MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mang về hơn 1,4 tỷ USD trong năm 2022, mặt hàng này của Việt Nam đang giúp Trung Quốc giữ vị trí nhà sản xuất thịt lớn nhất thế giới, gom đến hơn 90% sản lượng

03-02-2023 - 06:30 AM | Thị trường

Đây là mặt hàng đã đem về cho Việt Nam kim ngạch xuất khẩu 1,4 tỷ USD trong năm 2022 với thị trường Trung Quốc nhập khẩu chiếm đến hơn 90%.

Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết trong năm 2022, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 3,25 triệu tấn, trị giá 1,4 tỷ USD. Kết quả này đã tăng 13,3% về lượng và tăng 19,7% về trị giá so với năm 2021. Giá xuất khẩu bình quân sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam năm 2022 ở mức 432,7 USD/tấn, tăng 5,6% so với năm 2021.

Cục Xuất Nhập khẩu cũng nhận định trong năm 2022, sắn và sản phẩm sắn là một trong số ít mặt hàng nông sản xuất khẩu đạt kim ngạch tăng trưởng tốt so với năm 2021.

Mang về hơn 1,4 tỷ USD trong năm 2022, mặt hàng này của Việt Nam đang giúp Trung Quốc giữ vị trí nhà sản xuất thịt lớn nhất thế giới, gom đến hơn 90% sản lượng - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Đáng chú ý, thị trường Trung Quốc đóng vai trò quan trọng đối với ngành sắn của Việt Nam trong năm vừa qua. Năm 2022, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ sắn và các sản phẩm từ sắn lớn nhất của Việt Nam, chiếm 91,67% về lượng và chiếm 91,47% về kim ngạch trong tổng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của cả nước với 2,98 triệu tấn, trị giá 1,28 tỷ USD, tăng 11% về lượng và tăng 17,2% về trị giá so với năm 2021.

Mang về hơn 1,4 tỷ USD trong năm 2022, mặt hàng này của Việt Nam đang giúp Trung Quốc giữ vị trí nhà sản xuất thịt lớn nhất thế giới, gom đến hơn 90% sản lượng - Ảnh 2.

Giá xuất khẩu bình quân sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam sang Trung Quốc năm 2022 ở mức 356,8 USD/tấn, tăng 6,6% so với năm 2021.

Lý giải về mức nhập khẩu chiếm tỉ trọng cao của Trung Quốc đối với sắn Việt Nam, bên cạnh sử dụng làm các món ăn cho người như mì, bánh,… thì Trung Quốc còn tăng nhập khẩu sắn của Việt Nam để sử dụng trong chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi heo. Trong năm 2022, Trung Quốc sản xuất được 55,41 triệu tấn thịt heo, giữ vững ngôi vị nhà sản xuất thịt lợn lớn nhất thế giới.

Sắn là mặt hàng thay thế hữu ích cho các mặt hàng thức ăn chăn nuôi đang chứng kiến mức tăng trưởng mạnh như hiện nay. Một trong những mặt hàng quan trọng trong chăn nuôi phải kể đến đậu tương và ngô. 2 mặt hàng này đều chứng kiến mức tăng trưởng mạnh trong năm 2022 do những biến động về nguồn cung và ảnh hưởng từ xung đột giữa Nga và Ukraine.

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng ngô thế giới niên vụ 2022/2023 dự kiến đạt 1155,9 triệu tấn, giảm 4,9% so với niên vụ 2021/22 (đạt 1214,9 triệu tấn) do các vụ mùa ở Mỹ, Achentina và Brazil tiếp tục sụt giảm. Sản lượng đậu tương ở Achentina dự kiến sẽ giảm 4 triệu tấn do hạn hán ảnh hưởng đến năng suất gieo trồng. Chính gì vậy 2 mặt hàng này dự báo sẽ tiếp tục ghi nhận biến động về giá và nguồn cung. Cũng theo USDA, Trung Quốc dự kiến sẽ nhập khẩu 18 triệu tấn ngô, giảm 17,7% so với niên vụ trước (21,9 triệu tấn) do đó từ cuối năm 2022, Trung Quốc càng tăng cường nhập khẩu sắn từ Việt Nam để đảm bảo không bị thiếu hụt trong chăn nuôi.

Nguồn: VITIC, USDA


Như Quỳnh

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên