MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lợi nhuận ngân hàng chuẩn bị bùng nổ

06-01-2019 - 16:32 PM | Tài chính - ngân hàng

Trong khoảng 1 tuần đến 1 tháng nữa, các ngân hàng sẽ bước vào giai đoạn công bố kết quả kinh doanh năm 2018. Một số nhà băng đã dần tiết lộ thông tin với mức lãi kỷ lục, vượt kế hoạch năm.

Các ngân hàng thương thương mại Việt Nam đang chuẩn bị bước vào giai đoạn công bố kết quả kinh doanh Quý 4/2018. Chưa có nhiều công bố cụ thể và chính thức, song những thông tin được tiết lộ và dự báo trên thị trường cho thấy năm 2018 là một năm sẽ ghi nhận những mức lãi kỷ lục của nhiều nhà băng. Theo báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tổng lợi nhuận sau thuế của các định chế tài chính ước tăng 33% so với năm 2017. Trong đó, riêng tổng lợi nhuận của các tổ chức tín dụng ước tăng 40%.

Mới đây, một ngân hàng nhỏ là TPBank đã công bố kết quả kinh doanh năm 2018. Ngân hàng cho biết lợi nhuận trước thuế đạt tới 2.258 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với năm 2017 và vượt mục tiêu kế hoạch đại hội đồng cổ đông đã đề ra (2.200 tỷ). Quy mô lợi nhuận của TPBank đã tăng trưởng gần gấp 4 lần chỉ sau 3 năm, kể từ cuối năm 2015.

Tính đến cuối năm 2018, tổng tài sản của TPBank đạt hơn 136 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 12 nghìn tỷ đồng. ‪Tỷ lệ nợ xấu được kiểm ở mức xấp xỉ 1%, thấp hơn nhiều so với kế hoạch dưới 2% đề ra đầu năm.

Trước TPBank, Sacombank cũng chính thức công bố kết quả kinh doanh của mình. Theo đó, lợi nhuận trước thuế ước đạt hơn 2.200 tỷ đồng, vượt 20% kế hoạch cổ đông thông qua. Tổng tài sản ước đạt 407.000 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2017, chất lượng tài sản cải thiện với tỷ trọng tài sản có sinh lời tăng 5% so với năm trước. Huy động vốn từ tổ chức kinh tế và dân cư ước đạt 364.000 tỷ đồng, tăng 12% so với đầu năm. Tín dụng ước đạt 258.000 tỷ đồng, tăng 14%. Nợ xấu giảm về dưới 3% - giảm mạnh so với con số hơn 4,2% hồi đầu năm và gần 3,2% tại thời điểm cuối tháng 9/2018.

Tổng thu nhập ước đạt 10.500 tỷ đồng, tăng 21% so với năm 2017, trong đó tăng trưởng thu lãi và dịch vụ cải thiện nhiều so với năm trước, nổi bật là thu dịch vụ bancassurance đạt kết quả vượt trội.

Vietcombank được khẳng định sẽ giữ vị trí số 1 về lợi nhuận trong hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, nhiều nguồn tin cho thấy lợi nhuận cả năm 2018 của nhà băng này sẽ gây bất ngờ khi vượt xa kế hoạch và mọi dự báo của các công ty chứng khoán. Một số nguồn tin tiết lộ thông tin từ Vietcombank về mức lợi nhuận trước thuế hợp nhất lên tới khoảng 18.300 tỷ đồng. Trong khi trước đó, hầu hết các công ty chứng khoán như BVSC, SSI,…dự báo lợi nhuận của Vietcombank sẽ đạt từ 15.000-16.000 tỷ. 9 tháng đầu năm 2018, LNTT của Vietcombank đã đạt hơn 11.600 tỷ, tăng 47% so với cùng kỳ.

Có thể sẽ không đạt được mức tăng trưởng "khủng" như Vietcombank, nhưng BIDV hồi đầu tháng 12/2018 (sau thông tin ông Trần Bắc Hà bị bắt) đã phát đi thông cáo khẳng định kết quả hoạt động kinh doanh của ngân hàng vẫn đang rất tích cực, đến cuối tháng 11/2018 cơ bản đã hoàn thành các mục tiêu kế hoạch năm được ĐHĐCĐ thông qua. Tổng tài sản của ngân hàng đạt 1.255 nghìn tỷ đồng; dư nợ cho vay nền kinh tế tăng 13,5%, nợ xấu kiểm soát thấp dưới 1,6%; lợi nhuận tăng trưởng 18%; đảm bảo các chỉ tiêu an toàn theo quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế.

Một ngân hàng nữa có tốc độ tăng trưởng cao nữa trong năm nay là ACB, với mức tăng tính theo lần. Trong một cáo báo phân tích, VCBS ước tính rằng ACB có thể đạt đến 6.433 tỷ đồng LNTT trong năm 2018 (tăng 2,4 lần so với năm 2017), bằng 113% kế hoạch năm. Trên thực tế, mức tăng trưởng trên hoàn toàn có khả năng đạt được vì trong 9 tháng đầu năm, LNTT của ACB cũng đã tăng 2,38 lần so với cùng kỳ, đạt 4.776 tỷ đồng.

Chưa có nhiều thông tin về kết quả kinh doanh của bộ ba VPBank, Techcombank và MBB - những ngân hàng hiếm hoi được NHNN nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong những tháng cuối năm. Techcombank được nới lên 20% trong khi MB và VPBank đều được nâng từ 15% lên mức 17%. Việc được nới thêm room tín dụng được kỳ vọng sẽ tạo nên những cú bứt phá mạnh trong quý cuối năm khi nhu cầu vay vốn tăng cao. 

Đáng lưu ý, lợi nhuận ngân hàng đạt được những mức tăng trưởng cao diễn ra trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng thấp, nhiều khả năng chỉ đạt từ 14-15% trong năm 2018. Điều này cho thấy, lợi nhuận ngân hàng đã bắt đầu có những chuyển dịch mới. Đầu tiên phải kể đến việc đẩy mạnh mảng ngân hàng bán lẻ để có NIM cao hơn và chú trọng phát triển dịch vụ để có nguồn thu ổn định. Ngoài ra, việc các ngân hàng quản lý tốt hơn chi phí cũng đem lại dư địa dồi dào cho lợi nhuận tăng, tỷ lệ CIR đã giảm đáng kể ở nhiều ngân hàng trong 9 tháng đầu năm 2018.

Sự bùng nổ lợi nhuận của các ngân hàng trong 2 năm qua đã tạo nên một bằng mới, vừa là động lực song cũng là áp lực cho tăng trưởng ở những năm tới. Nhiều dự báo cho rằng, từ năm 2019, tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng sẽ bắt đầu chậm lại khi đối mặt với những thách thức mới: áp dụng Basel II, tăng vốn, hãm phanh tín dụng,…

Diệp Trần

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên