Mảng đường phục hồi còn sữa đậu nành chững lại, LNTT của QNS vẫn tăng 23% lên 1.400 tỷ đồng
Dù thường xuyên báo lãi lớn, nhưng kế hoạch kinh doanh hàng năm của Đường Quảng Ngãi lại rất khiêm tốn.
CTCP Đường Quảng Ngãi (mã chứng khoán QNS) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 4 và kết quả kinh doanh cả năm 2018 với doanh thu thuần đạt 8.028 tỷ đồng. Đây cũng là mức doanh thu cao nhất công ty đạt được từ trước đến nay, vượt cả kỷ lục lập được năm 2015.
Trong cơ cấu doanh thu của Đường Quảng Ngãi, doanh thu từ đường đạt 2.251 tỷ đồng, đóng góp khoảng 28% tổng doanh thu và đạt mức tăng trưởng 20,6% so với năm 2017. Doanh thu từ sản phẩm sữa đậu nành đạt 3.863 tỷ đồng, chiếm khoảng 48% tổng doanh thu, giảm nhẹ so với năm 2017. Doanh thu từ công ty con Thành Phát đạt 1.415 tỷ đồng, tăng 67% so với năm trước đó. Còn lại là các khoản thu khác.
Tỷ lệ tăng giá vốn hàng bán lại thấp hơn tỷ lệ tăng doanh thu, nên riêng lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 2.383 tỷ đồng, tăng hơn 19% so với cùng kỳ. Theo giải trình từ phía công ty, trong thời gian qua công ty đã tập trung đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, giúp tăng năng suất và chất lượng mía, dẫn tới lượng đường sản xuất và tiêu thụ tăng mạnh so với năm 2017. Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất ổn định giúp tiết kiệm chi phí và hạ giá thành sản phẩm. Ngoài ra cuối quý 3 đầu quý 4 nhà máy sữa Vinasoy tung sản phẩm mới, tiếp tục đóng góp vào hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty.
Doanh thu tăng cũng kéo theo chi phí bán hàng tăng gần trăm tỷ đồng, lên mức 792 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 93 tỷ đồng, lên gần 240 tỷ đồng, chủ yếu tăng chi phí cho nhân viên bán hàng, nhân viên quản lý, tăng chi phí vận chuyển, bốc xếp.
Trong năm doanh thu từ hoạt động tài chính đạt hơn 87 tỷ đồng, tăng 40 tỷ đồng so với cùng kỳ. Nguyên nhân chính do Đường Quảng Ngãi ghi nhận tăng khoản tiền gửi dài hạn trên 3 tháng từ 751 tỷ đồng hồi đầu năm lên gần 1.700 tỷ đồng, đồng thời giảm tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn từ 520 tỷ đồng xuống còn 400 tỷ đồng.
Chi phí tài chính, mà chủ yếu là chi trả lãi vay, tăng 18 tỷ đồng, lên trên 96 tỷ đồng. Tính đến hết năm 2018 Đường Quảng Ngãi còn vay nợ thuê tài chính ngắn hạn 1.727 tỷ đồng, tăng 323 tỷ đồng so với đầu năm, trong khi đó vay nợ thuê tài chính dài hạn giảm hơn 145 tỷ đồng, về 0.
Đáng chú ý, trong năm 2018 Đường Quảng Ngãi nhận khoản hỗ trợ marketing gần 56 tỷ đồng, hơn gấp đôi số tiền nhận được năm 2017. Số tiền này được ghi nhận vào khoản thu nhập khác.
Kết quả, năm 2018 Đường Quảng Ngãi báo lãi trước thuế 1.400 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.237,8 tỷ đồng, tăng 20,6% so với năm 2017. EPS đạt trên 5.000 đồng/cổ phiếu. Đây cũng là số lãi lớn thứ 2 công ty đạt được trong năm, thua đỉnh cũ 1.410 tỷ đồng đạt được năm 2016.
Nếu tính riêng quý 4/2018, doanh thu Đường Quảng Ngãi đạt 1.884 tỷ đồng, tăng 11% so với quý 4/2017. Nhờ chi phí các loại giảm sút, cộng thêm khoản thu nhập khác hơn 30 tỷ đồng từ nhận tiền hỗ trợ marketing, nên lợi nhuận sau thuế đạt gần 450 tỷ đồng, tăng trưởng 31% so với cùng kỳ.
Dù thường xuyên báo lãi lớn, nhưng kế hoạch kinh doanh hàng năm của Đường Quảng Ngãi lại rất khiêm tốn. Điển hình như năm 2018 là 7.500 tỷ đồng doanh thu và hơn 194 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, làm cho công ty dễ dàng vượt kế hoạch ngay từ những quý đầu tiên.
Năm 2019 Đường Quảng Ngãi cũng dự kiến đặt mục tiêu đạt 8.400 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận sau thuế khoảng 199 tỷ đồng.
Xem thêm BCTC quý 4/2018
Trí Thức Trẻ
Tin tức sự kiện về: Công ty cổ phần Cao su Việt Nam
Xem tất cả >>Sự kiện: KẾT QUẢ KINH DOANH Q4/2018
Xem tất cả >>- Vocarimex (VOC) điều chỉnh giảm 14 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế sau kiểm toán
- Hà Đô (HDG) tăng 36 tỷ đồng lợi nhuận sau kiểm toán, nâng tổng LNST cả năm lên 788 tỷ đồng
- PV Drilling (PVD) điều chỉnh tăng 10 tỷ đồng lợi nhuận sau kiểm toán
- Bóng đèn Điện Quang (DQC) bị điều chỉnh giảm gần 6% LNST sau kiểm toán
- LNTT năm 2018 của PV Gas giảm 815 tỷ đồng sau kiểm toán