MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Masan đặt kế hoạch tối thiểu 3.000 tỷ lợi nhuận thuần trước phân bổ cổ đông thiểu số cho năm 2023

02-08-2023 - 15:30 PM | Doanh nghiệp

Masan đặt kế hoạch tối thiểu 3.000 tỷ lợi nhuận thuần trước phân bổ cổ đông thiểu số cho năm 2023

“Tôi tin chắc rằng, những “cơn gió thuận chiều” của nửa cuối năm nay sẽ là nền tảng vững chắc, mang lại những tăng trưởng đột phá cho năm 2024.” - Tiến sĩ Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Tập đoàn Masan chia sẻ.

2023 là năm khó khăn với ngành bán lẻ tiêu dùng – Đây là điều được nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, khi triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn thế giới có khả năng thấp hơn so với năm nay. Ở Việt Nam, tiêu dùng chiếm tỷ trọng rất lớn tron GDP, do đó không thể kỳ vọng mức tăng trưởng của ngành cao như thời kỳ 2021.

Nửa đầu năm đầy khó khăn

Quý 2 năm 2023, thách thức từ điều kiện kinh tế vĩ mô tác động tiêu cực đến niềm tin của cả người tiêu dùng và doanh nghiệp. Mặc dù tăng trưởng GDP Việt Nam đạt mức 4,1%, tăng nhẹ từ mức 3,3% của quý trước đó, mức tăng này còn khiêm tốn so với mục tiêu tăng trưởng 6,5% của Chính phủ đề ra cho cả năm 2023. Chính vì thế, tâm lý chung của cả doanh nghiệp và người tiêu dùng vẫn thận trọng trong 6 tháng đầu năm 2023.

Theo dữ liệu từ Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt hơn 3 triệu tỷ đồng, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 8,4%, tương đương cùng kỳ năm 2022. Tương đương với việc có quy mô cao hơn nhưng tốc độ tăng thấp hơn cùng kỳ năm trước.

Theo khảo sát của Vietnam Economic Forum và VnExpress tại thời điểm tháng 5/2023, có tới 82,3% doanh nghiệp tham gia khảo sát dự kiến kết quả hoạt động kinh doanh suy giảm trong nửa cuối 2023; chỉ số niềm tin của người tiêu dùng đạt mức thấp nhất trong 12 tháng qua.

Hệ quả là hầu hết các doanh nghiệp FMCG và bán lẻ tại Việt Nam đều có kết quả kinh doanh giảm so với cùng kỳ năm ngoái.

Masan đặt kế hoạch tối thiểu 3.000 tỷ lợi nhuận thuần trước phân bổ cổ đông thiểu số cho năm 2023 - Ảnh 1.

Trong bối cảnh khó khăn của ngành, kết quả hoạt động kinh doanh của CTCP Tập đoàn Masan (mã chứng khoán MSN) vẫn khả quan với mức tăng trưởng doanh thu đạt 3,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận hoạt động kinh doanh của TCX (bao gồm MCH và WCM) tăng trưởng ấn tượng 38,8% so với cùng kỳ nhờ vào nền tảng ổn định của mảng kinh doanh ngành hàng tiêu dùng. Điều này giúp bù đắp cho sự đóng góp lợi nhuận thấp hơn từ Masan High-Tech Materials.

Dựa trên kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm 2023 và đà tăng trưởng hiện tại, tập đoàn Masan dự kiến ​​sẽ đạt doanh thu 83.500 – 90.000 tỷ đồng, và 3.000 – 4.000 tỷ đồng lợi nhuận thuần trước phân bổ cổ đông thiểu số (NPAT Pre-MI) trong năm 2023. Ước tính này thấp hơn so với dự báo vào đầu năm 2023, do tâm lý người tiêu dùng và điều kiện thị trường yếu hơn dự kiến.

Tuy nhiên, có nhiều điều để kỳ vọng trong nửa cuối năm.

Kỳ vọng những "cơn gió thuận chiều" trong nửa cuối năm

Để hỗ trợ nền kinh tế, chính sách tiền tệ nới lỏng cùng với các chính sách tài khóa hỗ trợ (tăng đầu tư công, cắt giảm thuế VAT...) đã được Chính phủ ban hành, kỳ vọng sẽ tạo nền tảng vững chắc cho các điều kiện kinh tế được cải thiện trong nửa cuối năm 2023.

Tiến sĩ Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Tập đoàn Masan chia sẻ: "Đáp ứng vạn nhu cầu của người tiêu dùng luôn là kim chỉ nam cho các hành động của chúng tôi. Người tiêu dùng bắt đầu nhìn nhận và tưởng thưởng cho chúng tôi vì những phát kiến luôn đặt người tiêu dùng làm trọng tâm như: Chương trình hội viên, các mô hình bán lẻ, sản phẩm FMCG. Tôi tin chắc rằng, những "cơn gió thuận chiều" của nửa cuối năm nay sẽ là nền tảng vững chắc, mang lại những tăng trưởng đột phá cho năm 2024."

Masan cũng đặt mục tiêu cụ thể cho từng chuỗi của doanh nghiệp này trong phần còn lại của năm 2023. WinCommerce – đơn vị điều hành WinMart và WinMart + có kế hoạch nâng cao năng suất bán hàng, và tiếp tục mở rộng mạng lưới với 50 cửa hàng WIN, 200 cửa hàng WinMart+ Rural, và gần 100 WinMart+ trong 6 tháng cuối năm 2023.

Masan đặt kế hoạch tối thiểu 3.000 tỷ lợi nhuận thuần trước phân bổ cổ đông thiểu số cho năm 2023 - Ảnh 2.

Ngoài ra, đơn vị bán lẻ sẽ cải tạo 250 cửa hàng WinMart+ sang mô hình WIN, chuyển đổi 676 cửa hàng hiện có ở khu vực nông thôn sang mô hình WinMart+ Rural, và chuyển đổi 9 WinMart sang mô hình mới để thúc đẩy tăng trưởng LFL. Với những sáng kiến ​​này, WCM đặt mục tiêu biên EBITDA đạt 5% vào cuối năm và mang lại doanh thu từ 30.500 – 33.500 tỷ đồng.

Masan Consumers (MCH) tiếp tục phát triển các mô hình chiến lược để tăng thị phần ở khu vực nông thôn, thương mại hiện đại và TP.HCM. Để nối tiếp đà tăng trưởng ở các quý vừa qua, các đổi mới sáng tạo của Masan Consumers sẽ tập trung vào việc tung ra các sản phẩm đồ uống, đồ chăm sóc cá nhân, gia đình, và các sản phẩm tiện lợi mới. Ngoài ra, đơn vị này sẽ tối ưu hóa danh mục sản phẩm, luân chuyển hợp lý các sản phẩm chưa đạt hiệu quả mong đợi.

Masan đặt kế hoạch tối thiểu 3.000 tỷ lợi nhuận thuần trước phân bổ cổ đông thiểu số cho năm 2023 - Ảnh 3.

Chuỗi Phúc Long Heritage được giao mục tiêu mở thêm 25 cửa hàng mới trong nửa cuối năm 2023, đồng thời cải thiện doanh thu trên mỗi cửa hàng tiệm cận mức của nửa cuối năm 2022. PLH sẽ tiếp tục triển khai mô hình Hubs & Spokes, và cải thiện doanh số B2B.

Masan MEATLife (MML) đặt mục tiêu sẽ ​​tăng doanh số hàng ngày trong mạng lưới WinCommerce từ mức 1,55 triệu lên 2 triệu đồng bằng chiến lược giá linh động. Đơn vị phân phối thịt của Masan sẽ tăng cường tích hợp vào mạng lưới của WCM để phân phối đúng loại sản phẩm đến đúng cửa hàng phù hợp. Ngoài ra, Masan MEATLife sẽ nâng cao hình ảnh thương hiệu MEATDeli tại các cửa hàng WCM thông qua việc triển khai gian hàng Góc Thịt.

Masan đặt kế hoạch tối thiểu 3.000 tỷ lợi nhuận thuần trước phân bổ cổ đông thiểu số cho năm 2023 - Ảnh 4.

Đơn vị này cũng đặt mục tiêu cải thiện giá trị thịt lợn với tỷ lệ sử dụng thịt lợn cao hơn, và cho ra nhiều cải tiến cho sản phẩm thịt chế biến. Để tối ưu chi phí, MML sẽ điều chỉnh chi phí thức ăn chăn nuôi và thay đổi quy mô trang trại gà phù hợp với nhu cầu thị trường.

Cuối cùng, Masan High-Tech Material (MSR) đặt mục tiêu tăng doanh số bán vật liệu bằng cách chủ động xây dựng tệp khách hàng tiềm năng trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu phục hồi chậm, và bán bớt trữ lượng đồng (mục tiêu 30.500 tấn trong nửa cuối năm 2023). MHT cũng sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động tối ưu hóa chi phí vận hành và thu mua, đồng thời tìm kiếm các giải pháp chiến lược để giảm đòn bẩy tài chính.

Ánh Dương

Tổ quốc

Từ Khóa:
Trở lên trên