Luật An ninh mạng và cách mạng 4.0
Đổi mới tư duy là một đòi hỏi rất quan trọng, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhấn mạnh khi nói về cách mạng 4.0 và dự thảo Luật An ninh mạng.
- 22-05-2018Bãi bỏ nhiều điều kiện kinh doanh trên Internet
- 21-11-2017An ninh mạng ở Việt Nam chỉ được đánh giá cao hơn một vài nước nhỏ, kém phát triển ở châu Á như Afganistan, Mông Cổ
- 23-03-2017Phác thảo tương lai công nghiệp Việt Nam: Công nghiệp 4.0, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, Internet của vạn vật...
-
Người dân, DN đóng góp nguồn tài chính cho các quỹ ngoài ngân sách gần như không biết chi tiết việc sử dụng, chi tiêu các quỹ ra sao
Trao đổi với Trí Thức Trẻ xung quanh dự thảo Luật An ninh mạng sắp được Quốc hội ấn nút thông qua, ông Nguyễn Đình Cung bày tỏ nhiều băn khoăn.
Ông nói công nghệ 4.0 bản chất là tạo ra những cái mới, thay đổi hẳn cách thức mà con người đang sống, tổ chức sản xuất, kinh doanh, kết nối với nhau. Theo đó, nhiều mô hình mới sẽ xuất hiện, vượt ra khỏi khung khổ sẵn có. Bởi vậy, vị viện trưởng này cho rằng nếu áp dụng cách tư duy hiện hành sẽ khó lòng phù hợp.
"Đặc biệt như dự Luật An ninh mạng, có thể nói là căn bản phục vụ cho công nghiệp 4.0 trong tương lai, thì phải tiếp cận theo lối không chỉ khuyến khích mà còn phải nuôi dưỡng được sáng tạo", ông nói và nhấn mạnh "Nếu không có sáng tạo, chắc chắn không có công nghiệp 4.0".
Tuy nhiên, theo cách ông nhìn nhận về dự thảo Luật này vẫn chưa đáp ứng được, thậm chí, có thể kéo lùi lại sự phát triển của doanh nghiệp sáng tạo.
Chia sẻ với Trí Thức Trẻ, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) cho biết dự thảo Luật An ninh mạng sẽ điều chỉnh, tác động trực tiếp đến 3 nhóm doanh nghiệp, gồm: nhóm sản xuất và kinh doanh các thiết bị, giải pháp kỹ thuật về an ninh mạng (doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, phân phối giải pháp, phần mềm, thiết bị bảo mật…); nhóm các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ tài chính công nghệ (còn gọi là Fintech); là nhóm các doanh nghiệp cung cấp giải pháp và dịch vụ nội dung số, giải pháp công nghệ nói chung.
Nhóm thứ ba gồm hầu hết các doanh nghiệp khởi nghiệp. Những doanh nghiệp này đóng vai trò rất quan trọng, thúc đẩy sự phát triển kinh tế số và tiếp cận cuộc cách mạng 4.0.
Nghiên cứu của IPS chỉ ra các quy định đề xuất trong dự thảo Luật có thể làm gia tăng chi phí cho các nhóm doanh nghiệp này như là chi phí tuân thủ, giấy phép, thủ tục hành chính.
Đơn cử, đối với nhóm doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ, có khả năng sẽ phát sinh thêm nhóm giấy phép con mới trong kinh doanh, đó là các loại giấy phép chứng nhận sản phẩm đủ điều kiện an ninh mạng trước khi đưa ra thị trường. Đồng thời sẽ có thêm các đợt kiểm tra, đánh giá an ninh mạng về hệ thống thông tin của doanh nghiệp.
Nhiều đại biểu Quốc hội, tại nghị trường hôm 29/5 cũng bày tỏ nhiều băn khoăn đối với dự luật này.
Đại biểu Nguyễn Phương Tuấn (Ninh Bình) nhận xét phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật đang quá rộng, đặt ra nhiều quy định có thể không thực sự cần thiết đối với yêu cầu bảo vệ an ninh. Trong khi đó, quy định có thể tạo thêm gánh nặng về thủ tục hành chính và chi phí cho doanh nghiệp. Một số điều khoản trong luật liên quan đến việc kiểm tra doanh nghiệp trong Luật, ông Tuấn bày tỏ lo ngại đến nguy cơ lạm quyền, khiến người dân, doanh nghiệp bị nhũng nhiễu.
Đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) cũng bày tỏ nhiều lo ngại về "vi phạm nghiêm trọng đến lợi ích của doanh nghiệp, người dân" nằm ở khoản 3, điều 39.
Điều khoản này yêu cầu doanh nghiệp tạm ngừng hoặc ngừng cung cấp thiết bị số, ứng dụng mạng để bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Ông Sơn cho rằng quy định như thế là chưa rõ. Theo đó, ông đề nghị phải nói rõ ai có thẩm quyền làm việc này vì có nguy cơ xâm phạm nghiêm trọng đến lợi ích của doanh nghiệp, của người dân, nên cần phải quy định rõ ràng hơn trong trường hợp này.
Đại biểu Phạm Thị Thanh Thuỷ (Thanh Hoá) thì lo ngại về quy định các tổ chức nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet tại Việt Nam phải đặt trụ sở hoặc văn phòng tại Việt Nam. Bà nói rằng quy định này là không khả thi, không phù hợp với thực tiễn, tăng chi phí cho doanh nghiệp và có thể vi phạm các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết.
Những ý kiến của đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận ngày 29/5 đã được ông Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh ghi nhận. Tuy nhiên, ông Việt cũng đề nghị giữ nguyên dự thảo ở nhiều vấn đề. Có 3 lần ông bày tỏ muốn giữ nguyên dự thảo.
Ông Nguyễn Đình Cung, trong lúc chia sẻ đã nhiều lần nói đến việc thay đổi tư duy hiện hành. "Không phải quản theo lối lâu nay chúng ta quản", ông nói và phản đối cách làm theo kiểu "năng lực nhà quản lý đến đâu thì cho phép người dân làm đến đó" , hay can thiệp hành chính vào kinh doanh của doanh nghiệp.
Ông định nghĩa, quản lý là vì phát triển, phục vụ phát triển, phải linh hoạt tạo không gian cho doanh nghiệp. Điều này đặc biệt đúng trong thời đại 4.0 khi mà cái mới liên tục được sinh ra, liên tục "tiến hoá". Như vậy, nếu áp một cái khung cứng nhắc, vô hình chung, mọi sự sáng tạo, mọi cái mới có thể bị "bóp chết".
Việc tiếp cận theo hướng này, không chỉ khiến cho cộng đồng doanh nghiệp hưởng lợi mà còn tác động tích cực ngược lại đối với cơ quan nhà nước. Bởi lẽ, dưới áp lực của việc chạy theo những cái mới, cơ quan quản lý cũng phải phá triển, nâng cao năng lực cá nhân. "Tức bản thân họ cũng trở thành người sáng tạo", ông Cung cho biết.
Bên cạnh đó, trong cuộc chơi 4.0, ông Cung cho rằng phải có sự phối hợp giữa nhà nước với các bên liên quan, như là doanh nghiệp, như là các nước trong khu vực, toàn cầu. "Mình chỉ làm một mình mình thì không đạt được mục tiêu".