao, tạo điều kiện để mặt bằng lãi suất vẫn khá ổn định trong giai đoạn thanh khoản thường chịu áp lực cuối năm. Vào cuối tháng 1/2018 vừa qua ngân hàng Vietcombank đã tiếp tục giảm thêm lãi suất huy động đầu vào sau khi trước đó đã giảm lãi suất cho vay trong đầu tháng.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu mức dự trữ ngoại hối dù tăng mạnh như trên nhưng đã đủ ở mức an toàn? Theo tiêu chí đánh giá của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), quy mô dự trữ ngoại hối sẽ được tính bằng số tuần nhập khẩu, theo đó quy mô phải tương đương từ 12-14 tuần nhập khẩu thì quốc gia sẽ được coi là đủ dự trữ ngoại hối. Nếu theo giá trị nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam năm 2017 là 211,1 tỷ USD, thì quy mô dự trữ ngoại hối của Việt Nam tính đến thời điểm hiện nay tương đương 14,5 tuần nhập khẩu, do đó được xem là đủ an toàn trong thời điểm hiện nay.
Sự tăng giảm thất thường của dự trữ ngoại hối cho thấy môi trường kinh tế vĩ mô thiếu sự ổn định. Do vậy, để có được niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) thì Việt Nam, mà cụ thể ở đây là NHNN, cần phải kiên định trong điều hành chính sách tiền tệ (monetary policy) theo hướng duy trì sự ổn định của tất cả biến số như lãi suất, tỷ giá và lạm phát.
Theo An Ninh Tiền Tệ