MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Masayoshi Son liên tiếp mắc sai lầm: ‘Gã điên’ của giới đầu tư mạo hiểm vẫn liều nhưng có còn ăn được nhiều?

07-11-2023 - 13:38 PM | Tài chính quốc tế

Masayoshi Son liên tiếp mắc sai lầm: ‘Gã điên’ của giới đầu tư mạo hiểm vẫn liều nhưng có còn ăn được nhiều?

Tỷ phú “liều ăn nhiều” mãi chưa thoát được loạt thương vụ đổ bể?

Trong nhiều thập kỷ, tỷ phú Masayoshi Son đã cho thấy sự giàu có và quyền lực của mình để đưa SoftBank mà ông sáng lập trở thành một trong những tên tuổi nổi bật nhất trong lĩnh vực đầu tư công nghệ. Ông cũng được biết đến với phong cách đầu tư liều lĩnh và dường như chú trọng về con người hơn là vào công ty.

Một trong số những người được tỷ phú Masayoshi Son đầu tư là nhà sáng lập Alibaba - Jack Ma. Bản thân ông Son cho rằng Jack Ma khi ấy không có kế hoạch kinh doanh nhưng có “con mắt tinh tường”. Mặc dù nghe có vẻ vô lý, nhưng hoá ra đây lại là khoản đầu tư sinh lời khổng lồ cho SoftBank. Số tiền 20 triệu USD đổ vào Alibaba năm 2000 đã biến thành 60 tỷ USD khi công ty IPO vào tháng 9/2014. Thương vụ đầu tư vào Yahoo! cũng góp phần đưa ông bước vào hàng ngũ những người giàu nhất thế giới.

Chiến lược đầu tư vào hàng chục công ty khởi nghiệp công nghệ dường như đã mang lại hiệu quả cho SoftBank vào thời điểm đó. Công ty báo cáo lợi nhuận tăng 62% vào giữa năm 2019, sau khi thực hiện 71 khoản đầu tư với tổng trị giá 64,2 tỷ USD. Song, công ty bắt đầu đối mặt với nhiều trở ngại khi nhiều khoản đầu tư không sinh lời như mong đợi.

Masayoshi Son liên tiếp mắc sai lầm: ‘Gã điên’ của giới đầu tư mạo hiểm vẫn liều nhưng có còn ăn được nhiều? - Ảnh 1.

WeWork: Tai hại nặng nề của Masayoshi Son

WeWork - công ty cho thuê không gian làm việc chung ở New York – đã liên tiếp gặp khó khăn, từ vụ IPO thất bại đến việc sa thải CEO Adam Neumann. Gần đây nhất, công ty đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản tại tòa án liên bang New Jersey.

Điều này cho thấy tỷ phú Masayoshi Son đã định giá quá cao công ty khởi nghiệp này. Nhiều chuyên gia đánh giá rằng sai lầm của ông có thể tránh được nếu SoftBank định giá công ty này giống một doanh nghiệp bất động sản hơn là một công ty công nghệ tăng trưởng cao.

Vì tràn đầy lạc quan, ông Masayoshi Son và các lãnh đạo SoftBank cũng như quỹ đầu tư Vision Fund đã định giá WeWork lên tới 47 tỷ USD vào năm 2019. Các nhà đầu tư trên thị trường đại chúng coi mức giá này cao gấp 4 lần so với giá trị thực. Để dễ hình dung, con số này còn lớn hơn cả Airbnb và SpaceX.

Chỉ riêng trong năm 2020, startup chia sẻ không gian văn phòng WeWork chứng kiến thua lỗ 3,2 tỷ USD. Softbank theo đó cũng chịu thiệt hại nặng nề. Theo Business Insider, ông Masayoshi Son đã phải thừa nhận: “Chúng tôi đã thất bại khi đầu tư vào WeWork và tôi thừa nhận rằng có lúc tôi thật dại dột”. Softbank đã đầu tư tổng cộng 18,5 tỷ USD cho công ty này.

Quỹ Vision của SoftBank cũng suy giảm đáng kể kể từ thời điểm đỉnh cao năm 2021. Tập đoàn này đã báo cáo khoản lỗ ròng lên đến hơn 7,2 tỷ USD trong năm tài khoá kết thúc vào ngày 31/3/2023.

Masayoshi Son liên tiếp mắc sai lầm: ‘Gã điên’ của giới đầu tư mạo hiểm vẫn liều nhưng có còn ăn được nhiều? - Ảnh 2.

Những khoản đầu tư sai lầm khác

Ngoài WeWWork, Katerra dường như cũng là một nỗi đau không muốn nhắc lại của tỷ phú Masayoshi Son. Vào tháng 6/2021, tờ Bloomberg đưa tin công ty xây dựng Katerra vừa nộp đơn xin phá sản lên tòa án Mỹ. Đây là thông tin đáng buồn với 1 startup từng huy động được 2 tỷ USD từ các nhà đầu tư bao gồm cả Softbank.

Katerra là công ty được thành lập năm 2015 với tham vọng thay đổi hoàn toàn ngành công nghiệp xây dựng. Đây cũng là trường hợp gây nhiều tranh cãi khi Softbank rót tiền vào. Tháng 5, ông Masayoshi Son đã đề cập tới Katerra và thừa nhận đây là 1 trong những khoản đầu tư sai lầm của mình bên cạnh Greensill. Katerra xếp ngang hàng với WeWork như một trong những khoản đầu tư thảm họa trong danh mục của Softbank.

Một khoản đầu tư khác có thể ám ảnh SoftBank trong tương lai là “con cưng” OYO - startup khách sạn tỷ đô của Ấn Độ. Ông Son đã góp phần đầu tư 1,5 tỷ USD vào công ty và yêu cầu người sáng lập 26 tuổi là Ritesh Agarwal biến nó thành khách sạn lớn nhất thế giới tính theo số phòng.

Mô hình kinh doanh hiệu quả của OYO ở Ấn Độ lại không phù hợp với thị trường Mỹ và châu Âu, những nơi vốn có chuỗi khách sạn chất lượng lâu năm. Trong nỗ lực vội vàng ở rộng ra nước ngoài, OYO đã phải đối mặt với nhiều thách thức.

Như vậy, bài học rút ra ở đây là tiền không phải lúc nào cũng mua được thành công. Nhưng tấm séc mà ông Masayoshi Son ký cho các công ty có khi gây hại nhiều hơn là mang lại lợi ích. Mặc dù vậy, Masayoshi Son vẫn là một nhà đầu tư gan dạ, và bản lĩnh ấy của ông có thể giúp xoay chuyển tình thế.

Tổng hợp

Anh Dũng

Nhịp Sống Thị Trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên