Lợi nhuận bèo bọt, FCCOM có gì giúp MSB thu về hàng nghìn tỷ từ thoái vốn?
Năm 2021, FCCOM ghi nhận doanh thu 151 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa đầy 1 tỷ đồng. Công ty này do MSB sở hữu 100% với giá trị vốn góp hơn 697 tỷ đồng.
- 04-03-2022MSB chuẩn bị chốt danh sách cổ đông dự ĐHCĐ 2022
- 14-02-2022Tăng trưởng thu nhập ngoài lãi sẽ tạo động lực chính cho MSB tiến xa trong năm 2022
- 17-01-2022MSB lãi trước thuế 5.168 tỷ đồng trong năm 2021, vượt gần 60% so với kế hoạch
Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) mới đây đã thông qua nghị quyết về việc bán 100% vốn công ty tài chính FCCOM cho đối tác nước ngoài.
Lãnh đạo MSB cho biết ngân hàng định hướng thoái vốn các công ty con và tập trung vào lĩnh vực chính, phát triển mảng bán lẻ, nhóm khách hàng cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đồng thời, nguồn thu từ việc thoái vốn có thể là động lực chính cho mục tiêu tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trước thuế 30% trong năm 2022.
Tại báo cáo thường niên mới công bố, MSB cho biết, FCCOM ghi nhận doanh thu 151 tỷ đồng trong năm 2021. Lợi nhuận trước và sau thuế đạt lần lượt 1,97 tỷ đồng và 0,98 tỷ đồng. Kết thúc năm 2021, dư nợ cho vay của công ty tài chính này đạt 358 tỷ đồng.
Với kết quả trên, đây là năm thứ hai liên tiếp lợi nhuận FCCOM đi lùi. Trước đó, năm 2020, lợi nhuận của công ty chỉ đạt 2,3 tỷ đồng, giảm 64% so với năm 2019.
Số liệu về quy mô tài sản hiện tại của FCCOM không được MSB công bố. Tuy nhiên, tính đến 31/12/2020, tổng tài sản của công ty đạt hơn 621 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 606,8 tỷ đồng, hầu như không tăng so với năm trước. Dư nợ tín dụng của công ty năm 2020 cũng chỉ tăng 1,4 tỷ đồng so với năm 2019. Tuy nhiên, nợ xấu của công ty tăng vọt lên 28,4 tỷ đồng, cao hơn 10,1 tỷ đồng năm 2019 và chiếm tới 8,83% tổng dư nợ so với mức 3,15% vào cuối năm 2019. Nợ xấu tăng mạnh khiến công ty phải nâng trích lập dự phòng lên 36,7 tỷ đồng.
Hiện nay, FCCOM đã phát triển mạng lưới POS trải đều khắp toàn quốc và hơn 1000 cán bộ nhân viên có đầy đủ chức năng và nhiệm vụ triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
MSB cho biết tính đến hết 2021, FCCOM có 23 điểm giới thiệu dịch vụ (POS), số lượng khách hàng khoảng 13.000 với đa phần là nông dân, tiểu thương kinh doanh, cá thể nhỏ lẻ. Các mảng kinh doanh của FCCOM gồm: Cho vay tiêu dùng có sở hữu bất động sản, cho vay có dư nợ thể chấp bất động sản, cho vay tiêu dùng thông thường, cho vay có nguồn thu từ lương, cho vay tiêu dùng siêu nhanh, cho vay khách hàng hiện hữu, cho vay thế chấp bằng giấy tờ có giá và cho vay khác.
FCCOM có vốn điều lệ là 500 tỷ đồng do MSB sở hữu 100%. Đến cuối năm 2021, lượng vốn góp của MSB tại công ty tài chính này lên tới hơn 697 tỷ đồng.
Đối tượng nhận chuyển nhượng FCCOM hiện chưa được MSB công bố, tuy nhiên chia sẻ với các nhà đầu tư hồi cuối năm 2021, ông Nguyễn Hoàng Linh - Tổng giám đốc MSB, cho biết: ngân hàng đang tiếp xúc 2-3 nhà đầu tư, nếu mọi chuyện suôn sẻ sẽ tiến hành ký hợp đồng chuyển nhượng trong tháng 11/2021.
Theo CEO MSB Nguyễn Hoàng Linh, thương vụ chuyển nhượng FCCOM sẽ mang lại cho MSB khoản lợi nhuận khoảng 1.800 - 2.000 tỷ đồng, dự kiến sẽ hoàn tất và hạch toán lợi nhuận trong năm 2022.
Trước đó, năm 2019, Hyundai Card - công ty phát hành thẻ tín dụng của hãng chế tạo ô tô Hàn Quốc Hyundai Motor cũng thông báo mua lại 50% cổ phần tại FCCOM với giá 49 tỉ won (tương đương 42 triệu USD). Tuy nhiên, tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch COVID và thay đổi chiến lược của Hyundai Card khiến thương vụ này bất thành.
Làn sóng ngân hàng ''buông dần'' công ty tài chính đã manh nha từ giai đoạn trước năm 2018 khi Techcombank đã chuyển nhượng 100% vốn Techcom Finance cho Công ty Lotte Card (Hàn Quốc). Tuy nhiên, hoạt động này đã sôi động hơn bao giờ trong năm 2021 khi chứng kiến một loạt các thương vụ thoái vốn lớn.
Cuối năm ngoái, Ngân hàng SHB vừa ký kết các thỏa thuận chuyển nhượng toàn bộ vốn điều lệ tại công ty tài chính SHB Finance cho Ngân hàng Krungsri của Thái Lan – thành viên chiến lược thuộc Tập đoàn MUFG – Nhật Bản.
Trước đó, VPBank đã công bố hoàn thành thương vụ chuyển nhượng 50% phần góp vốn tại FE Credit cho Tập đoàn Tài chính Sumitomo Mitsui (SMFG, Tập đoàn SMBC) và Chứng khoán Bản Việt vào tháng 4 vừa qua. Thương vụ này dự kiến sẽ đem về cho ngân hàng 1,4 tỷ USD và giúp tăng vốn chủ sở hữu lên khoảng 48%. Với mức giá trên, FE Credit được định giá vào khoảng 2,9 tỷ USD, cao hơn vốn hóa thị trường của một loạt ngân hàng trong nước như VIB, TPB, MSB, OCB,…
Trên thị trường Việt, hiện có 6 công ty tài chính là thành viên của các ngân hàng lớn trong nước gồm Công ty tài chính TNHH MTV Cộng đồng (FCCOM) của MSB, Công ty tài chính tiêu dùng (FE Credit) của VPBank, Công ty TNHH HD Saison của HDBank, Công ty tài chính SHB Finance của SHB, Công ty TNHH tài chính MCredit của MB, Công ty tài chính bưu điện của SeABank. Trong đó, 5/6 công ty tài chính này đã hoặc đang tiến hành bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài và chỉ còn PTF của SeABank là chưa có động thái gì.