Lý gì Samsung Việt Nam không mua hàng của doanh nghiệp Việt Nam?
"Nếu chúng ta muốn tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu thì đừng nghĩ quá nội địa!" - ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng hỗ trợ chiến lược, Tổ hợp Samsung Việt Nam nói.
Phát biểu tại Hội nghị Hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam phát triển chuỗi giá trị bền vững sáng ngày 24/7, ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng hỗ trợ chiến lược, Tổ hợp Samsung Việt Nam cho biết: "Rất nhiều công ty Việt Nam nói với chúng tôi: "Chỉ cần các anh cam kết mua hàng của chúng tôi, chúng tôi sẵn sàng vay vốn đầu tư công nghệ để đảm bảo đạt được tiêu chuẩn mà Samsung đề ra. Nhưng đây là môi trường mở, chúng ta đang sống trong thế giới phẳng và cạnh tranh bình đẳng. Không có sự phân biệt giữa doanh nghiệp Hàn Quốc, doanh nghiệp Nhật Bản hay doanh nghiệp Việt Nam".
Tính cạnh tranh của doanh nghiệp và sản phẩm, theo ông Tuấn, thể hiện ở giá thành của từng thiết bị nhỏ. Nếu như nhà cung cấp đạt được chất lượng và giá thành cung cấp ổn định thì không lý gì Samsung lại không mua hàng của doanh nghiệp Việt Nam.
Ông Tuấn cũng chỉ ra, bên cạnh những vấn đề sản xuất cũng như quản lý chất lượng mà phần lớn các công ty Việt Nam hiện nay đang tập trung, thì để trở thành vendor (nhà cung cấp) cho Samsung còn rất nhiều vấn đề khác.
Thứ nhất, sản xuất linh kiện cho Samsung khó. Với Canon, thiết bị cho máy in có thể to hơn một chút, nhưng với Samsung, phần lớn là điện thoại và linh kiện trên điện thoại càng ngày càng tinh vi, càng ngày càng nhỏ hơn, thay đổi theo chu kỳ 6 tháng một lần. Chính vì vậy, việc thay đổi dây chuyền thay đổi công nghệ đối với doanh nghiệp Việt Nam sẽ vô cùng khó khăn, chỉ có thể làm được khi có rất nhiều vốn.
"Mà có khi lúc có nhiều vốn thì thì Việt Nam cũng đầu tư vào dịch vụ chứ cũng chẳng đầu tư vào sản xuất làm gì cho mất thời gian" - ông Tuấn nói. "Đó là một thực tế, thực trạng hiện nay và Samsung nhận thấy".
Bên cạnh hai tiêu chí chính về sản xuất cũng như quản lý chất lượng, Samsung cũng khuyến khích, khuyên các đối tác của mình nỗ lực trong những mảng khác, ví dụ như nghiên cứu và phát triển. Ở Việt Nam, doanh nghiệp chi cho nghiên cứu phát triển rất thấp. Trung bình chỉ 0,2-0,3% trên doanh thu. Samsung lại đặc biệt chú trọng đến vấn đề này.
Ông Tuấn giải thích: "Cùng một con ốc, ngày hôm nay các anh bán 1 đồng, thì sang năm sau các anh bán con ốc đó chỉ 0,8 đồng hoặc thấp hơn. Hoặc anh có thể bán con ốc với chất lượng tốt hơn nhưng bằng giá. Đó là yêu cầu và nếu như không có nghiên cứu phát triển thì không bao giờ làm được việc đó".
Samsung đánh giá các vendor của mình xem tỷ lệ chi cho nghiên cứu phát triển này có đạt tiêu chuẩn hay không. Đó cũng là tiêu chí đánh giá.
Một tiêu chí khác nữa được ông Tuấn đưa ra là tính tuân thủ pháp luật, doanh nghiệp đó có tuân thủ pháp luật của nước sở tại Việt Nam, như luật lao động, hay không. Nếu như doanh nghiệp Việt Nam làm việc với Samsung, chậm trả lương cho người lao động 3-6 tháng, chắc chắn có vấn đề và lập tức Samsung phải có động thái. Vì người lao động đình công có thể làm gián đoạn nguồn cung ứng của Samsung và Samsung buộc phải tìm giải pháp khác. Để giảm thiểu rủi ro này, Samsung kiểm soát vendor rất chặt chẽ.
Ngoài ra, bảo vệ môi trường cũng là một trong những vấn đề Samsung đặt lên hàng đầu với tiêu chí của một tập đoàn đa quốc gia. Không chỉ Samsung hoạt động tại Việt Nam mà cả Samsung ở các quốc gia khác trên thế giới đều rất quan ngại về vấn đề bảo vệ môi trường. Nếu như có sai phạm về môi trường, ví dụ như vấn đề xử lý rác thải, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến danh tiếng của tập đoàn.
Tiêu chí cuối cùng mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam khó có thể làm được, ông Tuấn nói, chính là quản lý rủi ro tín dụng: "Các doanh nghiệp hiện nay vay quá nhiều. Có nhiều doanh nghiệp đôi khi quá tự tin, khẳng định chắc chắn là sẽ hợp tác với doanh nghiệp lớn và đầu tư dây chuyền, đáng lẽ 2 tỷ thôi thì đầu tư 5 tỷ, rồi do Covid-19, do yếu tố khách quan thì đơn hàng sụt giảm, doanh nghiệp lao đao".
Trong số 5 hạng mục nói trên, ông Tuấn cho hay Samsung có hàng nghìn tiêu chí khác nhau. Các tiêu chí này không chỉ được đánh giá bởi Samsung Việt Nam mà bộ phận quản lý vendor sẽ chịu trách nhiệm thu thập thông tin, nhập lên hệ thống và người ra quyết định sẽ là Tập đoàn Samsung toàn cầu.
Bởi lẽ, khi vendor đã gia nhập chuỗi cung ứng cho Samsung Việt Nam, đặc biệt là vendor cấp 1 thì phải có tính tuân thủ rất cao với những quy định nêu trên. Tuy nhiên, gia nhập chuỗi này rồi, họ sẽ có rất nhiều cơ hội để cung cấp vật tư, trang thiết bị đó cho các Samsung khác trên toàn thế giới. Vì thế, Samsung khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam cần thay đổi tư duy hơn nữa.
"Nếu chúng ta muốn tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu thì đừng nghĩ quá nội địa! Xác định cung cấp linh kiện điện tử thì đừng chỉ nghĩ đến Samsung, mà bên cạnh Samsung còn có rất nhiều công ty khác. Tư duy như vậy thì Việt Nam mới tiến ra được thị trường thế giới" - ông Tuấn đưa ra lời khuyên.