MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lý do sau 5 năm vào Việt Nam, Starbucks vẫn chỉ 'lẹt đẹt' với 38 cơ sở: Để mở một cửa hàng ở Sài Gòn cần ít nhất 5 tỷ đồng đầu tư trong khi đó 1 quán Coffee House chỉ tốn bằng nửa

16-08-2018 - 09:58 AM | Doanh nghiệp

Chi phí hoạt động cao gồm vấn đề thuê mặt bằng và khó khăn trong việc tìm địa điểm là 2 trong những lý do chính khiến các đại gia ngoại như Starbucks phát triển chậm chạp.

Hàng tá chuỗi cà phê Việt Nam đang mở rộng mạng lưới với tốc độ nhanh chóng trong một thị trường mà các chuyên gia phân tích nói rằng các chuỗi địa phương tỏ ra am hiểu tốt hơn là những "đại gia ngoại" như Starbucks.

Trong số những startup cà phê như vậy, phát triển nhanh nhất có lẽ là The Coffee House.

Trong một lần trả lời phỏng vấn tờ Nikkei, nhà sáng lập kiêm CEO The Coffee House Nguyễn Hải Ninh chia sẻ rằng: "Chúng tôi nhắm tới việc mở khoảng 700 cửa hàng trên khắp Việt Nam trong vòng 5 năm tới, trung bình 10 cửa hàng mới mỗi tháng".

Một chuỗi khác là Cộng cà phê thậm chí đã mở rộng sang cả nước ngoài.

Cụ thể tháng trước, họ đã khai trương cửa hàng đầu tiên tại Seoul và lên kế hoạch mở thêm 2 cửa hàng nữa tại đây trong thời gian tới. Tại quê nhà, Cộng cà phê đã phát triển được hơn 50 địa điểm kể từ năm 2007 và đang nhắm tới kế hoạch thêm 1 hoặc 2 cửa hàng mới mỗi tháng cho tới năm 2020.

Cộng cà phê thu hút khách hàng với lối thiết kế không gian độc đáo, mang âm hưởng Việt Nam thời kỳ những năm 1970 - 1980.

Lý do sau 5 năm vào Việt Nam, Starbucks vẫn chỉ lẹt đẹt với 38 cơ sở: Để mở một cửa hàng ở Sài Gòn cần ít nhất 5 tỷ đồng đầu tư trong khi đó 1 quán Coffee House chỉ tốn bằng nửa - Ảnh 1.

"Chủ sở hữu của những chuỗi cà phê đang nổi kể trên cho thấy họ hiểu rõ về văn hóa và khách hàng Việt Nam. Họ thiết lập mục tiêu rõ ràng cho tầng lớp khách hàng mà họ phục vụ và phát triển những thiết kế độc đáo cho không gian bên trong để phù hợp với xu hướng khách hàng trẻ", Phương Nguyễn - một chuyên gia nghiên cứu thị trường tại TP Hồ Chí Minh nhận định.

Với thực đơn đồ uống đa dạng, giá cả hợp lý những chuỗi này trở nên phổ biến trong giới sinh viên và tầng lớp trẻ, đang đi làm ở các thành phố lớn. Họ cung cấp không gian mà khách hàng có thể ngồi đó hàng giờ liền với wifi tốc độ cao, không bị ngắt quãng như ở các chuỗi lớn.

Tất cả những yếu tố đó đã khiến các chuỗi cà phê mới nổi của Việt Nam cạnh tranh quyết liệt với những thương hiệu nước ngoài dù dịch vụ và quản lý tốt hơn.

Starbucks là một ví dụ. 5 năm sau khi tấn công thị trường này, số lượng cửa hàng Starbucks chỉ ở con số 38. Trong khi đó, ở Thái Lan con số này là 330 cửa hàng, Indonesia là 320 còn Malaysia là 190.

Một startup cà phê khác cũng thuộc hàng nổi tiếng ở Việt Nam về số lượng cửa hàng và mức độ nhận diện thương hiệu là Highlands Coffee. Chuỗi này thành lập năm 2002 với không gian hấp dẫn thu hút người trẻ theo phong cách phương tây.

Sau khi bị mua lại bởi tập đoàn Jollibee Foods của Philippines vào năm 2012, chuỗi này đã mở rộng ra hơn 200 cửa hàng từ con số 60 của năm 2014, chủ yếu đặt trong các trung tâm mua sắm lớn. Dịch vụ của Highlands đã thay đổi hướng đến các khách hàng trẻ hơn với mức giá phải chăng thay vì giới doanh nhân.

Lý do sau 5 năm vào Việt Nam, Starbucks vẫn chỉ lẹt đẹt với 38 cơ sở: Để mở một cửa hàng ở Sài Gòn cần ít nhất 5 tỷ đồng đầu tư trong khi đó 1 quán Coffee House chỉ tốn bằng nửa - Ảnh 2.

Một vài cái tên mới xuất hiện có thể kể đến như Thức Coffee, Urban Coffee Station và Phúc Long. Tất cả đều mới chỉ ra mắt thị trường trong vòng 1 thập kỷ qua nhưng đã đạt tốc độ tăng trưởng doanh thu ước tính khoảng 7% mỗi năm.

So với đó, những chuỗi lâu đời hơn như NYDC, Gloria Jean’s Coffee của Australia hay Cafe Bene của Hàn Quốc đều đang phải thu hẹp quy mô. Một số khác như The KAfe thì đã buộc phải đóng cửa.

Chi phí hoạt động cao gồm vấn đề thuê mặt bằng và khó khăn trong việc tìm địa điểm là 2 trong những lý do chính gây ra tình trạng này. Theo tính toán của một chủ quán cà phê ở Việt Nam, một cửa hàng Starbucks rộng 200 m2 ở TP Hồ Chí Minh cần tới khoản đầu tư ban đầu lên tới 215.000 USD (tương đương khoảng 5 tỷ đồng) trong khi đó một cửa hàng Coffee House chỉ cần khoảng 86.000 USD.

Ngoài ra, nhiều thương hiệu lâu đời đang chậm chạp trong việc thích nghi mô hình kinh doanh mới để đáp ứng sự thay đổi khẩu vị người tiêu dùng - vốn đang bám rất sát những xu hướng của thế giới.

Theo Vân Đàm

Trí Thức Trẻ/Nikkei

Trở lên trên