MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Ma lực” của chứng khoán phái sinh: Cùng một tình huống, tỷ suất sinh lời của hợp đồng tương lai gấp 7 lần cổ phiếu

Tuy nhiên, trong trường hợp bị lỗ thì khoản lỗ của hợp đồng tương lai chỉ số cũng cao gấp nhiều lần khi mua cổ phiếu.

Lợi thế đòn bẩy là một đặc điểm khác biệt của Chứng khoán phái sinh đối với các chứng khoán cơ sở. Về cơ bản, khi tham gia giao dịch Hợp đồng tương lai, nhà đầu tư chỉ phải bỏ ra một khoản tiền (Ký quỹ) có giá trị nhỏ hơn giá trị của hợp đồng mà nhà đầu tư muốn tham gia (giá trị hợp đồng).

Ví dụ: NĐT có nhu cầu tham gia vị thế mua 01 HĐTL trên chỉ số HNX30 đáo hạn vào tháng 5/2016. NĐT đặt lệnh mua 01 hợp đồng với giá chào mua là 103 điểm và được khớp trên thị trường với giá trên. Như vậy, nhà đầu tư đã được Trung tâm thanh toán bù trừ (TTTTBT) ghi nhận là đã tham gia 01 vị thế mua với giá 103 điểm.

Nếu tại mẫu hợp đồng tương lai chỉ số HNX30 quy định: Hệ số nhân của 01 hợp đồng là 1 triệu đồng/điểm chỉ số thì giá trị 01 hợp đồng của NĐT trên bằng:

103 điểm x 1 triệu đồng/điểm chỉ số = 103 triệu đồng.

Tuy nhiên, nếu mức ký quỹ ban đầu được quy định là 15% thì thay vì việc phải bỏ ra 103 triệu, NĐT chỉ phải bỏ ra số tiền và/hoặc tài sản có giá trị = 103 triệu *15% = 15,45 triệu đồng để tham gia hợp đồng.

Số tiền ký quỹ ban đầu này sẽ được TTTTBT sử dụng trong việc tính toán lãi/lỗ của NĐT. Ví dụ: khi giá HĐTL tăng từ 103 lên 105 điểm, NĐT đang có lãi với giá trị bằng: (105-103)*1 triệu đồng/điểm chỉ số = 2 triệu đồng.

Giá trị ký quỹ của nhà đầu tư sẽ tăng: 15,45 triệu + 2 triệu = 17,45 triệu đồng.

Nếu như giao dịch tại thị trường cơ sở thì phần trăm lãi của NĐT trên số tiền ban đầu bỏ ra sẽ chỉ bằng: (105-103)/103*100%=1,94%.

Tuy nhiên, đối với HĐTL thì phần trăm lãi của NĐT sẽ bằng: (105-103)/15,45*100%= 12,95%.

Như vậy có thể thấy, một biến động nhỏ về giá của HĐTL có thể tạo ra hiệu ứng lãi/lỗ trên khoản đầu tư lớn hơn nhiều so với việc đầu tư vào các chứng khoán cơ sở.

Tuy nhiên, đây là trường hợp NĐT có lãi. Lợi thế đòn bẩy được coi là con dao 2 lưỡi với nhà đầu tư. Khi giá của HĐTL biến động theo chiều hướng có lợi (ví dụ: Giá HĐ tăng đối với NĐT nắm vị thế mua và giá HĐ giảm đối với NĐT nắm vị thế bán), thì NĐT có thể ghi nhận một khoản lãi lớn trên giá trị ký quỹ ban đầu. Nhưng ngược lại, khi giá HĐ biến động theo chiều hướng bất lợi, NĐT có thể sẽ phải chịu những khoản thiệt hại lớn trên khoản ký quỹ trong thời gian ngắn.

Cũng ví dụ trên nếu giá HĐTL giảm từ 103 xuống 100, thì nhà đầu tư A lỗ: (103-100)*1 triệu đồng= 3 triệu đồng.

Giá trị ký quỹ giảm còn 12,45 triệu đồng, tương ứng mất (3/15,45=19,4%)

Trong khi khoản lỗ trên thị trường cơ sở chỉ là 2,9%.

Hà Phương

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên