MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lý do Cục Hàng không đề xuất giá sàn vé máy bay

Lý do Cục Hàng không đề xuất giá sàn vé máy bay

Những khó khăn chưa từng có trong lịch sử hàng không thế giới do dịch COVID -19 đòi hỏi phải tháo gỡ. Đối với ngành hàng không Việt Nam, một trong những giải pháp được Cục Hàng không đề xuất là quy định sàn giá vé máy bay nội địa.

Giá sàn tính bằng chi phí khai thác

Sau khi lấy ý kiến các hãng hàng không, Cục Hàng không vừa trình Bộ GTVT liên quan tới đề xuất Thông tư quy định khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa. Cơ quan này đề xuất áp dụng trong 12 tháng, từ ngày 1/11/2021 đến hết ngày 31/10/2022.

Cục Hàng không tính toán, chi phí bình quân các hãng khai thác đường bay Hà Nội – TPHCM là khoảng 1,5 triệu đồng/ghế, tương đương bằng 47% giá trần đang áp dụng. Từ đó, cơ quan này đề xuất mức giá sàn vé máy bay nội địa bằng 20% giá trần, và bằng 43% chi phí bình quân khai thác.

Với đề xuất trên, áp dụng thực tế đường bay Hà Nội – TPHCM/Đà Lạt sẽ có giá vé thấp nhất 640.000 đồng/chiều (chưa bao gồm thuế, phí); đường bay như Hà Nội - Cần Thơ/Phú Quốc/Côn Đảo có giá tối thiểu 750.000 đồng/chiều (chưa gồm thuế phí)…

Cơ quan đề xuất cho rằng, giá sàn vé máy bay chỉ là biện pháp tình huống, áp dụng trong thời gian ngắn (cụ thể là 12 tháng), để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người tiêu dùng – hãng hàng không – nhà nước.

Bên cạnh đó, Cục Hàng không cũng dẫn trường hợp có 1 số nước đang áp dụng giá sàn vé máy bay, như Indonesia (giá sàn bằng 35% giá trần) để đảm bảo an toàn khai thác; Ấn Độ (giá sàn bằng 33-35% giá trần áp dụng tới tháng 3/2021); Trung Quốc (từng áp dụng giai đoạn 2004-2013). Ngoài ra, năm 2013, Việt Nam cũng ap dụng thí điểm chính sách giá sàn dịch vụ bốc dỡ container tại cụm cảng nước sâu Cái Mép- Thị Vải để tránh cạnh tranh không công bằng về giá...

Cục Hàng Hải Việt Nam đánh giá, chính sách giá sàn vé máy bay không những giải quyết tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, còn giúp doanh nghiệp hàng không có thêm nguồn thu tái đầu tư, tăng nguồn vốn tích luỹ.

3/5 hãng bay đồng thuận giá sàn

Về phía các hãng hàng không, đã có 3/5 hãng đồng thuận với phương án quy định sàn giá vé máy bay theo đề xuất của Cục Hàng không, gồm: Vietnam Airlines, Jetstar Pacific và Bamboo Airways. Trong khi có 2 hãng không đồng thuận giải pháp này là Vietjet và Vietravel Airlines.

Cục Hàng không cũng nhìn nhận chính sách này có hạn chế là chi phí và dịch vụ cung ứng của các hãng không cùng một mặt bằng, nên khó cho việc xác định mức giá tối thiểu áp dụng chung cho cả thị trường. Tuy nhiên, đây là chính sách mang tính khẩn cấp, chỉ áp dụng trong ngắn.

Với quan điểm ủng hộ giá sàn vé máy bay, PGS.TS Nguyễn Hồng Thái, Phó trưởng khoa Vận tải - Kinh tế (Đại học GTVT) cho rằng: Thời điểm tháng 4/2021 (trước khi dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4), bình quân giá vé máy bay nội địa chỉ tương đương 55% cùng kỳ năm 2019. Việc giá vé máy bay giảm mạnh tạo áp lực về sụt giảm doanh thu, thậm chí đẩy các hãng hàng không vào nguy cơ phá sản.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, việc đề xuất giá sàn để điều tiết giá vé máy bay trong bối cảnh dịch bệnh là đặc thù, tạm chấm dứt cuộc đua về giá vé máy bay rẻ. Tuy nhiên, giá tối thiểu phải phù hợp, minh bạch và trên cơ sở các chi phí tối thiểu cho hoạt động, trong vùng mức so sánh mới nhận được đồng thuận.

Theo Ngọc Minh

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên