Lời xin lỗi của KhaiSilk và chuyện phù thuỷ truyền thông giữ im lặng để thoát khủng hoảng
“Anh không biết cách đối thoại để làm vừa lòng công chúng, tốt nhất hãy giữ im lặng và để các cơ quan chức năng lên tiếng”, ông Nguyễn Thanh Sơn, sáng lập viên T&A Ogilvy đưa ra lời khuyên cho một thương hiệu trong quá trình xử lý khủng hoảng truyền thông.
- 30-10-2017Khaisilk nói nhân viên tự mua khăn Trung Quốc là “đổ cho cậu đánh máy”
- 30-10-2017Từ vụ Khaisilk: Người tiêu dùng hằng ngày phải đối mặt với ma trận hàng giả
- 30-10-2017Chủ tịch UBND TP HCM hỏi về Khaisilk
- 30-10-2017Khaisilk trục lợi trên thương hiệu Việt: Sau chỉ đạo là gì?
Thú nhận của Hoàng Khải và kết luận bất ngờ của thanh tra
Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội mới đây đã có báo cáo gửi Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) kết quả kiểm ta cửa hàng KhaiSilk số 113 Hàng Gai (quận Hoàn Kiếm).
Báo cáo do ông Trịnh Quang Đức, Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội ký tên cho hay: Cửa hàng 113 Hàng Gai do bà Nguyễn Thị Thu Nga là chủ hộ kinh doanh. Tại thời điểm kiểm tra, bà Nguyễn Thị Thu Nga thừa nhận, cửa hàng chuyên kinh doanh các mặt hàng lụa tơ tằm do Việt Nam sản xuất.
Tuy nhiên, do sơ suất trong quản lý, trước nhu cầu hàng hóa tăng đột biến vào dịp 20/10 (Ngày phụ nữ Việt Nam), nhân viên cửa hàng đã tự ý mua sản phẩm khăn lụa tơ tằm trên thị trường về cắt bỏ nhãn gốc Made in China sau đó khâu nhãn KhaiSilk Made in Việt Nam để bán cho khách hàng.
Tổng số hàng hóa cơ sở đã mua về và thay nhãn là 60 chiếc, đã bán 4 chiếc, còn tồn 56 chiếc. Giá niêm yết sản phẩm là 644.000 đồng/chiếc, tổng giá trị hàng hóa vi phạm là hơn 36 triệu đồng.
Đây được xem là một kết luận bất ngờ, theo hướng có lợi cho ông Hoàng Khải, dù rằng nó đi ngược lại những gì ông Khải đã nói trên báo chí trước đó.
Cụ thể, ông Hoàng Khải thừa nhận thương hiệu Khaisilk có bán lụa tơ tằm xuất xứ từ Trung Quốc, và cúi đầu xin lỗi người tiêu dùng. Cũng theo ông, thời điểm bắt đầu nhập lụa Trung Quốc là từ giữa những năm 1990, đến nay, cơ cấu nguồn tơ lụa trong hệ thống của KhaiSilk là 50% Việt Nam và 50% Trung Quốc.
Chính những thú nhận này đã khiến cho cơn khủng hoảng về lụa thương hiệu KhaiSilk bùng phát vì người tiêu dùng nhận định mình đã bị lừa 30 năm qua.
Im lặng rồi mọi chuyện sẽ qua
Khoảng 1 năm về trước, ông Nguyễn Thanh Sơn, sáng lập viên T&A Ogilvy, dính vào cuộc khủng hoảng liên quan đến vụ tài trợ chiến dịch khảo sát nước mắm của Vinastas.
Trước khi thông tin Công ty TNHH Liên doanh T&A Ogilvy là nhà tài trợ chiến dịch khảo sát nước mắm của Vinastas được chính thức công bố, ông Sơn từng lên mạng trần tình bản thân không liên quan gì. Thời điểm ấy, thông tin về việc ông Sơn và T&A Ogilvy đứng sau cuộc khủng hoảng nước mắm đã bắt đầu lan đi nhưng chưa có thông tin khẳng định. Tuy nhiên, đến ngày 29/11, kết luận tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ đã khẳng định Ogilvy đứng đằng sau khiến cho khủng hoảng truyền thông liên quan đến nhà sáng lập và công ty này chính thức bắt đầu.
Mặc dù lên tiếng khẳng định đã rời T&A Ogilvy từ tháng 7/2016 trong khi “cuộc khủng hoảng nước mắm” nổ ra tháng 10 nhưng mối nghi ngờ về việc ông Sơn có liên quan vẫn tồn tại.
Dù vậy, sau khi thông tin ngày 29/11 được công bố, hơn 2,5 ngày sau, công ty truyền thông này không có một trả lời hay người phát ngôn chính thức nào. Ông Nguyễn Thanh Sơn ngoài trả lời báo Trí thức trẻ về việc không còn làm việc tại T&A Ogilvy từ cuối tháng 7/2016 thì không có thêm bất cứ phát ngôn nào. Trên trang cá nhân, ông Sơn phản ứng bằng cách không cho người lạ bình luận, bản thân không cập nhật trạng thái, sau đó khoá facebook.
Còn theo phản ánh của báo chí, trong ngày 1/12, dù đã tìm đến trụ sở của T&A Ogilvy ở cả 2 miền, nhưng chỉ gặp được nhân viên của công ty, không ai có chức năng phát ngôn, còn lãnh đạo công ty, như nhân viên cho biết đã đi vắng hết.
Khoảng đêm 1/12, sang ngày 2/12, trang web của công ty đột ngột không truy cập được. Những gì hiển thị trên trang web chỉ là “Our site is temporarily down for maintenance. We will be back soon”. Cho đến thời điểm này, website trên vẫn trong tình trạng không truy nhập được.
“Anh không biết cách đối thoại để làm vừa lòng công chúng, tốt nhất hãy giữ im lặng và để các cơ quan chức năng lên tiếng”, ông Sơn từng khuyên một doanh nghiệp bị khủng hoảng trước đó.
Lập luận của ông Sơn là những lời nói ra có thể trở thành thứ chống lại bản thân. Trong khi đó, thị trường vốn không có bộ nhớ, chỉ một thời gian sau người ta sẽ tìm được vấn đề mới để bàn luận sôi nổi. Do vậy, cứ im lặng rồi mọi chuyện sẽ qua!
Và đến thời điểm hiện tại, ông Nguyễn Thanh Sơn đã trở lại trên mạng xã hội, dù vẫn giữ nguyên việc không cho người lạ mặt bình luận. Vụ việc khảo sát nước mắm của Vinastas cũng dần lùi vào quá khứ.
Chuyên gia thương hiệu Nguyễn Đình Thành từng nhận định khủng hoảng truyền thông sẽ không chừa bất cứ một công ty hay cá nhân nào. Quan trọng là cách đối diện và xử lý nó. Có doanh nghiệp như Hồng Lam ông chủ đứng ra xin lỗi, nhận toàn bộ trách nhiệm và khắc phục hậu quả, cũng có người như ông Nguyễn Thanh Sơn, im lặng rồi mọi chuyện sẽ qua.