Malaysia công bố kết quả tăng trưởng năm 2022, cao hơn Việt Nam, Singapore và Indonesia
Theo Cục Thống kê của Malaysia, GDP của Malaysia đã tăng trưởng 8,7% trong năm 2022. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 22 năm và vượt qua dự báo 6,5%-7% của Chính phủ nước này.
- 10-02-20234 'con hổ' châu Á đầu tư vào Việt Nam: Hàn Quốc rót hơn 81 tỷ USD, 3 nền kinh tế còn lại thì sao?
- 07-02-2023Những công việc ở Việt Nam có mức lương lên hơn 300 triệu đồng/tháng
Theo Cục Thống kê của Malaysia , GDP của Malaysia đã tăng trưởng 8,7% trong năm 2022. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 22 năm và vượt qua dự báo 6,5%-7% của Chính phủ nước này.
Nikkei nhận định, nền kinh tế Malaysia đã vượt kỳ vọng trong quý 4/2022 một phần nhờ nhu cầu trong nước mạnh mẽ.
Ngân hàng trung ương Negara Malaysia (BNM) cho biết GDP quý 4/2022 đã tăng trưởng 7% tuy nhiên vẫn thấy hơn quý 3/2022 (với 14,2%).
BNM hy vọng việc mở lại biên giới của Trung Quốc sẽ thúc đẩy sự phục hồi của lượng khách du lịch. Ngoài ra, nhu cầu trong nước mạnh sẽ bù đắp nhu cầu đối với các sản phẩm của Malaysia do nền kinh tế toàn cầu đang chậm lại dưới sức nặng của việc tăng lãi suất.
BNM kỳ vọng năm 2023, lạm phát cơ bản và lạm phát cơ bản sẽ ở mức vừa phải. Năm 2022, lạm phát và lạm phát cơ bản của nước này lần lượt là 3,3% và 3,0%.
Trước đó, GDP của Indonesia được thông báo tăng trưởng 5,31% vào năm 2022 , khi Chính phủ nới lỏng các hạn chế về Covid-19 và các doanh nghiệp hoạt động trở lại.
Dữ liệu của Chính phủ nước này cho thấy, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á hiện đã quay trở lại con đường tăng trưởng kinh tế trước đại dịch.
Tốc độ tăng trưởng của tổng sản phẩm quốc nội năm 2022 ghi nhận cao nhất trong 9 năm qua, năm 2021, tốc độ tăng trưởng chỉ đạt 3,69%. Tổng thống Indonesia Joko Widodo trước đó, đã dự báo mức tăng trưởng năm 2022 khoảng 5,2% đến 5,3%.
Ông Margo Yuwono, người đứng đầu Cục Thống kê Indonesia chia sẻ: “Tăng trưởng GDP được thúc đẩy nhờ tiêu dùng của hộ gia đình”. Ông nói thêm: “Thu nhập cải thiện đã thúc đẩy tiêu dùng trong các lĩnh vực như vận tải, thông tin liên lạc và nhà hàng, khách sạn”.
Ngân hàng Trung ương Indonesia, cũng đã đưa ra mức dự báo mức tăng trưởng năm 2023 từ 4,5% đến 5,3%. Quỹ Tiền tệ Quốc tế trong bản cập nhật Triển vọng Kinh tế Thế giới vào tháng 1 cũng dự báo rằng nền kinh tế Indonesia sẽ tăng trưởng 4,8% vào năm 2023.
Trước đó, GDP của Philippines cũng ghi nhận tăng trưởng 7,6% trong năm 2022 . Mức tăng trưởng này vượt qua mục tiêu của Chính phủ nhờ tiêu dùng trong nước vẫn ổn định mặc dù lạm phát tăng cao.
Bộ trưởng Cơ quan Phát triển và Kinh tế Quốc gia, ông Arsenio Balisacan nói: "Sự tăng trưởng nhu cầu trong nước được thúc đẩy nhờ sự mở rộng trong các lĩnh vực dịch vụ và công nghiệp, ngoài ra, sản xuất ở hầu hết các tiểu ngành đã trở lại mức trước đại dịch".
Dịch vụ lưu trú và ăn uống ghi nhận mức tăng trưởng nhanh nhất với 31,8%, sau khi Chính phủ mở cửa lại hoàn toàn nền kinh tế và dỡ bỏ các hạn chế trong thời kỳ đại dịch.
Về lạm phát, ông Balisacan cho biết: “Lạm phát cao hiện nay sẽ tác động đến quý 1 và quý 2/2023; đó là lý do tại sao chúng tôi đã giảm dự báo tăng trưởng cho năm 2023 xuống còn 6% đến 7%".
Lạm phát của Philippines trong tháng 12 đã nhanh chóng đạt mức cao nhất trong 14 năm là 8,1%, đưa mức trung bình cả năm ở mức 5,8%.
Theo Bộ Thương mại và Công nghiệp (MTI) Singapore, nhờ dỡ bỏ các hạn chế do đại dịch COVID-19, GDP của Singapore đã tăng trưởng 3,8% trong năm 2022.
Theo đó, tăng trưởng GDP năm 2022 của Singapore thấp hơn so với con số tăng trưởng 7,6% của năm 2021. Lý do bởi Singapore đã chứng kiến sự sụt giảm trong xuất khẩu trong bối cảnh nhu cầu bên ngoài đặc biệt là từ Trung Quốc trở nên suy yếu.
Với những cơn gió ngược đang hình thành như nhu cầu xuất khẩu tiếp tục suy yếu, đặc biệt là đối với hàng điện tử và những lo ngại về khả năng suy thoái ở các nền kinh tế tiên tiến, các chuyên gia dự đoán tăng trưởng kinh tế của Singapore sẽ chậm lại trong năm 2023, ở mức từ 0,5% - 2,5%.
Cuối năm 2022, báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội quý IV/2022 và cả năm 2022 của Tổng cục Thống kê chỉ ra rằng, GDP năm 2022 của Việt Nam ước tăng 8,02% (quý I tăng 5,05%; quý II tăng 7,83%; quý III tăng 13,71%; quý IV tăng 5,92%) so với năm trước do nền kinh tế được khôi phục trở lại và đạt mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022.
Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,36%, đóng góp 5,11% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,78%, đóng góp 38,24%; khu vực dịch vụ tăng 9,99%, đóng góp 56,65%.
Tính riêng quý IV/2022, GDP của Việt Nam ước tính tăng 5,92% so với cùng kỳ năm trước, tuy cao hơn tốc độ tăng 4,7% và 5,17% của cùng kỳ năm 2020 và 2021 nhưng thấp hơn tốc độ tăng của quý IV các năm 2011-2019.
Nhịp sống thị trường