MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bùng nổ doanh nghiệp ngoại vào Việt Nam thâu tóm

Các nhà đầu tư nước ngoài chiếm đại đa số trong danh sách các thương vụ M&A có giá trị lớn. Trong top 10 các thương vụ lớn nhất, có đến 9 thương vụ có mặt nhà đầu tư ngoại với vai trò là bên mua.

Thông tin trên được đưa ra tại họp báo Diễn đàn M&A Việt Nam diễn ra sáng nay tại Hà Nội.

Cùng với sự tái cấu trúc nền kinh tế, chủ động hội nhập quốc tế của Việt Nam, hoạt động mua bán sát nhập (M&A) không ngừng gia tăng. Nếu năm 2009 tổng giá trị các thương vụ M&A chỉ đạt 1 tỷ USD thì đến năm 2015, con số này đã tăng lên mốc kỷ lục 5,2 tỷ USD. Đặc biệt, chỉ tính riêng những tháng đầu năm 2016, giá trị các thương vụ này đã vượt mốc 3 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hiện tượng này được ông Đặng Xuân Minh, TGĐ Công ty AVM nhận định “cuộc đua M&A đã bắt đầu”.

Cuộc đua này hiện diện ở 5 phương diện, đó là: giành thị phần trong lĩnh vực bán lẻ và tiêu dùng; giành các vị trí vàng trong lĩnh vực BĐS; tìm cơ hội trong cổ phần hoá; hình thành các doanh nghiệp lớn của Việt Nam và cuối cùng là làn sóng khởi nghiệp.

Tuy nhiên, trên những đường đua ấy, có thể nhận thấy doanh nghiệp ngoại đang chiếm ưu thế nhiều hơn doanh nghiệp nội.

Theo thống kê, hiện các nhà đầu tư nước ngoài đang chiếm đại đa số trong danh sách các thương vụ có giá trị lớn. Trong top 10 thương vụ lớn nhất, có đến 9 thương vụ có mặt nhà đầu tư nước ngoài với vai trò là bên mua.

Cụ thể, 3 thương vụ đình đám nhất thuộc về các nhà đầu tư Thái Lan với việc Central Group mua lại Big C Việt Nam; Singha đầu tư vào Masan Consumer, Masan Brewery và TCC hoàn tất mua Metro.

Thị trường bất động sản lại được ghi dấu bởi những nhà đầu tư Singapore khi họ hoàn tất việc mua lại 3 ông lớn Keppel Land, Mapletree và Capita Land. Còn các nhà đầu tư Nhật Bản lại đầu tư chiến lược vào 2 doanh nghiệp nhà nước lớn là Vietnam Airlines và Petrolimex.

Lý giải về việc khối ngoại vẫn đóng vai trò quan trọng hơn khối nội trong hoạt động M&A, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho rằng nguyên nhân là nhà đầu tư Việt Nam vẫn còn có nhiều hạn chế về vốn, kỹ thuật, công nghệ quản trị. Nhà đầu tư Việt chưa mang lại thêm được những giá trị mới vào trong những cuộc M&A – ông Đông cho biết.

Còn ông Đặng Xuân Minh thì cho rằng nguyên nhân là thị trường Việt Nam đang rất hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài: Việt Nam đang thực hiện lộ trình Cộng đồng kinh tế Asean (AEC), đàm phán và ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới... những điều này đã khiến cho thị trường mở hơn bao giờ hết.

Thị trường Việt Nam tiềm năng hấp dẫn hơn cũng là điều được ông Yoshida đại diện Recof tái khẳng định. Ông cho biết, hiện các nhà đầu tư Thái và Nhật đều nhận thấy Việt Nam là mảnh đất màu mỡ để đầu tư M&A trong bối cảnh thị trường ở Nhật và Thái đã có dấu hiệu bão hoà. Tuy nhiên, chuyên gia này cũng cho rằng các doanh nghiệp Thái đang có nhiều ưu thế hơn doanh nghiệp Nhật do phía Nhật Bản thường thận trọng quá mức dẫn đến việc “chậm chân” hơn. Ngoài ra, Thái Lan và Việt Nam có nhiều yếu tố văn hoá, kinh tế tương đồng.

Đức Minh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên