M&A 2016: Các tỷ phú Thái Lan "thâu tóm" ngành bán lẻ và hàng tiêu dùng Việt Nam
Các thương vụ mua bán sáp nhập (M&A) lớn nhất của năm 2016 đều liên quan đến ngành bán lẻ và hàng tiêu dùng. Cũng như thấp thoáng bóng dáng các tỷ phú và tập đoàn hàng đầu Thái Lan là: Central Group của nhà Chirathivat, TCC và F&N của tỷ phú Charoen, Singha...
- 07-12-2016Tập đoàn F&N của tỷ phú Thái đăng ký mua đấu giá lượng cổ phiếu Vinamilk trị giá 500 triệu USD
- 25-10-2016Gia tộc tỷ phú Thái Lan bí ẩn đứng sau đế chế nước tăng lực nổi tiếng thế giới Red Bull
- 06-10-2016Lộ diện đại gia Việt bắt tay cùng tỷ phú Thái Lan xây dựng dự án 1 tỷ USD tại Nghệ An
Thương vụ M&A lớn nhất trong năm qua diễn ra vào tháng 4/2016 khi Tập đoàn Central (Central Group) của gia đình giàu nhất Thái Lan Chirathivat đã chi 1,05 tỷ USD để thâu tóm toàn bộ 33 siêu thị, trung tâm thương mại của chuỗi Big C Việt Nam.
Để mua được Big C Việt Nam, Central Group đã phải tham gia "đấu trường" có khá nhiều các tên tuổi bán lẻ hàng đầu như TCC Holding, Aeon, Lotte... và đại diện của Việt Nam là Saigon Co.op.
Lý do mua lại Big C Việt Nam theo ông Tos Chirativath - Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Central Group là vì Việt Nam được đánh giá là thị trường bán lẻ tiềm năng lớn, đã và đang trở thành thị trường mục tiêu tuyệt vời và hứa hẹn cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực bán lẻ, trong đó có Thái Lan.
Trước đó, năm 2015, Central Group cũng đã chi hơn 100 triệu USD thâu tóm nhà bán lẻ số một trên thị trường điện máy là Nguyễn Kim. Gần đây nhất, Tập đoàn đã chi 10 triệu USD mua lại mảng kinh doanh tại Thái Lan và Việt Nam của Zalora (thuộc Global Fashion Group của Tập đoàn Rocket Internet).
Hiện các hoạt động kinh doanh bán lẻ của Central Group tại Việt Nam trải rộng tại 100 cửa hàng với các mô hình bán lẻ khác nhau, bao gồm 4 trung tâm thương mại Robins, 27 cửa hàng thể thao SuperSports, 30 cửa hàng thời trang Crocs và New Balance, 1 khách sạn; 21 trung tâm bán lẻ điện máy Nguyễn Kim, 1 kênh thương mại điện tử, 13 siêu thị Lan Chi.
Thương vụ M&A lớn thứ 2 diễn ra vào tháng 1/2016, Tập đoàn TCC thuộc sở hữu của tỷ phú giàu thứ 2 Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi với đại diện là Công ty BJC chốt thương vụ mua lại toàn bộ cơ sở bán buôn của Tập đoàn Metro Cash & Cary tại Việt Nam gồm 19 trung tâm và các bất động sản liên quan trị giá 655 triệu euro (tương đương 848 triệu USD).
Ước tính Metro Cash & Carry chiếm khoảng 22% thị phần bán lẻ của Việt Nam, nhưng đã thua lỗ khoảng 400 triệu baht (12,5 triệu USD) từ khi hoạt động. Mục tiêu của BJC là phải tái cấu trúc, tạo ra lợi nhuận trong 3 năm tới.
Trước khi mua lại Metro, từ giữa năm 2013, tập đoàn BJC đã tham gia kinh doanh siêu thị tại Việt Nam khi đầu tư vào hệ thống Family Mart sau khi đối tác Nhật Bản rút khỏi liên doanh với Tập đoàn Phú Thái. Hiện Family Mart đã được đổi tên thành B's Mart và có khoảng 95 cửa hàng trên toàn quốc.
Theo Bangkok Post, BJC có kế hoạch chi thêm 1 tỷ baht (khoảng 31,2 triệu USD) đến năm 2018 để mở thêm 205 cửa hàng tiện ích mang thương hiệu B's Mart trong 4 năm tới.
Ngoài ra, tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi được biết đến có nhiều khoản đầu tư tại Việt Nam, như nắm cổ phần một công ty xuất nhập khẩu các sản phẩm tiêu dùng tại miền Nam, hãng giấy Cellox, công ty sản xuất đậu phụ Ichiban hay giữ cổ phần chi phối khách sạn Melia tại Hà Nội... Năm 2012, tập đoàn này đã chi 32 triệu USD (hơn 670 tỷ đồng) mua lại 65% cổ phần tại Thái An - một doanh nghiệp bán lẻ ở miền Bắc.
Cũng trong tháng 1/2016, Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan (Mã CK:MSN) công bố đợt góp vốn đầu tiên trong khoản đầu tư có giá trị 1,1 tỷ USD đã ký kết với đối tác chiến lược Singha Asia Holding Pte Ltd (Singha).
Hồi cuối năm 2015, Masan và Singha đã ký kết thỏa thuận đối tác chiến lược với Singha. Nền tảng đối tác chiến lược này cho phép Masan và Singha ngay lập tức mở rộng thị trường kinh doanh thực phẩm và đồ uống của hai công ty thành quy mô khu vực, với trọng tâm là các nước “inland ASEAN” (Việt Nam, Thái Lan, Myanmar, Campuchia và Lào) với 250 triệu người tiêu dùng.
Trong đợt góp vốn đầu tiên, Singha đã chuyển khoản vốn đầu tư 650 triệu USD, bao gồm 50 triệu USD để sở hữu 33,3% cổ phần Masan Brewery và 600 triệu USD để sở hữu 14,3% cổ phần Masan Consumer Holdings.
Theo công bố của Masan thì đợt góp vốn 450 triệu USD còn lại sẽ gia tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần công ty Masan Consumer Holdings của Singha lên 25% sau khi thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật.
Một trong những thương vụ M&A lớn nhất của năm diễn ra vào tháng 12/2016 khi SCIC thực hiện bán đấu giá 9% vốn của Vinamilk (Mã CK:VNM).
Trong đợt đấu giá này, F&NBEV Manufacturing PTE.LTD và F&N Dairy Investment PTE.LTD - 2 tổ chức thuộc tập đoàn đồ uống Singapore F&N thuộc sở hữu tỷ phú Thái Lan đã mua chuỗi Metro Cash & Carry Việt Nam là Charoen Sirivadhanabhakdi đã mua 5,4% cổ phiếu VNM.
Lượng cổ phiếu này tương đương 78.378.300 cổ phần, với giá bán thành công là 144.000 đồng/cổ phần, cao hơn giá đóng cửa của cổ phiếu này tại ngày bán (12/12/2016) là 7,7% (tổng giá trị bán được cao hơn 800 tỷ đồng), thu về gần 11,3 nghìn tỷ đồng – tương đương 500 triệu USD.
Người đại diện của F&N cho biết giá bỏ thầu như vậy là ổn nếu nhìn vào triển vọng tăng trưởng của công ty và đội ngũ quản lý vững chắc.
Sau đợt đấu giá, F&N Dairy Investment tiếp tục đăng ký mua thêm gần 22 triệu cổ phiếu VNM thông qua thỏa thuận và khớp lệnh lên sàn vào cuối năm 2016 và đầu năm 2017. Nếu thực hiện thành công, tổng tỷ lệ sở hữu của F&N tại Vinamilk sẽ tăng lên 15,15%, tương đương nắm giữ 219,9 triệu cổ phiếu.
Vì sao người Thái yêu Việt Nam?
Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy năm 2016 vừa qua Thái Lan nằm trong top 10 quốc gia đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm là 706,5 triệu USD.
Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân khiến các tập đoàn Thái Lan tập trung mở rộng thị trường trong khu vực nói chung và Việt Nam nói riêng là vì Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đã hình thành từ cuối năm 2015, với quy mô thị trường 600 triệu dân, hàng rào thuế quan với nhiều mặt hàng sẽ được gỡ bỏ.
Đặc biệt, ngành bán lẻ nội địa Thái Lan đã trưởng thành, có lợi thế hơn các nhà bán lẻ ngoại khác và đây là thời điểm thích hợp để họ mở rộng kinh doanh bán lẻ ở nước ngoài, đặc biệt là ở các nước như Việt Nam và Indonesia, cũng như châu Âu. Hơn nữa, kinh tế tăng trưởng chững lại khiến các ông chủ Thái Lan khao khát bành trướng ra nước ngoài để thông qua M&A mở rộng thị phần, bù đắp sự thiếu hụt từ thị trường nội địa.
Riêng trong ngành bán lẻ, với việc mua lại thành công hai thương hiệu bán lẻ thứ hai và thứ ba tại Việt Nam là BigC và Metro thì hiện người Thái đã làm chủ thống nhất tất cả các mô hình bán lẻ đang có tại Việt Nam từ: Cash and Carry, Hypermarket, Supermarket, Minimart, Convenience Stores (cửa hàng tiện lợi) tới bán lẻ truyền thống GT (thậm chí sẽ có Mega Mall).
Bên cạnh đó, các tập đoàn Thái Lan cũng đang sở hữu nhiều công ty sản xuất qui mô lớn của Thái. Cùng với việc sở hữu chuỗi bán sỉ, lẻ đa dạng ở Việt Nam đúng lúc AEC hình thành (hàng hóa từ Thái vào VN có thuế suất bằng 0), họ sẽ có thể áp dụng chiến lược thu mua, buôn bán theo chuỗi, tận dụng lợi thế chuỗi để giảm chí phí, tăng sức cạnh tranh… nhằm đưa hàng Thái Lan xâm nhập sâu rộng vào thị trường Việt Nam và ASEAN.
Người đồng hành