MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Căng thẳng, áp lực thực sự có thể "ăn mòn" bạn: Nếu không thể nghỉ việc, đây là lời khuyên chuyên gia dành cho bạn!

23-07-2018 - 10:11 AM | Sống

Bạn đang làm một công việc luôn khiến bạn mệt mỏi, căng thẳng, khiến tinh thần bạn lúc nào cũng “căng như dây đàn”, khiến bạn luôn cảm thấy âu lo... Vậy thì hãy từ bỏ công việc đó ngay trước khi nó phá hủy cuộc sống và con người bạn.

Nicole Faith, 26 tuổi, nhân viên của một trong những công ty chuyên về Internet ở New York, chia sẻ: "Ai đó luôn chế ngự và kiểm soát tôi". Thậm chí, khi làm việc tại nhà, cô cũng luôn cảm thấy như có một ai đó đang "lượn lờ" trên màn hình trò chuyện như muốn giám sát mọi động thái, hành động của mình.

Cô nói thêm: "Tôi thường xuyên trải qua những cơn hoảng loạn, cảm giác như tôi có thể ngất đi bất cứ khi nào tôi bước xuống phố, và thường rơi nước mắt. Công việc thực sự đã khiến tôi bị bệnh, sức khỏe của tôi trở thành một mớ hỗn độn không sao giải quyết được”. Vì thế, cô đã quyết định bỏ việc để bảo vệ tính mạng của chính mình.

Câu chuyện này nghe có vẻ giống như một vở kịch. Tuy nhiên, Jeffery Pfeffer - giáo sư trường Stanford kiêm tác giả cuốn "Dying for a paycheck" (Harper Business) - đã nói rằng những thực tiễn ở một nơi làm việc tồi tệ như sự quản lý vi mô, nỗi lo sợ bị sa thải, thời gian làm việc kéo dài hoặc không thể biết trước và khiến mọi người cảm thấy họ không đủ tốt đứng thứ 5 trong danh sách các nguyên nhân hàng đầu dẫn tới cái chết, đứng trên cả bệnh Alzheimer và bệnh thận.

Ông cho hay: "Mọi người cố gắng bám trụ những công việc không tốt đối với họ và đây chính là nguyên nhân gây stress. Nó thường dẫn đến việc hút thuốc, uống rượu, ăn quá nhiều, không ngủ và tử vong." Cuốn sách của Pfeffer như một lời cảnh tỉnh, kêu gọi hành động: các công ty cần thay đổi và các cá nhân nên nghỉ việc khi cảm thấy mình đang làm việc trong một môi trường đầy căng thẳng.

Căng thẳng, áp lực thực sự có thể ăn mòn bạn: Nếu không thể nghỉ việc, đây là lời khuyên chuyên gia dành cho bạn! - Ảnh 1.

Pfeffer so sánh một nơi làm việc tồi tệ như một căn phòng đầy khói thuốc. "Bạn không nói ‘Tôi không thể rời đi’ khi căn nhà của bạn đang ngập trong lửa. Nếu công việc của bạn đang "ăn mòn" bạn, ngay cả khi bạn lo lắng về việc làm thế nào để thanh toán các hóa đơn, bạn vẫn cần phải rời đi."

Theo Pfeffer, các nhân viên không giống như Faith. Họ thường không chủ động nghỉ việc theo ý muốn của họ mà thường do một người thân thiết nào đó can thiệp vào, và khuyên họ không thể cứ tiếp tục như vậy nữa.

Đó là những gì đã từng xảy ra với cựu giám đốc điều hành của JPMorgan Chase, Alexander Lowry. Ông đã từng mơ ước được làm việc ở phố Wall và mất 4 năm rưỡi để biến ước mơ của mình thành sự thực.

Ông chia sẻ: "Dành ra 100 giờ mỗi tuần đã giúp tôi đạt được điều mình muốn." Không chỉ vậy, vị hôn thê của ông còn chỉ ra đạo đức nghề nghiệp của ông không phù hợp với cuộc sống và gia đình mà họ muốn xây dựng.

"Cuộc đời bạn có 5 điều quan trọng: gia đình, tài chính (công việc của bạn), bạn bè, sức khỏe và niềm tin," ông nói. Đồng thời ông cũng lưu ý rằng "công việc" được ông đầu tư một lượng thời gian và công sức không cân xứng và nó không phải là điều quan trọng duy nhất trong cuộc đời ông.

Lowry không coi quãng thời gian làm việc của mình ở JPMorgan Chase như một sự lựa chọn tồi tệ. Ông bày tỏ rằng sự nghiệp cũng "theo mùa, theo thời". Ông và vợ hiện đã chuyển đến bờ biển phía bắc của bang Massachusetts sinh sống và có với nhau một cô con gái đáng yêu. Ông cũng bắt đầu chương trình thạc sĩ kéo dài một năm ngành phân tích tài chính ở trường Cao đẳng Gordon gần đó.

Căng thẳng, áp lực thực sự có thể ăn mòn bạn: Nếu không thể nghỉ việc, đây là lời khuyên chuyên gia dành cho bạn! - Ảnh 2.

Huấn luyện viên trong lĩnh vực nghề nghiệp Amy Alpert của South Orange, NJ, cho biết rằng không phải tất cả mọi người đều có thể tạo ra những sự chuyển tiếp liền mạch như vậy, nhưng các nhân viên nên dừng những công việc tẻ nhạt hằng ngày lại một chút - tốt nhất là trước khi xảy ra vấn đề gì đó - và tự hỏi bản thân những câu hỏi như: Tôi muốn cuộc sống như thế nào? Làm thế nào để tôi làm việc hiệu quả nhất? Tôi làm việc tốt nhất ở đâu? Khi nào tôi làm việc tốt nhất?

Cô cho hay: "Không có nhiều người dừng lại, bỏ một chút thời gian để nghĩ về điều đó." Những câu hỏi này không có đáp án mẫu hay đáp án chính xác bởi "mỗi người cần phải xem xét hoàn cảnh cũng như tính cách của riêng họ".

Đây chính xác là những gì mà Faith đã làm nhưng dường như ít chính thức hơn một chút. Faith chia sẻ: "Đầu tiên, tôi tìm kiếm một công việc mới và làm tự do trong lĩnh vực thiết kế trang web." Làm việc với các doanh nghiệp, cô phát hiện ra rằng họ cần nhiều sự giúp đỡ hơn là việc chỉ thiết kế - thực tế là họ muốn mạng lưới kinh doanh trực tuyến của họ được xây dựng.

Để đáp ứng nhu cầu đó, cô đã phát triển trang 10CaratCreations.com và nhờ đó, cô có được một cuộc sống thoải mái như hiện nay. Faith cũng trở thành một "dân du mục kỹ thuật số" - người làm việc dựa vào mạng Internet, sử dụng công nghệ để làm việc ở bất cứ nơi đâu. Điều này cho phép cô đi du lịch và làm việc ở mọi nơi trên thế giới. 

Faith cảm thấy hài lòng về những lựa chọn của mình: "Tôi không nghĩ là bất cứ ai cũng nên oằn mình, hy sinh sức khỏe của mình để kiếm tiền. Tất cả chúng ta đều xứng đáng được tôn trọng và khỏe mạnh."

Căng thẳng, áp lực thực sự có thể ăn mòn bạn: Nếu không thể nghỉ việc, đây là lời khuyên chuyên gia dành cho bạn! - Ảnh 3.

Dưới đây chính là những lời khuyên của chuyên gia dành cho những ai đang bị sự căng thẳng, áp lực công việc "ăn mòn" mỗi ngày:  

1. Nói sớm hơn nói muộn, hãy nói ra càng sớm càng tốt

Alpert nói: "Đừng để mọi thứ đi quá xa tới mức một lúc nào đó bạn phải chạy vào văn phòng sếp và hét lên ‘Tôi không thể chịu đựng được nữa rồi’." Khi gặp phải vấn đề, Albert khuyên bạn nên đặt vấn đề với quản lý của mình, đưa ra những lựa chọn phù hợp với bạn và vẫn hoàn thành công việc. Bạn có thể định vị bằng câu: "Đây là ý kiến của tôi. Sếp cảm thấy thế nào?"

2. Tự chăm sóc bản thân mình

Đừng làm việc theo một thời gian biểu không ổn định, bỏ qua kỳ nghỉ hay bỏ lỡ thời gian dành cho gia đình và bạn bè. "Những điều này sẽ giúp bạn giảm mức độ ảnh hưởng của stress," Pfeffer chia sẻ.

3. Nó không chỉ liên quan đến mình bạn

Elisabeth Goldberg, bác sĩ chuyên về hôn nhân và gia đình được cấp phép dựa trên Flatiron, nói: "Những căng thẳng xoay quanh công việc có thể phá hủy cuộc hôn nhân và hạnh phúc gia đình bạn. Bạn im lặng chịu đựng ở nơi làm việc nhưng đừng mang sự im lặng cam chịu đó về nhà. Nếu là bạn đời của người đang gặp vấn đề đó, bạn hãy chịu khó lắng nghe họ."

4. Trước khi chấp nhận một lời đề nghị về công việc, hãy hỏi về những tiêu chuẩn, chất lượng cuộc sống

Alpert nói: "hãy hỏi về những điều quan trọng với bạn. Hãy tìm hiểu xem bạn có phải trả lời các văn bản, vấn đề vào cuối tuần hay ban đêm hay không." Hoặc nếu bạn muốn có sự linh hoạt trong ngày làm việc, hãy cho người quản lý biết rằng bạn không phiền khi phải làm việc vào ban đêm, miễn là bạn vẫn có một chút thời gian để nghỉ ngơi. "Thường thì những điều này có thể thương lượng được tùy theo từng trường hợp," cô nói.

5. Làm việc cho một ông chủ biết coi trọng sức khỏe và hạnh phúc

Pfeffer nói: "Công việc không chỉ là tiền bạc, và tiền bạc không thể hoàn toàn hủy hoại các mối quan hệ hoặc sức khỏe thể chất hay tinh thần."  

Nguyễn Nguyễn

New York Post

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên