MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mặc cho thương chiến, dân Mỹ vẫn chi tiêu nhiều hơn

02-09-2019 - 15:30 PM | Tài chính quốc tế

Chi tiêu dành cho tiêu dùng của Mỹ đã tăng 0,6% trong tháng 7, một mức tăng “lành mạnh” cho thấy rằng phần lớn người mua sắm ở Mỹ đang phớt lờ những lo ngại về căng thẳng thương mại và thúc đẩy nền kinh tế của họ tiến về phía trước.

Vào hôm thứ Sáu vừa qua, Bộ Thương mại cho biết thu nhập cá nhân của dân Mỹ chỉ tăng 0,1%, mức tăng nhỏ nhất trong 10 tháng. Với việc mức tăng của chi tiêu "vượt mặt" mức tăng thu nhập, tỷ lệ tiết kiệm đã giảm xuống còn 7,7%, thấp nhất kể từ tháng 11 năm ngoái, nhưng vẫn là một con số vững chắc tính theo tiêu chuẩn của quốc gia này từ trước đến nay.

Do các trận chiến thương mại làm nản lòng việc đầu tư kinh doanh và làm gián đoạn xuất khẩu, nên người tiêu dùng ngày càng quan trọng đối với nền kinh tế Mỹ. Chi tiêu hộ gia đình là động lực tăng trưởng chính trong quý 2, khi mức chi tiêu đã tăng mạnh nhất trong vòng 5 năm qua.

Lydia Boussour, chuyên gia kinh tế cao cấp của Mỹ tại Oxford econom cho rằng "người tiêu dùng Mỹ tiếp tục thể hiện sức sống tuyệt vời, được khuyến khích bởi tăng trưởng thu nhập vững chắc và một nguồn tiết kiệm lớn".

Người tiêu dùng vẫn lạc quan về nền kinh tế, nhưng điều đó có thể thay đổi. Theo Conference Board, một nhóm nghiên cứu về kinh doanh, niềm tin của người tiêu dùng đã tăng cao trong tháng 8, và đánh giá của người Mỹ về tình trạng hiện tại của nền kinh tế là tích cực nhất trong gần 19 năm qua.

Tuy nhiên, mức thuế 15% đối với khoảng 150 tỷ USD hàng tiêu dùng nhập khẩu từ Trung Quốc dự kiến ​​sẽ có hiệu lực vào ngày 1 tháng 9. Một loạt thuế còn lại sẽ được áp cho 150 tỷ USD hàng hóa khác vào ngày 1 tháng 12. Những khoản thuế đó có thể sẽ làm cho giày dép, quần áo, đồ chơi và đồ điện tử tăng giá, khiến dân Mỹ cân nhắc chuyện chi tiêu.

Một số nhà kinh tế đã tăng dự báo tăng trưởng trong quý 3 sau khi báo cáo trên được đưa ra. Morgan Stanley nâng ước tính của họ dành cho tăng trưởng quý ba từ 1,7% lên 2,1%.

Một thước đo lạm phát trong báo cáo trên cũng đã tăng 0,2% trong tháng 7 và 1,4% so với một năm trước đó. Đây là bằng chứng cho thấy rằng lạm phát vẫn ở mức nhẹ. Ngoại trừ thực phẩm và năng lượng, giá cả của các mặt hàng cốt lõi đã tăng 0,2% trong tháng 7 và 1,6% so với một năm trước.

Các con số lạm phát đã không đáp ứng được mục tiêu 2% của Cục Dự trữ Liên bang (Fed), khi chúng gần như giảm liên tục kể từ khi Fed đặt mục tiêu vào năm 2012. Fed hiện nhắm đến một mục tiêu lạm phát khiêm tốn như là một tấm đệm chống lại sự giảm phát, giảm giá và thu nhập, vốn là những điều gây mất ổn định.

Chủ tịch Fed, Jerome Powell, đã đề cập đến lạm phát thấp như là một lý do khiến ngân hàng trung ương này cắt giảm lãi suất ngắn hạn tại cuộc họp vào tháng trước. Hầu hết các nhà kinh tế đều dự báo rằng sẽ có thêm những đợt cắt giảm nữa trong năm nay.

Mặc dù thu nhập chỉ tăng với tốc độ yếu ớt trong tháng 7, nhưng nhờ diễn ra theo sau một loạt mức tăng lành mạnh khác trong năm nay nên khả năng chi tiêu của người Mỹ được thúc đẩy đáng kể. Vào tháng 7, tiền lương tăng chậm hơn so với những tháng gần đây và thu nhập từ các khoản mang lại tiền lãi đã giảm mạnh. Tiền lương được trả bởi các công ty sản xuất cũng giảm.

Boussour lưu ý rằng mức tăng của thu nhập đã vượt xa mức tăng của chi tiêu trong năm qua khi tăng 3%, so với 2,7% của chi tiêu.

Người tiêu dùng đang giữ cho nền kinh tế Mỹ phát triển nhưng tăng trưởng vẫn chậm lại trong năm nay, với tốc độ 2% hàng năm trong quý hai, giảm mạnh so với con số 3,1% của ba tháng đầu năm.

Lê Thanh Hải

TIME

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên