Lương ngân hàng: Vì sao có những con số cao chót vót?
Nhiều người vẫn nghĩ, cứ làm ở Vietcombank hay VPBank thì lĩnh lương 25 triệu đồng/tháng, hay là người của SeABank, Maritimebank thì chỉ lương từ 12-15 triệu đồng.
Mới đây, hàng loạt các ngân hàng công bố báo cáo tài chính quý 1/2017 cho thấy các con số về chi lương, thưởng cho nhân viên ở mức cao không tưởng. Những cái tên như BIDV, VietinBank, Vietcombank, VPBank, hay Techcombank, VIB đều đã vượt qua con số 20 triệu đồng/người/tháng, thậm chí là hơn 25 triệu đồng/tháng.
Người ngoài nhìn vào ai nấy cũng trầm trồ về các con số và ao ước mình được ở vị trí của người được nêu tên. Nhưng người trong cuộc lại chỉ thở dài ngao ngán bởi các con số ấy chỉ xuất hiện…trong mơ.
Những nỗi khổ của người làm ngân hàng chẳng cần phải nhắc thì xã hội giờ đây cũng thấu hiểu. Nào là họ phải chịu áp lực về chỉ tiêu, áp lực về thời gian rồi những rủi ro về tác nghiệp, rủi ro pháp lý. Thậm chí có người còn nói nghề ngân hàng là nghề rất …nguy hiểm. Và chính bởi lý do đó, họ được hưởng lương cao hơn các ngành khác cũng là điều bình thường.
Song còn một góc khuất nữa trên các báo cáo của các ngân hàng về chi phí nhân viên mà không phải ai cũng biết. Ngoài một số ngân hàng nói rõ thu nhập của nhân viên trong phần thuyết minh báo cáo tài chính, thì còn đại đa số các nhà băng vẫn chỉ để số tiền phải chi cho nhân viên và số lao động chính thức, rồi để mặc ai muốn tính ra con số nào thì tính.
Tham vấn ý kiến của một vị lãnh đạo ngân hàng đang được cho là trả lương gần cao nhất hệ thống hiện nay, vị này cho biết, những con số trên báo cáo vẫn nhìn thấy chỉ là con số sổ sách, còn lương thực nhận của người lao động khác xa.
Ông lý giải, đầu tiên, lương trên báo cáo là lương trung bình, tức bao gồm cả lãnh đạo lẫn nhân viên mới vào nghề, nên không thể nói rằng cứ làm ở Vietcombank hay VPBank thì lĩnh lương 25 triệu đồng/tháng, hay là người của SeABank, Maritimebank thì chỉ lương từ 12-15 triệu đồng.
Trên báo cáo thì lương hàng chục triệu đồng mỗi người nhưng thực nhận của người lao động lại khác xa
Thứ hai, trong bảng chi phí lương cho người lao động mà ngân hàng lập ra là chi phí để trả cho toàn bộ người lao động làm việc ở nhà băng đó, tức bao gồm cả nhân viên chính thức lẫn cộng tác viên, thử việc. Nhưng trên báo cáo tài chính thì nhân sự ghi nhận chỉ là những người ký hợp đồng chính thức. Do đó nếu như ngân hàng nào có đội ngũ cộng tác viên và lao động thời vụ đông thì phần chi phí bị đội lên rất nhiều. “Tôi được biết có ngân hàng có tới 20-30% lao động là thử việc và cộng tác viên, họ vẫn phải trả lương số lao động này nhưng lại không cộng vào tổng nhân sự, khiến cho phần chi phí thì lên cao mà mẫu số để chia thu nhập thì lại nhỏ, dẫn đến thu nhập trung bình rất cao”, ông nói.
Thứ ba, ở nhiều ngân hàng còn có đội ngũ chuyên gia rất đông và các chuyên gia này có mức lương hàng năm cũng rất cao, có thể lên đến cả tỷ đồng mỗi người. Cùng với đó là đội ngũ lãnh đạo từ cấp giám đốc chi nhánh trở lên cũng hưởng lương không hề nhỏ. Chưa tính đến các khối, các ban, các khu vực, vùng, thì riêng lãnh đạo chi nhánh cũng có đến hàng trăm người, thậm chí nếu tính cả phòng giao dịch thì có nơi lên đến hàng nghìn người, song khi tính lương tất cả lại quy thành một mối là nhân viên, dẫn đến việc tính thu nhập của người lao động còn chưa chính xác.
Và vị này một lần nữa khẳng định, việc nhìn vào chi phí lao động để tính ra lương ngân hàng là chưa chính xác. Các con số đó chỉ mang tính tham khảo mà thôi.