MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

London vẫn ngồi trên ngai vàng tài chính toàn cầu trong bối cảnh Brexit hỗn loạn

16-10-2019 - 11:58 AM | Tài chính quốc tế

Trong 3 năm của cuộc khủng hoảng Brexit, London vẫn là trung tâm tài chính quốc tế và tiếp tục mở rộng tầm ảnh hưởng.

Từ tầng 62 của tòa nhà cao nhất London, nhà phát triển bất động sản Stuart Lipton đang đặt cược 1,2 tỷ USD rằng thủ đô của Anh vẫn là trung tâm tài chính quốc tế cho dù điều gì xảy ra với Brexit.

Ông Stuart Lipton là nhà phát triển của 22 Bishopsgate - tòa nhà chọc trời cao thứ hai ở Tây Âu sẽ mở cửa vào năm tới - cùng một loạt các nhà đầu tư toàn cầu, trong đó có công ty dịch vụ tài chính Axa của Pháp.

Các cảnh báo rủi ro trong cuộc trưng cầu dân ý năm 2016 rằng London sẽ mất ngai vàng tài chính nếu bỏ phiếu rời Liên minh châu Âu (EU), cho đến nay, đã được chứng minh là sai.

London có khả năng phục hồi rất nhanh và tương lai vẫn là một trung tâm tài chính an toàn, bởi theo ông Lipton, những gì London có là độc nhất vô nhị.

6 tháng đầu năm, London đã thu hút đầu tư bất động sản thương mại xuyên biên giới nhiều hơn bất kỳ thành phố nào khác. Thủ đô nước Anh cũng vượt qua New York để trở thành điểm đến cho đầu tư fintech, thống trị thị trường ngoại hối có quy mô giao dịch hàng ngày 6,6 nghìn tỷ USD của thế giới.

Kể từ khi bỏ phiếu để rời EU, Anh đã vượt Mỹ trở thành trung tâm hoán đổi lãi suất lớn nhất, bất chấp lời kêu gọi của cựu Tổng thống Pháp Francois Hollande nhằm chấm dứt sự thống trị của London trong việc thanh toán vốn phái sinh bằng đồng euro.

London đảm bảo cho Vương quốc Anh là một trong những vị trí hàng đầu của chính trị thế giới khi tách ra khỏi EU.

Điều đó có nghĩa là các công ty EU vẫn sẽ đến London để huy động tài chính bên ngoài khối sau Brexit.

Chỉ cách 22 Bishopsgate một dặm, Goldman đã mở trụ sở châu Âu mới rộng 1 triệu ft2 vào tháng 7/2019, 3 năm kể từ cuộc trưng cầu dân ý năm 2016.

Ngành dịch vụ tài chính của London đã phát triển kể từ năm 2016 vì không có đối thủ cạnh tranh thực sự trong cùng một múi giờ. Các nhân viên ngân hàng cao cấp đã quá gắn bó với văn hóa Anglo-Saxon, làm hết sức, chơi hết mình.

Giám đốc điều hành tại Anh của một trong những ngân hàng lớn nhất Châu Âu cho biết mặc dù một số doanh nghiệp sẽ chuyển sang các nước EU, hầu hết các chủ ngân hàng cao cấp không muốn rời London. Ông sẽ xem xét khoản cắt giảm 20% tiền lương để ở lại thành phố này.

"Nếu bạn là một nhân viên ngân hàng người Ý, chuyển đến London 20 năm trước và con bạn đang học ở trường tư thì bạn sẽ không chuyển đến Frankfurt," ông nói.

Trung tâm tài chính toàn cầu

Là một trung tâm toàn cầu về giao dịch, cho vay và đầu tư, London là nhà xuất khẩu dịch vụ tài chính ròng lớn nhất thế giới.

Cuộc trưng cầu dân ý năm 2016 đã gây ra sự sụt giảm lớn nhất trong một ngày của đồng bảng Anh kể từ đồng tiền này bắt đầu được thả nổi tỷ giá vào những năm 1970.

Nhưng cho đến nay, hầu hết các tổ chức tài chính lớn chưa chuyển nhân viên và hoạt động sang nơi khác cho đến khi chính thức mất quyền gia nhập vào thị trường sinh lợi duy nhất của EU này.

Các ngân hàng, công ty bảo hiểm và quản lý tài sản đã chuyển hơn một nghìn tỷ euro tài sản như vốn phái sinh và trái phiếu khỏi London và mở các trung tâm mới tại EU như một hàng rào chống lại London nếu Anh rời khỏi EU mà không có thỏa thuận chính thức.

Ngân hàng Anh ước tính khoảng 4.000 nhân viên sẽ rời đi vào thời điểm Anh chính thức ra khỏi EU. Nhưng các quyết định quan trọng vẫn được đưa ra ở London.

Reuters đã liên lạc với JP Morgan và Goldman và các đối thủ Citi, Bank of America, UBS, Morgan Stanley, Credit Suisse và Deutsche Bank để tìm kiếm chi tiết về cách "Brexit không thỏa thuận" có thể đẩy nhanh việc chuyển giao các nguồn lực và hoạt động từ London.

Tất cả các ngân hàng cho biết họ đã chuẩn bị cho Brexit không có thỏa thuận từ lâu.

Ông James Gorman, giám đốc điều hành của Morgan Stanley, nói rằng ông hiếm khi lo lắng về Brexit, "điều đó không nằm trong số 200 vấn đề ưu tiên hàng đầu" của ông.

Dữ liệu của Anh cho thấy tổng số người làm việc tại London trong giai đoạn 2016 - 2018 đã tăng 31.000, mặc dù tổng số người làm việc trong ngành ngân hàng và bảo hiểm đã giảm 3.000 trong giai đoạn này.

Không rõ mức giảm đó bao nhiêu là do Brexit và bao nhiêu là do các quy định mới hoặc thay đổi cấu trúc, chẳng hạn như số lượng chuyên gia công nghệ tăng tại các công ty cho vay trong khi việc làm tại ngân hàng truyền thống bị thu hẹp.

Ước tính ban đầu về tổn thất việc làm dao động từ khoảng 30.000 vị trí trong vòng một năm khi Anh rời EU, theo ước tính của nhóm nghiên cứu Bruegel có trụ sở tại Brussels, lên tới 75.000 vào năm 2025 bởi Oliver Wyman.

Theo Oliver Wyman, điều quan trọng là phải phân biệt giữa mất việc làm vào ngày đầu tiên của Brexit và trong dài hạn. Con số dự báo cuối cùng chưa rõ ràng, phụ thuộc vào mức độ tiếp cận thị trường.

 Giữ vững vị thế?

Ông Youssef Cassis, giáo sư lịch sử kinh tế chuyên về các trung tâm tài chính cho biết, thủ đô tài chính như London rất bền vững và sự dao động thường xảy ra với tốc độ rất chậm.

Không có tiền lệ cho việc tách rời giữa một cường quốc kinh tế - trong trường hợp này là Liên minh châu Âu - và trung tâm tài chính của nó - London, ông nói.

Một số hoạt động chính đã chuyển khỏi London trước Brexit. Giao dịch trái phiếu chính phủ khu vực đồng Euro và thỏa thuận mua lại trị giá khoảng 230 tỷ euro mỗi ngày, cùng với thanh toán bù trừ, đã chuyển sang Amsterdam, Milan và Paris vào đầu năm nay.

CBOE Châu Âu có trụ sở tại London, địa điểm giao dịch cổ phiếu lớn nhất EU, đã bắt đầu giao dịch cổ phiếu euro tại trung tâm mới tại Amsterdam vào đầu tháng 10.

Sau Brexit, nền kinh tế EU 27,9 nghìn tỷ USD vẫn sẽ phụ thuộc vào một nguồn vốn tài chính bên ngoài khu vực.

Một quan chức của Ủy ban châu Âu cho rằng EU không có ý định bóp nghẹt ngành tài chính của Vương quốc Anh để đẩy nhanh kế hoạch của riêng mình cho một liên minh thị trường vốn EU. Nhưng thị trường vẫn hoài nghi về những cam kết như vậy.

Ông Xavier Rolet, cựu giám đốc của Sở giao dịch chứng khoán London và Giám đốc điều hành của CQS cho biết, tại sao mọi người lại mong đợi EU đưa ra câu trả lời kinh tế cho một thách thức chính trị?

"Tôi mong họ trả lời về mặt chính trị, ngay cả khi những câu trả lời đó không vì lợi ích kinh tế tốt nhất của các nhà đầu tư, doanh nghiệp và ngân hàng có trụ sở tại EU."

Ông Rolet, người từng nói sau cuộc trưng cầu dân ý rằng một nửa số việc làm tài chính ở London có thể bị cắt giảm nếu các thanh toán vốn phái sinh rời khỏi đó, cho biết còn quá sớm để đánh giá tác động của Brexit.

Khánh An

CNN

Trở lên trên