MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lý do nâng vốn Nhà nước lên 70% khi thí điểm chính sách đặc thù dự án PPP giao thông

Theo Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), qua tính toán cho thấy mức 70 – 75% là hợp lý, tuy nhiên một số dự án có thể cao hơn song từng dự án cụ thể, tùy khả năng cân đối vốn của Nhà nước để quyết định.

Ngày 9/11, Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.

Nêu ý kiến, đại biểu Phan Đức Hiếu (Thái Bình) quan tâm đến tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án PPP (đầu tư theo hình thức đối tác công tư), được Chính phủ trình mức cao hơn so với tỷ lệ quy định trong Luật PPP là 70%. Ông Hiếu cho rằng, cần không làm mất đi tính chất hợp tác công tư và cần cân bằng tính khả thi của tỷ lệ này.

Nếu cơ chế đưa ra không khả thi sẽ không có công trình, không có dự án và không có lợi ích khác. Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ nên cân nhắc kỹ lưỡng nâng tỷ lệ góp vốn của Nhà nước khi tham gia dự án PPP lên 80%, để giải quyết khó khăn, vướng mắc.

Lý do nâng vốn Nhà nước lên 70% khi thí điểm chính sách đặc thù dự án PPP giao thông - Ảnh 1.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Hà Nội). Ảnh Như Ý

Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc (Hà Nội), việc ban hành nghị quyết đặc biệt, đặc thù trong bối cảnh hiện nay là một sáng kiến lập pháp rất quan trọng. Bởi trong khi chờ đợi cải cách toàn diện đồng bộ cả hệ thống thì những biện pháp đặc biệt, đặc thù sẽ giúp giải quyết tháo gỡ những khó khăn vướng mắc và cũng là bước thử nghiệm quan trọng để có được thực tiễn để có thể tạo nên bước đột phá về hệ thống pháp luật trong thời gian tới.

Tuy nhiên, đại biểu đoàn Hà Nội cũng đề nghị Quốc hội chỉ ban hành những tiêu chí, điều kiện cho những dự án được áp dụng cơ chế. Khi đó, dự án nào hội đủ các điều kiện thì được áp dụng các quy chế đặc biệt, đặc thù. Chính phủ chịu trách nhiệm về việc công nhận danh mục dự án.

Về tỷ lệ vốn đầu tư của Nhà nước trong dự án PPP, đại biểu Vũ Tiến Lộc bày tỏ ủng hộ một quan điểm, nếu như Thành phố Hồ Chí Minh hay Hà Nội mà có thể đề ra yêu cầu là không vượt quá 70% thì những dự án ở vùng xa xôi, những vùng núi Tây Nguyên hay Tây Bắc cũng nên được hưởng điều kiện ưu tiên như vậy, thậm chí có thể tăng tỷ lệ vốn Nhà nước lên 80 – 85% cũng là hợp lý.

Cùng mối quan tâm, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cho rằng, không nên quy định cứng tỷ lệ vốn của nhà nước là 70% mà nên giao Chính phủ quy định chi tiết, nhằm đảm bảo phù hợp với từng dự án thực hiện theo phương thức đối tác công tư PPP.

Theo ông, việc quy định cứng 70% và áp dụng cho 16 dự án thuộc danh mục Chính phủ trình chưa phù hợp, bởi mỗi địa phương và mỗi dự án khác nhau, có nguồn lực khác nhau, nên nghị quyết này mở đường cho việc huy động nguồn lực để giải ngân vốn đầu tư công, cũng như huy động nguồn lực của xã hội đầu tư cho hạ tầng giao thông.

Lý do nâng vốn Nhà nước lên 70% khi thí điểm chính sách đặc thù dự án PPP giao thông - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: Như Ý

Giải trình, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia vào dự án PPP là vấn đề khó và nhạy cảm. Trước đây không quy định tỷ lệ, sau này có Luật PPP đưa ra tỷ lệ 50%, dù thời điểm đó đưa ra tỷ lệ này đều có căn cứ rõ ràng.

Nhưng đến nay, nhận thấy quy định này không còn phù hợp như các dự án đi qua các địa phương có lưu lượng xe thấp, nhu cầu vận tải không cao thì nhà đầu tư không quan tâm, hay các dự án đi qua các đô thị thì chi phí giải phóng mặt bằng rất lớn…

Do đó cần thiết nâng tỷ lệ vốn Nhà nước với yêu cầu bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân và bảo đảm tính khả thi. Bởi nếu tỷ lệ thấp thì không thu hút nhà đầu tư, nhưng nếu nâng cao quá thì không còn ý nghĩa của dự án PPP nữa.

Bộ trưởng cho biết, qua tính toán cho thấy mức 70 – 75% là hợp lý, tuy nhiên một số dự án có thể cao hơn song từng dự án cụ thể, tùy khả năng cân đối vốn của Nhà nước để quyết định. Bộ trưởng cũng cho biết sẽ tiếp thu các ý kiến đại biểu Quốc hội để trong thời gian tới rà soát nghiên cứu sửa đổi Luật PPP.

Theo Bộ trưởng Dũng, nếu được Quốc hội thông qua cơ chế, chính sách đặc thù thì sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ. Đồng thời, do nhiều địa phương có đề nghị nên Chính phủ đã thiết kế “quy định mở”.

Theo đó, một số dự án chưa kịp hoàn thiện thủ tục với yêu cầu từ nay đến khi Quốc hội thông qua thì phải hoàn thiện; cũng như trong quá trình thực hiện tiếp theo có phát sinh một số dự án nữa thì căn cứ vào nguyên tắc tiêu chí để nếu đáp ứng đủ thì sẽ trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo Luân Dũng

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên