MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mặc đồng minh quay lưng với năng lượng Nga, Mỹ vẫn "đều tay" chi cả tỷ USD/năm để nhập món hàng này từ Moscow

15-06-2023 - 23:58 PM | Tài chính quốc tế

Máy ly tâm làm giàu uranium ở Mỹ. Ảnh: The New York Times

Máy ly tâm làm giàu uranium ở Mỹ. Ảnh: The New York Times

Công ty vận hành nhà máy Ohio tại Mỹ cho biết họ có thể mất hơn một thập kỷ nữa mới có thể sản xuất loại nhiên liệu này đủ để cạnh tranh với Rosatom của Nga.

Nép mình bên thung lũng Appalachian ở Mỹ, một cái hang rộng bằng Lầu Năm Góc chứa hàng nghìn ô trống trên mặt sàn bê tông.

Chỉ 16 ô trong số đó chứa các máy ly tâm cao hơn 9m làm giàu uranium, từ đó cung cấp nhiên liệu cho các nhà máy điện hạt nhân. Nhưng hiện tại, chúng không hoạt động.

Nếu mỗi ô trống chứa một máy ly tâm hoạt động, cơ sở này có thể giúp Mỹ thoát khỏi tình trạng phụ thuộc vào Nga và hỗ trợ quá trình từ bỏ nhiên liệu hoá thạch của nước này.

Hiện tại, các công ty Mỹ đang chi khoảng 1 tỷ USD/năm cho cơ quan hạt nhân quốc doanh của Nga để mua nhiên liệu. Số nhiên liệu đó tạo ra hơn một nửa năng lượng không phát thải ở Mỹ.

Đây là một trong số ít những dòng tiền quan trọng còn duy trì từ Mỹ đến Nga, bất chấp những nỗ lực của đồng minh Mỹ nhằm cắt đứt quan hệ kinh tế với Moscow. Tiền mua uranium đã làm giàu được trả cho các công ty con của Rosatom.

Mỹ sẽ ngày càng phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân khi quốc gia này đặt mục tiêu cắt giảm nhiên liệu hoá thạch. Nhưng không có công ty nào của Mỹ làm giàu uranium.

Trước đây, Mỹ đã từng thống trị thị trường, nhưng trải qua nhiều biến cố, Nga đã vươn lên chiếm một nửa thị trường toàn cầu. Sau đó, Mỹ ngừng hoàn toàn việc làm giàu uranium.

Phần lớn phương Tây đã ngừng mua nhiên liệu hoá thạch của Nga để trừng phạt nước này sau cuộc xung đột tại Ukraine. Nhưng họ lại không để cắt đứt nguồn cung uranium từ Nga. Vì việc xây dựng chuỗi cung ứng uranium mới sẽ mất nhiều năm, đồng thời chính phủ cũng sẽ phải chi tiền nhiều hơn mức phân bổ hiện tại.

Mặc đồng minh quay lưng với năng lượng Nga, Mỹ vẫn "đều tay" chi cả tỷ USD/năm để nhập món hàng này từ Moscow - Ảnh 1.

Bên trong nhà máy ly tâm làm giàu uranium trước đây ở Mỹ. Ảnh: The New York Times

Mỹ nhập khẩu 1/3 uranium đã làm giàu từ Nga – nhà sản xuất rẻ nhất thế giới. Phần còn lại nhập từ châu Âu và một phần nhỏ hơn nhập từ một tập đoàn Anh-Hà Lan-Đức hoạt động tại Mỹ. Ngoài Mỹ, gần chục quốc gia khác trên thế giới cũng phụ thuộc vào Nga để sở hữu hơn một nửa lượng uranium đã làm giàu của họ.

Công ty vận hành nhà máy Ohio tại Mỹ cho biết họ có thể mất hơn một thập kỷ nữa mới có thể sản xuất đủ để cạnh tranh với Rosatom của Nga. Sự phụ thuộc khiến các nhà máy hạt nhân hiện tại và tương lai ở Mỹ dễ bị ảnh hưởng trước việc Nga ngừng bán uranium đã làm giàu.

Mặc dù cuộc xung đột tại Ukraine vẫn chưa tới hồi kết, chính phủ Mỹ tỏ ra không mấy quan tâm trong việc tái khởi động hoạt động làm giàu uranium trong nước. Hàng tỷ USD tài trợ liên bang vẫn còn bị mắc kẹt trong các thủ tục rắc rối.

Giám đốc James Krellenstein của công ty tư vấn năng lượng GHS Climate cho biết: “Nước Mỹ có thể tách gần như hoàn toàn sự phụ thuộc vào uranium làm giàu của Nga bằng cách hoàn thiện nhà máy ly tâm ở Ohio”.

Nhà máy ly tâm của Mỹ ở Ohio cũng sẽ là chìa khoá sản xuất một dạng uranium được làm giàu khác đậm đặc hơn. Chúng sẽ đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của các lò phản ứng nhỏ hơn. Quỹ phát triển liên bang đã đổ hàng tỷ USD cho các loại lò phản ứng hạt nhân như vậy. Tuy nhiên, chúng vẫn đang trong giai đoạn thiết kế.

Công ty TerraPower do tỷ phú Bill Gates thành lập cũng đã phải trì hoãn khai trương nhà máy hạt nhân thế hệ mới đầu tiên của Mỹ trong ít nhất 2 năm. Lý do là vì họ đã cam kết không sử dụng uranium làm giàu của Nga. TerraPower đã hứa sẽ tạo việc làm và đào tạo lại cho tất cả công nhân của nhà máy. Nhưng sự chậm trễ đã khiến một số người dân khu vực nghi ngờ.

Tham khảo The New York Times

Anh Dũng

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên