Mark Zuckerberg đến Nghị Viện Mỹ: Vở kịch về "quyền riêng tư"?
Dù scandal có lớn đến thế nào đi chăng nữa thì tất cả chúng ta đều quên mất một sự thật quan trọng: Trong khi Mark Zuckerberg sẽ không chia sẻ thông tin khách sạn vừa ngủ lại đêm qua, hàng trăm triệu người dùng Facebook lại rất sẵn lòng "dâng hiến" những thông tin nhạy cảm như vậy lên mạng.
- 13-04-2018Những điểm chính trong buổi điều trần thứ hai của Mark Zuckerberg tại Quốc hội
- 13-04-2018[Video] Nghe Mark Zuckerberg giải thích cho các Thượng Nghị sĩ cao tuổi về cách hoạt động của Facebook
Hai buổi điều trần của Mark Zuckerberg đã kết thúc một cách không thể êm đẹp hơn dành cho Facebook: sau 5 tiếng trò chuyện đầu tiên của ông chủ 8X, cổ phiếu Facebook tăng 4,6%. Đến ngày hôm nay, cổ phiếu của Facebook thậm chí còn lên mức 166 USD, hơn hẳn mức “đáy” 152 USD khi scandal mới nổ ra.
Nhưng nếu như tất cả các nhà đầu tư của Facebook có thể mỉm cười thì tất cả những người khác – đối tượng khách hàng tiềm năng của Facebook – có lẽ đều sẽ không cảm thấy vui. Nếu có theo dõi buổi điều trần này, những người hiểu biết về công nghệ chắc chắn sẽ đi đến cùng một nhận định: sẽ chẳng có gì thay đổi về cái gọi “quyền riêng tư” của người dùng cả. Cổ phiếu Facebook tăng là bởi các nhà đầu tư rất nhanh chóng đã hiểu rằng giới chức Mỹ không thể kiểm soát mạng xã hội số 1 hành tinh.
Các thượng nghĩ sĩ Mỹ thiếu hiểu biết công nghệ? - trích CNN
Thực tế là như vậy. Nhiều câu hỏi được các thượng nghị sĩ đưa ra chỉ là những nỗ lực tuyệt vọng nhằm cố tỏ ra hiểu biết về lĩnh vực quyền riêng tư dữ liệu. Ví dụ điển hình nhất là câu nói được nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần trong những ngày vừa qua của ông Dick Durbin:
Anh có cảm thấy thoải mái khi chia sẻ với tôi thông tin khách sạn nào anh vừa nghỉ đêm qua không?
Nếu chỉ chọn một câu nói để đại diện cho cả scandal Cambridge Analytica, tôi chắc chắn sẽ lựa chọn câu nói này. Bởi đơn giản là các vị nghị sĩ này không hề nhận ra rằng Facebook đã luôn sống bằng dữ liệu do chính chúng ta tự tay dâng hiến. Chuyện check-in khách sạn hay quán ăn là quá bình thường. Người ta còn sẵn sàng chia sẻ ảnh trẻ nhỏ ở chế độ công khai, tội gì không khoe cái khách sạn 3 sao sẽ ngủ lại đêm nay?
Mark Zuckerberg sẽ không chia sẻ thông tin khách sạn, nhưng hàng triệu người dùng Facebook thì có!
Một câu hỏi khác: “Anh có muốn cho tôi quyền kiểm soát với dữ liệu của tôi không”.
“Thưa ngài, là người sử dụng Facebook, tôi tin rằng ông nên có quyền kiểm soát tuyệt đối với dữ liệu của ngài”.
Và thế là hết. Không có một câu hỏi nào xoáy thêm về vấn đề xóa tin nhắn . Cũng không có một câu hỏi nào về việc Facebook có thể xây dựng bộ dữ liệu về một người bất kỳ khi người đó còn chưa có tài khoản trên mạng xã hội này. Đơn giản bởi các vị thượng nghị sĩ không hề hiểu biết gì về cách hoạt động của Facebook cả.
Không phải ai cũng là Mark Zuckerberg
Không phải vô cớ mà chỉ có các tên tuổi trong giới công nghệ mới xóa tài khoản Facebook...
Sự thiếu hiểu biết đó của giới chức Mỹ không đáng lo ngại bằng sự thiếu hiểu biết của chính người dùng Facebook. Liệu bao nhiêu người hiểu được rằng tin nhắn chúng ta xóa khỏi Facebook vẫn còn nguyên xi trên máy chủ và cũng có thể bị khai thác cho nhiều mục đích bất cứ lúc nào? Đừng nghĩ các vị Nghị sĩ Mỹ sống xa rời thời đại. Chỉ xét riêng trên khía cạnh hiểu biết công nghệ, họ là những người... bình thường giống như hàng tỷ người dùng Facebook khác trên thế giới. Họ không có ý thức về dữ liệu, họ hiểu rất ít về quyền riêng tư thực thụ.
Thực chất, như chúng tôi đã từng khẳng định không chỉ một lần, scandal của Facebook là chuyện sớm muộn gì cũng phải xảy ra . Dưới vỏ bọc miễn phí, Facebook (hay Google, Twitter...) sống bằng cách thu thập dữ liệu được người dùng tự nguyện dâng hiến. Ai cũng biết Facebook thu thập dữ liệu ra sao (tự chúng ta up lên), nhưng vấn đề Facebook dùng dữ liệu như thế nào thì chẳng mấy ai để ý cả.
Có chăng, điểm đặc biệt duy nhất của lần này là bởi nước Mỹ vẫn đang nhức nhối chia cắt sau cuộc bầu cử 2016. Nước Anh vẫn chưa bước ra khỏi cái bóng của Brexit.
... còn các nghị sĩ Mỹ thì vẫn giữ nguyên Facebook của mình.
Thế nhưng, tất cả những sự kiện nhức nhối rồi đều sẽ phải chìm vào quá khứ. Còn Facebook, bất chấp bao nhiêu scandal, không cần để ý đến những phiên điều trần, vẫn sẽ tồn tại và lớn mạnh chỉ nhờ một sự thật duy nhất: chúng ta kém hiểu biết công nghệ, và chúng ta luôn sẵn sàng "dâng" thông tin của mình cho Facebook.
Trí thức trẻ