MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mặc kệ lệnh trừng phạt từ phương Tây, Nga và quốc gia này vẫn ‘đồng lòng’ dốc tiền bạc xây dựng tuyến thương mại mới dài 3.000km

23-12-2022 - 14:16 PM | Tài chính quốc tế

Mặc kệ lệnh trừng phạt từ phương Tây, Nga và quốc gia này vẫn ‘đồng lòng’ dốc tiền bạc xây dựng tuyến thương mại mới dài 3.000km

Một tuyến đường thương mại xuyên lục địa đã được khởi công dù Nga đang phải chịu nhiều lệnh trừng phạt từ các nước phương Tây.

Theo Bloomberg, Nga và Iran đang đầu tư số tiền lên tới 20 tỷ USD để xây dựng tuyến đường thương mại dài 3.000km nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa. Tuyến đường bắt đầu từ rìa phía đông của Châu Âu đến Ấn Độ Dương, dài 3.000km (1.860 dặm), nằm ngoài sự can thiệp của các quốc gia nước ngoài khác.

Tuyến đường hàng tỷ USD được khởi công nhằm mục đích tăng tốc độ vận chuyển hàng hóa dọc theo đường sông và tuyến đường sắt nối với biển Caspian. Theo dữ liệu theo dõi của Bloomberg, hàng chục tàu của Nga và Iran, gồm cả một số tàu đang chịu lệnh trừng phạt đã sử dụng tuyến đường này thường xuyên.

Tuyến đường là một ví dụ cho thấy sự “phản đòn” của Nga và Iran - hai quốc gia đang “ngậm trái đắng” trước lệnh trừng phạt của châu Âu. Vì vậy, cả hai nước đều đang hướng về các quốc gia phương Đông. Mục tiêu là xây dựng “liên kết” thương mại mới với các nền kinh tế đang phát triển nhanh của châu Á cũng như tránh khỏi sự can thiệp của phương Tây.

Các tuyến đường thương mại từ Nga đến châu Á

Mặc kệ lệnh trừng phạt từ phương Tây, Nga và quốc gia này vẫn ‘đồng lòng’ dốc tiền bạc xây dựng tuyến thương mại mới dài 3.000km - Ảnh 1.

Các tuyến đường mới qua Iran sẽ tiết kiệm hàng ngàn km. Ảnh Bloomberg

Theo Maria Shagina, nhà nghiên cứu tại Viện Các vấn đề Quốc tế Phần Lan, hành động của Nga và Iran cho thấy hai nước đều quan tâm đến việc thiết lập chuỗi cung ứng chống lại các lệnh trừng phạt. Hành lang thương mại mới nổi sẽ giúp Nga và Iran tiết kiệm quãng đường vận chuyển lên tới hàng nghìn km.

Ở đầu phía bắc của tuyến đường là biển Azov. Nó được bao quanh bởi bán đảo Crimea và bờ biển phía đông nam của Ukraine (gồm cảng Mariupol của Nga và cửa sông Don).

Đầu tháng 12, sau khi liệt kê các lợi ích mà đất nước đạt được sau cuộc xung đột với Ukraine, tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết biển Azov đã trở thành “vùng biển nội địa” của Nga. Mạng lưới sông, biển và đường sắt sẽ mở rộng đến trung tâm Iran trên biển Caspian và điểm cuối là Ấn Độ Dương. Ông Putin đã đánh dấu tầm quan trọng của khu vực này.

Tại một diễn đàn kinh tế vào tháng 9, tổng thống Putin cũng nhấn mạnh việc phát triển cơ sở hạ tầng hệ thống tàu biển, đường sắt và đường bộ dọc theo tuyến đường kinh tế thương mại mới sẽ giúp nhiều công ty ở Nga có cơ hội thâm nhập vào thị trường Iran, Ấn Độ, châu Phi và các nước Trung Đông, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các nguồn cung ứng từ các quốc gia này.

Cũng theo nhà nghiên cứu Maria Shagina, ước tính Nga và Iran đang đầu tư tới 25 tỷ USD vào hành lang thương mại nội địa. Điều này tạo thuận lợi cho các dòng hàng hóa xuất nhập khẩu mà phương Tây đang muốn “cản trở”. Bà nói: “Nga và Iran đang chơi trò mèo vờn chuột. Cả hai nước sẽ tìm kiếm mọi sơ hở để vận chuyển các sản phẩm và vũ khí bị cấm”.

Mặc kệ lệnh trừng phạt từ phương Tây, Nga và quốc gia này vẫn ‘đồng lòng’ dốc tiền bạc xây dựng tuyến thương mại mới dài 3.000km - Ảnh 2.

Tàu đi qua cổng của kênh Volga-Don. Ảnh: Vladimir Zapletin/Alamy

Hành động này khiến Mỹ và quốc gia đồng minh để mắt tới. Các quốc gia này đang tìm cách ngăn chặn việc vận chuyển máy bay không người lái và các vật tư quân sự của Iran. Jamé O’Brien, quan chức phụ trách công bố các lệnh trừng phạt của Mỹ cho rằng, Mỹ đang theo dõi mọi động thái xây dựng tuyến đường thương mại giữa Nga và Iran. Họ lo ngại sẽ có các nỗ lực khác giúp Nga trốn tránh các biện pháp trừng phạt. Tuyến đường này ngoài mục đích buôn bán vũ khí thì còn có những mục đích kinh tế khác.

Các con tàu đi trên sông Don và sông Volga có truyền thống buôn bán các mặt hàng năng lượng và nông nghiệp. Iran là nước nhập khẩu ngũ cốc lớn thứ ba của Nga, tuy nhiên phạm vi sẽ được mở rộng trong tương lai. Hai nước đã công bố một loạt thỏa thuận kinh doanh mới bao gồm hàng hóa như tua-bin, polyme, vật tư y tế và phụ tùng ô tô. Nga cũng cung cấp nhiên liệu hạt nhân và linh kiện cho lò phản ứng của Iran ở Bushehr.

Hiện tại, Nga cần bù đắp cho sự đổ vỡ đột ngột trong mối quan hệ thương mại với châu Âu, đồng thời tìm cách giải quyết các lệnh trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu.

Nga và Iran cần có nhiều biện pháp chi tiền mạnh tay như đẩy mạnh xây dựng tuyến đường thương mại mới để vượt qua trở ngại quốc tế ngay lúc này.

Mặc kệ lệnh trừng phạt từ phương Tây, Nga và quốc gia này vẫn ‘đồng lòng’ dốc tiền bạc xây dựng tuyến thương mại mới dài 3.000km - Ảnh 3.

Hệ thống giao thông Azov, sông Don và kênh đào nối với sông Volga. Ảnh: Bloomberg

Hoạt động tàu thuyền giữa Nga và Iran

Theo Thông tấn xã Hàng hải Iran, Nga đang dần hoàn thiện các quy tắc để cấp phép cho các tàu từ Iran đi qua tuyến đường thủy nội địa trên sông Volga và Don.

Công ty IRISL có trụ sở tại Tehran đã đầu tư 10 triệu USD vào một cảng dọc theo sông Volga. Mục đích nhằm tăng công suất hàng hóa tại cảng Solyanka ở thành phố Astrakhan của Nga lên gấp đôi, đạt 85.000 tấn mỗi tháng.

Mặc kệ lệnh trừng phạt từ phương Tây, Nga và quốc gia này vẫn ‘đồng lòng’ dốc tiền bạc xây dựng tuyến thương mại mới dài 3.000km - Ảnh 4.

Cảng Solyanka ở thành phố Astrakhan, Nga. Ảnh vệ tinh: Maxar Technologies

Bên trong biên giới của mình, Iran đang đổ vốn vào các nhà ga nơi hàng hóa có thể lên tàu và các tuyến đường sắt để vận chuyển dọc đất nước từ Caspian đến Vịnh Ba Tư. Đồng thời, Iran cũng đang mở rộng mạng lưới đường sắt - hệ thống đã chạy khoảng 16.000 km và là một phần trong Danh sách Di sản Thế giới của Unesco.

Ước tính, các phái đoàn thương mại đang di chuyển giữa Iran và Nga với tần suất tăng cao, giúp thương mại song phương cũng tăng lên đáng kể. Giá trị thương mại sẽ sớm vượt quá 5 tỷ USD.

Sergey Katyrin, người đứng đầu phòng Thương mại và Công nghiệp Nga, phát biểu tại một hội nghị ở Tehran (Iran) vào tháng trước cho biết, sau khi hiệp định thương mại tự do được ký kết, hai nước sẽ có một “con đường hoạch định rõ ràng” để giá trị thương mại đạt 40 tỷ USD.

Mở rộng mạng lưới đường sắt của Iran

Iran đang nỗ lực xoay trục chính sách trong bối cảnh triển vọng khôi phục thỏa thuận năm 2015 với các cường quốc thế giới đang bị chững lại và khó thực hiện. Quốc gia này từng đồng ý hạn chế chương trình hạt nhân để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế.

Vì vậy, quan chức Iran cho biết bây giờ họ hoàn toàn tập trung vào “the Eastern axis” (trục phía Đông) nhằm từ bỏ mọi kế hoạch khôi phục quan hệ kinh tế với châu Âu. Thay vào đó quốc gia này sẽ tập trung vào một loạt thỏa thuận thương mại và năng lượng với Nga, Trung Quốc và các quốc gia Trung Á.

Trung Quốc và Nga đã là thành viên của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, Iran có khả năng sẽ trở thành thành viên thứ chín. Theo thông tin mới nhất, Trung Quốc và Iran sắp trở thành thành viên trong Liên minh Kinh tế Á-Âu, điều này sẽ giúp hoạt động thương mại tự do giữa các quốc gia trở nên khả thi.

Một thể chế liên kết các nền kinh tế trong và ngoài khu vực khác là nhóm BRICS. Ban đầu gồm các quốc gia Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc, giờ đây tổ chức đã bao gồm cả Nam Phi và sẵn sàng mở rộng hơn nữa. Đối với cả Nga và Iran, Ấn Độ là một nút thắt quan trọng trong mạng lưới hợp tác mà hai nước đang cố gắng xây dựng.

Theo thông tin từ hãng thông tấn bán chính thức Mehr vào tháng trước, chuyến hàng đầu tiên trị giá 12 triệu tấn ngũ cốc của Nga tới Ấn Độ đã quá cảnh ở Iran. Dòng chảy thương mại có thể tăng lên nếu Iran thành công trong việc kết nối khu phức hợp Cảng Chabahar còn dang dở ở Ấn Độ Dương (một dự án Ấn Độ đầu tư) với mạng lưới tàu hỏa đường dài của nước này.

Thành phố Chabahar đến nay đã được miễn trừ khỏi các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhưng có thể nó sẽ tiếp tục bị Washington giám sát. Đây là rào cản lớn nhất đối với nước cờ giữa Nga và Iran trong việc “lách” các lệnh trừng phạt.

Mặc kệ lệnh trừng phạt từ phương Tây, Nga và quốc gia này vẫn ‘đồng lòng’ dốc tiền bạc xây dựng tuyến thương mại mới dài 3.000km - Ảnh 5.

Việc xây dựng tuyến đường đang được tiến hành tại cảng Chabahar, Iran. Ảnh vệ tinh: Maxar Technologies

Thành công hay thất bại của thương vụ thương mại này nằm ngoài tầm kiểm soát của cả hai nước. Điều này phụ thuộc vào việc liệu các quốc gia từ Ấn Độ đến Trung Đông - những quốc gia đang bị Mỹ và các nước đồng minh thúc giục tuân thủ các biện pháp trừng phạt có đồng ý “tham gia” vào liên kết mới của Nga và Iran hay không? Hoặc sẽ lựa chọn tuân thủ theo phần đông của thế giới.

Theo Bloomberg

Thùy Trang

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên