MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Lời nguyền" khó vượt qua của ngành nông nghiệp và cách giải của Đồng Tháp

"Vì lấy mục tiêu là sản lượng nên hệ quả là sản phẩm nông nghiệp chi phí sản xuất cao mà chất lượng thì kém. Đấy là nhược điểm lớn nhất, chi phối nhất, được ví như lời nguyền của ngành", ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Tháp chia sẻ tại kỳ họp HĐND tỉnh.

Ông Lê Minh Hoan cho biết Đồng Tháp đã triển khai thực hiện Đề án "Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp" được gần một nhiệm kỳ phát triển kinh tế - xã hội. 

Theo đó, Đề án đã dần lan toả rộng khắp đến người nông dân, doanh nghiệp. Hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở cũng đã cùng ra quân với nhiều công việc cụ thể. Ngành nông nghiệp tỉnh nhà trở thành mũi chủ lực. 

Tuy nhiên, ông cho biết khi đi sâu vào tái cơ cấu, với những bất ổn về thị trường, sức ì quán tính từ tư duy của một nền nông nghiệp truyền thống lấy sản xuất làm mục tiêu đã bộc lộ nhiều hạn chế, xuất hiện nhiều nút thắt, điểm nghẽn.

Đó có thể là sự nhầm lẫn giữa phương tiện và mục tiêu, giữa ngắn hạn và dài hạn, giữa kinh tế thị trường và kinh tế kế hoạch hoá.

"Đã đến lúc cần cùng nhìn lại, đánh giá lại, định vị lại xem chúng ta đang ở đâu và sẽ đi về đâu? Tóm lại, cần tư duy rằng tái cơ cấu nông nghiệp không phải là một phong trào ngắn hạn, một đợt ra quân, mà phải được xem là một cuộc cách mạng mới", ông nói và nhấn mạnh: "Cách mạng là xoá bỏ cái cũ để thay thế bằng cái mới tiến bộ hơn, là sự thay đổi sâu sắc, toàn diện".

Tại Việt Nam, nền nông nghiệp truyền thống từ xưa đến nay chủ yếu hướng đến mục tiêu tăng sản lượng, đồng nhất giữa sản lượng với lợi nhuận. Do vậy, hệ quả của nó là chi phí sản xuất cao mà chất lượng thì kém.

Ông Hoan nhận định đây là nhược điểm lớn nhất, chi phối nhất với ngành, được ví như "lời nguyền" khó vượt qua. Điều này khiến cho báo cáo của mọi ngành, mọi cấp đều nhận định rằng nông sản Việt sức cạnh tranh kém, thị trường tiêu thụ bấp bênh...

Do vậy, ông khẳng định cuộc cách mạng mới trong nông nghiệp không phải là làm ra sản lượng nhiều hơn mà là làm sao lợi nhuận nhiều hơn.

Tại Đồng Tháp, để giải "lời nguyền", tỉnh đã chú trọng phát triển và nâng cao chất lượng kinh tế tập thể, nhất là hợp tác xã nông nghiệp.

"Muốn có hợp tác xã mạnh thì tinh thần hợp tác trong nông dân là điều then chốt. Mà muốn bà con hợp tác với nhau trong làm ăn thì phải khơi gợi tinh thần hợp tác trong cuộc sống hàng ngày", ông nói và giải thích tại sao tỉnh có các "Hội quán nông dân".

Đồng Tháp cũng đang triển khai những mô hình đầu tiên của nền nông nghiệp 4.0, theo ông Lê Minh Hoan, nhằm bắt kịp với xu hướng về công nghệ.

Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận bất cứ sự thay đổi nào cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách. Nó có thể là việc một bộ phận nông dân bằng lòng với cái cũ hay bộ phận lãnh đạo các cấp vẫn thờ ơ với cái mới.

Ông nhấn mạnh rằng cần có sự gắn kết đồng bộ, chặt chẽ, hướng đến mục tiêu cao nhất. "Chúng ta có chấp nhận làm cuộc cách mạng mới trong mỗi người không? Và, nếu chấp nhận thì bắt đầu "buông bỏ" dần cái cũ không còn phù hợp để hướng đến cái mới tốt đẹp hơn. Tinh thần Nghị quyết của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn phải được thực hiện xuyên suốt trong cuộc sống chứ không chỉ dừng lại ở công tác quán triệt, sơ kết, tổng kết, không được hô hào khẩu hiệu suông", ông Lê Minh Hoan nói.

T.Công

dongthap.gov

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên