MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Luật sư "mách nước" người dân khi tiếp cận dịch vụ tín dụng tiêu dùng

12-07-2017 - 10:18 AM | Tài chính - ngân hàng

Khi vay tiêu dùng, luật sư Trương Thanh Đức khuyến cáo trước khi đặt bút ký hợp đồng, người vay cần cân nhắc kỹ khả năng trả nợ của mình.

Tại Tọa đàm Phát triển tài chính bán lẻ, Cơ hội thúc đẩy tiêu dùng - Phục vụ tăng trưởng kinh tế Việt Nam diễn ra sáng nay, (12/7), dưới góc độ pháp luật, Luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO cho biết trong tương lai, đầu tư tài chính cho tiêu dùng sẽ tiếp tục phát triển mạnh góp phần giảm cho vay nặng lãi, tín dụng đen.

Đi liền với đó, luật sư chỉ ra người đi vay vẫn cần lưu ý khi tiếp cận dịch vụ tín dụng tiêu dùng tránh những thiệt thòi không cần thiết.

Theo luật sư, việc tự nguyện ký vào hợp đồng vay tín dụng tiêu dùng, đồng nghĩa với việc người tiêu dùng đã đồng ý với tất cả các điều khoản trong hợp đồng, nhất là về thời hạn trả nợ lãi suất trong hạn cũng như quá hạn.

Khách hàng không đọc kỹ, không tìm hiểu vấn đề sẽ nghĩ mình bị lừa khi phải trả số nợ quá cao. Lãi suất, thời hạn vay, điều kiện vay, công thức tính toán,... tương đối cụ thể, rõ ràng, nhưng người vay ít quan tâm và không đọc kỹ thì sẽ không hiểu. Đến lúc phải trả nợ gốc và lãi, nhất là phải áp dụng chế tài phạt trả chậm, tức áp mức lãi quá hạn, thì khách hàng mới giật mình tưởng rằng bị lừa.

Ngoài ra, cũng không loại trừ trường hợp câu chữ trong hợp đồng không thật sự rõ ràng, việc tư vấn, giải thích không đầy đủ, nên khách hàng không hiểu được hoặc hiểu nhầm nên cũng có cảm giác như bị lừa. Điều này thường hay xảy ra đối với phương thức cho vay tính lãi cố định trên dư nợ ban đầu.

Luật sư Trương Thanh Đức dẫn chứng, vay 10 triệu trong một năm, lãi 5% một tháng, số nợ gốc chỉ còn một triệu đồng nhưng vẫn phải trả lãi 500.000 đồng một tháng, tức lên đến 50% một tháng. Điều này khác xa so với trả lãi theo số dư thực tế, khi dư nợ chỉ còn một triệu thì chỉ phải trả 50.000 đồng, tức vẫn 5% một tháng.

Trước khi đặt bút ký hợp đồng, người vay cần cân nhắc kỹ khả năng trả nợ của mình. Nếu vi phạm hợp đồng, các công ty tài chính phải xử lý theo đúng pháp luật và thỏa thuận trong hợp đồng. Công ty tài chính có thể được phép cho vay với lãi suất 30-40% một năm hay cao hơn cũng được. Những chế tài khác như là đôn đốc, thúc giục, kiện ra tòa, xử lý tài sản... đều được pháp luật cho phép.

Đồng thời, các công ty tài chính phải ráo riết, phải làm mạnh nhằm thu hồi vốn để bảo đảm an toàn vốn và hiệu quả kinh doanh, chứ không thể châm chước, ưu ái cho khách hàng. Cho vay sản xuất kinh doanh thì lãi suất thấp, còn được xem xét nhiều yếu tố để gia hạn, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, miễn giảm lãi…

"Còn cho vay tiêu dùng thì gần như không có khái niệm đấy, cho nên đã không trả nợ thì thường bị áp chế tài rất nặng và rất nhanh, ít có độ trễ như cho vay sản xuất kinh doanh. Chậm trả nợ trong cho vay tiêu dùng thì lãi tăng thêm rất nhanh, chẳng mấy chốc mà lãi nhiều hơn gốc. Đặc biệt Bộ luật Dân sự năm 2015 còn cho phép thu thêm khoản lãi 10% tình trên số tiền lãi chậm trả so với trước đây", luật sư nói.

Mai Ngọc

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên