MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

FE Credit quý 1: Lợi nhuận giảm sút, nợ xấu gia tăng, lãnh đạo nói gì?

22-05-2018 - 07:27 AM | Tài chính - ngân hàng

Mới đây, lãnh đạo Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank – VPB) đã có những chia sẻ xoay quanh hoạt động của ngân hàng cũng như công ty con Fe Credit – vốn vẫn được xem là "gà đẻ trứng vàng" của VPBank trong suốt thời gian qua.

Ngân hàng vẫn tăng trưởng cao hơn toàn ngành

Theo bà Lưu Thị Thảo, Phó Tổng giám đốc phụ trách Tài chính của VPBank, quý 1/2018 là quý đầu tiên trong lộ trình chuyển đổi giai đoạn 5 năm tiếp theo của ngân hàng, cũng là thời gian rất quan trọng để ngân hàng xác định tầm nhìn và chiến lược cho cả giai đoạn 2018 - 2022.

Trong quý vừa qua, ngân hàng không đạt mức tăng trưởng rất cao như các năm trước, nhưng nhìn chung vẫn cao hơn toàn ngành. Trong đó, tín dụng tăng trưởng 3,5% (trong đó Fe Credit tăng hơn 4% còn ngân hàng riêng lẻ tăng hơn 3%), huy động vốn và giấy tờ có giá khoảng 5%. Còn cập nhật đến hết tháng 4 thì tăng trưởng tín dụng đã đạt 7,5%, huy động vốn và giấy tờ có giá đạt 6,5%.

Trong hoạt động kinh doanh quý 1, tổng thu nhập của toàn ngân hàng đạt 7.660 tỷ đồng, hoàn thành 23% kế hoạch cả năm, trong đó có phần đóng góp của bảo hiểm AIA (với khoảng 800 tỷ). Tổng chi phí hoạt động là 2.389 tỷ đồng, chiếm 19% tổng chi phí cả năm. Chi phí dự phòng khá cao là 2.642 tỷ đồng, bằng 27% kế hoạch dự phòng của cả năm. Lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 2.619 tỷ, hoàn thành 24% kế hoạch năm.

Trước một số ý kiến cho rằng ngân hàng đang tăng trưởng chậm lại, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank cho rằng, trong các tháng đầu năm hoạt động của ngân hàng vẫn bình thường, bằng chứng là các chỉ số về hoạt động như tín dụng, huy động, doanh thu…vẫn tăng trưởng mạnh.

Riêng về doanh thu, nếu tính cả công ty con Fe Credit thì VPBank hợp nhất đang cao hơn 40% so với ngân hàng đứng thứ 2 trong nhóm cổ phần. Còn nếu loại Fe Credit thì phần doanh thu riêng của VPBank là đứng thứ 3 sau Techcombank và MB.

Ông Vinh cũng bổ sung thêm phần liên quan đến chi phí gia tăng trong quý 1. Theo CEO của VPBank, chi phí cao hơn nhưng chất lượng hoạt động của ngân hàng vẫn tốt hơn. Hiệu suất sử dụng đồng vốn (CIS) tăng dần, ở mức 34%, trong đó riêng Fe Credit là 31%.

Fe Credit lợi nhuận giảm, nợ xấu gia tăng, triển vọng thế nào trong thời gian tới?

Liên quan đến hoạt động của công ty tài chính tiêu dùng Fe Credit – "gà đẻ trứng vàng" cho VPBank, ông Kalidas Ghose, Tổng giám đốc Fe Credit cập nhật thông tin rằng, lợi nhuận trước thuế của Fe Credit trong quý 1 năm nay đạt 927 tỷ đồng và sau thuế 735 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ năm trước. Nếu so với quý 4/2017 thì lợi nhuận giảm 26%.

Tỷ lệ nợ xấu của công ty này cuối quý 1 ở mức 5,9% trong khi cùng kỳ là 5,6% và quý 4 năm ngoái là 4,8%. Doanh thu thuần trong quý 1 đạt 3.571 tỷ, chi phí hoạt động 1.080 tỷ và dự phòng 1.718 tỷ trong khi cùng kỳ lần lượt là 2.736 tỷ, 574 tỷ và 1.146 tỷ.

Dư nợ tín dụng của Fe Credit trong quý 1 năm nay đạt hơn 46.600 tỷ đồng trong khi cùng kỳ là chưa đến 35 nghìn tỷ và cuối quý 4 năm ngoái là 44.800 tỷ

Ngoài ra, trong quý 1 năm nay công ty đã có 1,1 triệu khoản vay mới, tăng hơn 30% so với mức 800 nghìn cùng kỳ năm ngoái.

"Với tốc độ tăng trưởng 35 – 37%, nếu như ai đó nói Fe Credit đang tăng chậm lại thì con số trên đã minh chứng rằng sự hoài nghi ấy là không có sơ sở, chúng tôi vẫn tăng trưởng rất tốt" – ông Kalidas nói.

Một số ý kiến e ngại về tình hình quý đầu năm hoạt động kinh doanh kém hơn, cụ thể là lợi nhuận thấp hơn và nợ xấu lại cao hơn, sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh của cả năm?

Ông Kalidas cho biết quý 1 thường là kinh doanh kém hơn các quý còn lại của năm. Riêng về nợ xấu, Tết năm nay kéo dài nên hoạt động thu hồi nợ của công ty cũng gặp khó vì tâm lý của khách hàng là không muốn trả nợ trong dịp Tết. Nhưng trong tháng 4 và tháng 5, hoạt động thu hồi nợ đã tích cực hơn, bù đắp cho các tháng trước đó, bên cạnh việc nhu cầu vay gia tăng và công ty cũng đã trích lập dự phòng khá mạnh cho các khoản nợ nên không có gì lo ngại về kế hoạch đã đề ra.

Hơn nữa, nhìn một cách đa chiều thì Fe Credit đang có thị phần lớn, có phân khúc khách hàng đa dạng, tốc độ tăng trưởng ổn định, quy mô của các khoản vay cao hơn cho nên công ty vẫn có cơ sở để đảm bảo được vị thế trên thị trường. Ngoại trừ quý 1 mang tính mùa vụ thì các quý còn lại sẽ tăng trưởng khả quan hơn và công ty tin rằng ít nhất sẽ đạt mức tham vọng của ban lãnh đạo đặt ra.

Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank cho biết thêm, mục tiêu kinh doanh của Fe Credit trong 6 tháng và cả năm 2018 sẽ không có gì thay đổi so với kế hoạch đã đặt ra.

Dự phóng cho các quý còn lại, Fe Credit dự kiến NIM sẽ ổn định nhưng CIR sẽ cải thiện qua đó giúp lợi nhuận lên cao hơn. Dư nợ cả năm 2018 là hơn 61,5 nghìn tỷ - tăng trưởng 37%. Lợi nhuận đặt ra theo kế hoạch của ngân hàng hợp nhất là không dưới 5.000 tỷ.

Nếu hết lợi thế về NIM, Fe Credit lấy gì để tiếp tục "đẻ trứng vàng"?

Nhà đầu tư cũng quan ngại về việc dường như Fe Credit đang lấy lợi thế từ lãi suất cho vay cao dẫn đến lãi cận biên (NIM) cao, nhưng thời gian tới đây, khi có sự cạnh tranh của các đối thủ khác thì công ty này sẽ làm ăn thế nào để kiếm lãi?

Ông Nguyễn Đức Vinh cho biết, tài chính tiêu dùng hiện nay có nhiều nhà cung cấp, chẳng hạn năm ngoái có Mcredit ra đời và cạnh tranh cùng Fe Credit, và khách hàng có quyền lựa chọn dịch vụ và nhà cung cấp để sử dụng dịch vụ. Nắm bắt được tình hình này, ngân hàng cũng phải có cách để phát triển.

"Chúng tôi không đặt ra mục tiêu phải là NIM cao, lãi suất cao, mà là nâng cao hiệu quả để tạo ra giá trị tốt. Trong 5 năm tới, tiềm năng thị trường vẫn tốt. Nhưng có thể tài chính tiêu dùng của Việt Nam sẽ gặp bão hòa trong tương lai, thì lúc đó sẽ phải chuẩn bị cho vấn đề này và phải có dự phòng trước. Chẳng hạn VPBank đang gắn với số hóa, hoạt động cho vay tiêu dùng trong thời gian tới sẽ gắn với công nghệ, qua đó giảm chi phí và tăng lợi nhuận…"- ông Vinh chia sẻ.

Về kế hoạch kinh doanh trong tương lai, ông Kalidas bổ sung thêm, công ty sẽ hợp tác với các đối tác để có những giải pháp thâm nhập các khu vực khách hàng ngoài vùng hiện nay. Chẳng hạn như tương lai mạng lưới cửa hàng bán lẻ, cửa hàng tiện lợi sẽ mở rộng thì công ty cũng sẽ có những sự thay đổi để cho phù hợp cho nhu cầu tiếp cận khoản vay cũng như việc trả nợ tiện lợi hơn của khách hàng.

Tùng Lâm

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên