Lời khuyên của nhà kinh tế học: Muốn giàu trước hết phải may!
Một nhà kinh tế học đã may mắn sống sót vì ông đã chọn đúng sân bóng khi chơi tennis. Giờ đây ông muốn nói cho chúng ta biết về vận may, dưới góc nhìn của một nhà kinh tế học.
- 08-03-2014Vị khách may mắn hủy chuyến bay vào phút chót
- 08-11-2013Năm đầu tiên “đầy may mắn” của các lãnh đạo mới Trung Quốc
- 12-06-2013Mạo hiểm hay may mắn tạo nên giàu có?
Vào một sáng mùa đông thứ 7 lạnh giá ở Ithaca (New York), Robert Frank đang chơi tennis khi tim của ông ngừng đập. Hiện tượng tim đột ngột ngừng đập khiến 98% nạn nhân thiệt mạng trong khi hầu hết các trường hợp sống sót sẽ phải chịu thương tật suốt đời.
Nhưng chỉ 2 tuần sau, Frank đã có thể quay lại sân tennis.
Làm sao điều đó có thể xảy ra? Cách đó vài trăm mét đã có một vụ tai nạn xe hơi xảy ra. Hai chiếc xe cấp cứu đến hiện trường nhưng chỉ cần đến một chiếc vì đó là một vụ tai nạn nhỏ. Do đó vài phút sau Frank đã được đưa lên chiếc xe cấp cứu còn lại, chiếc xe mà theo lẽ thường sẽ ở cách vị trí của ông tới 8 km.
“Tôi đã sống sót nhờ quá đỗi may mắn”, giáo sư 71 tuổi đang làm việc tại ĐH Cornell nói. Bạn cũng có thể gọi đó là một phép màu. Và 9 năm sau, Frank vẫn đang mải mê nghiên cứu về cái gọi là may mắn. Vận dụng vào ngành kinh tế học, ông tiến tới một khái niệm khác: giàu có hay mối liên hệ giữa may mắn và giàu có.
Đặt may mắn và tiền bạc vào cùng 1 câu, Frank biết mình sẽ phải đối mặt với sự giận dữ. Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Elizabeth Warren của bang Massachusetts và Tổng thống Barack Obama đã bị chỉ trích nặng nề khi nói rằng giới nhà giàu Mỹ nên cảm thấy biết ơn về cái mà ông Obama gọi là “hệ thống kỳ diệu cho phép chúng ta trở nên hùng mạnh”.
“Đơn giản là hầu hết chúng ta không muốn người khác nói rằng mình giàu có là nhờ may mắn chứ chẳng phải do ta cố gắng”, Frank nói.
Cuốn sách mới mang tựa đề “Success and Luck: Good Fortune and the Myth of Meritocracy” của Frank mang đến kết luận về việc may mắn có thể đem đến thành công như thế nào.
Đầu tiên, Frank muốn nói rõ ràng rằng những người giàu có đã tự mình xây dựng phần lớn cơ đồ. Bill Gates, Warren Buffett và những tỷ phú lừng danh khác không thành công chỉ nhờ may mắn mà nhờ tài năng và chăm chỉ.
Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh rằng chúng ta không thể phủ nhận sạch trơn vai trò của may mắn. Thống kê từ giải khúc côn cầu chuyên nghiệp cho thấy 40% người chơi sinh ra trong 3 tháng đầu năm, trong khi chỉ có 10% sinh ra trong 3 tháng cuối năm. Lý do có thể là những đứa trẻ sinh đầu năm già dặn hơn và có lợi thế hình thể hơn so với những đứa trẻ sinh vào cuối năm.
Ảnh hưởng của ngày sinh – thứ mà bạn không thể kiểm soát – là không lớn, nhưng có những sự trùng hợp mà ta không thể không để ý. Mặc dù lớn lên trong những năm 1960, đồng sáng lập Bill Gates của Microsoft lại học ở ngôi trường hiếm hoi cho phép học sinh sử dụng máy tính không giới hạn.
Một trường hợp khác là nam diễn viên Bryan Cranston. Sau mấy chục năm diễn xuất, phải đến năm 60 tuổi ông mới trở thành một ngôi sao thực sự nhờ series Breaking Bad. Frank lưu ý rằng Cranston gần như đã không được giao vai chính. John Cusack và Matthew Broderick lần lượt từ chối vai diễn này trước khi nhà sản xuất đồng ý giao vai diễn cho Cranston vốn là một cái tên ít nổi tiếng hơn. Chính diễn viên này cũng nói rằng “bạn có thể có tài năng và sự kiên nhẫn, nhưng bạn sẽ không thể có một sự nghiệp rực rỡ nếu thiếu may mắn”.
Cranston và Gates liệu có thể trở nên giàu có và nổi tiếng nếu như không gặp may? Câu trả lời vẫn là có. Nhưng Frank chỉ ra rằng nền kinh tế của chúng ta hiện đang thay đổi theo cách mà vai trò của may mắn ngày càng lớn.
Hơn 20 năm qua, ông đã nghiên cứu về sự nổi lên của những thị trường “Winner-take-all”, thị trường mà trong đó có sự cạnh tranh rất khốc liệt và chỉ có một vài kẻ ở trên thắng cuộc sẽ nắm giữ toàn bộ phần thưởng. Nền kinh tế ngày càng giống với thị trường thể thao hay âm nhạc, nơi có hàng triệu người tranh tài nhưng người thắng sẽ được thưởng nhiều gấp hàng nghìn lần so với kẻ thua.
Ở thế kỷ 20, thông thường một người kế toán sẽ chỉ phải cạnh tranh với những người kế toán khác ở gần đó. Nếu làm việc chăm chỉ, bạn có nhiều cơ hội để giành được gần như toàn bộ khách hàng trong thị trấn. Môi trường ngày nay khốc liệt hơn nhiều lần: các công ty kế toán chuyên nghiệp hoạt động trên toàn cầu có thể nhảy vào và cướp lấy những khách hàng lớn nhất.
“Công nghệ giúp những người giỏi nhất mở rộng tầm ảnh hưởng của mình”, Frank nói. Với sức mạnh của bộ máy tìm kiếm và mạng xã hội, lợi thế của người dẫn đầu càng được khuếch đại nhiều hơn.
Frank viết:
“Giành chiến thắng trong một cuộc thi có đông người tham gia yêu cầu mọi thứ đều phải đúng. Điều đó có nghĩa là kể cả khi may mắn chiếm vai trò quan trọng, hiếm có khi nào người chiến thắng lại không may mắn".
Môi trường Winner-take-all cũng tạo nên sự khác biệt lớn về của cải giữa người may mắn và người không may mắn. Một người dù thông minh nhưng kém may mắn sẽ phải cố gắng nhiều, trong khi một người tài giỏi ngang bằng (hoặc kém hơn) nhưng may mắn cộng thêm chăm chỉ sẽ kiếm được nhiều hơn hàng triệu hay hàng tỷ USD.
Vậy thì làm thế nào để đảm bảo công bằng?
Chúng ta không thể kiểm soát may mắn. Theo Frank, giải pháp duy nhất là đầu tư nhiều hơn vào giáo dục và cơ sở hạ tầng cũng như những thứ mà chúng ta cho là sẽ giúp cho tất cả mọi người đều thành công. Chất lượng dịch vụ công càng được cải thiện (tức mọi người đều có cơ hội ngang nhau) thì càng có nhiều người gặp may mắn. Tuy nhiên điều này cũng đồng nghĩa với thuế tăng, đặc biệt có thể nghĩ đến tăng thuế đánh vào giới nhà giàu.
Tuy nhiên Frank cho rằng tăng thuế không đáng sợ như chúng ta tưởng. Có thể so sánh giữa việc lái chiếc Porsche giá 150.000 trên đường cao tốc được bảo dưỡng tốt so với một chiếc Ferrari giá 330.000 USD trên con đường đầy ổ gà. Ví dụ này cho thấy 2 điều: tất cả mọi người đều được hưởng lợi (trong đó có người giàu) và chúng ta cũng phải suy nghĩ nhiều hơn về sự khác biệt giữa một chiếc xe 150.000 với chiếc xe 330.000 USD.
Của cải tập trung trong tay một số ít người đã tạo ra một cuộc đua khốc liệt. Không chỉ là mọi người ghen tị với người khác hay muốn trở nên nổi trội mà nhu cầu đã tăng lên quá nhanh.
Frank ví con người như những chú nai sừng tấm luôn muốn có những cái sừng thật to để thu hút bạn tình dù không có sừng sẽ giúp chúng di chuyển hay chạy trốn kẻ săn mồi dễ dàng hơn nhiều. Cuối cùng chúng bị mắc kẹt trong cuộc chạy đua vị thế.
Đối với con người, chí ít thì thuế sẽ giúp nguội bớt cuộc đua lãng phí. Frank nghĩ về việc mở rộng thuế đánh vào những thứ xa xỉ. Như vậy những người thành công nhất vẫn có thể chi tiền cho những thứ tốt nhất (như ngôi nhà bên bờ biển hay những hàng ghế đầu tiên…) nhưng ít ra cuộc cạnh tranh sẽ bớt khốc liệt hơn.
Frank biết rằng lập luận này sẽ không được ủng hộ. Nhưng ông muốn dành cả quãng đời còn lại – những năm tháng dôi dư vì sống sót nhờ may mắn trên sân tennis 9 năm trước – để giải thích tường tận chúng ta sẽ giàu có hơn bao nhiêu nếu nhận thức được vận may của mình.