Mặt bằng bán lẻ “ế” hàng loạt, giá thuê vẫn tăng cao
Trong khi các tòa nhà nằm ngoài trung tâm gặp khó khăn với việc lấp đầy, thị trường bất động sản cao cấp ở khu vực trung tâm hoạt động sôi nổi trong năm 2021. Do nguồn cung hạn chế đẩy giá thuê mặt bằng tăng 15% so với cùng kỳ năm trước.
- 08-12-2021Tín hiệu khả quan của mặt bằng bán lẻ cho thuê dịp cuối năm
- 03-06-2021Savills: Giảm giá thuê 50%, mặt bằng bán lẻ vẫn 'mỏi mắt' tìm khách thuê
- 30-05-2021Vẫn nhiều điểm sáng cho mặt bằng bán lẻ
Công suất thuê giảm, giá vẫn tăng
Savills Việt Nam vừa phát hành báo cáo thị trường bất động sản Hà Nội quý 4/2021.
Tại báo cáo vừa phát hành, đơn vị này cho biết, trong quý 4/2021, nguồn cung thị trường bán lẻ tăng chậm hơn dự kiến khi chỉ 4 trên 10 dự án gia nhập thị trường vào cuối năm 2021 theo đúng kế hoạch.
Do đó, tổng nguồn cung đạt hơn 1,6 triệu m2, tăng 2% theo quý và 3% theo năm. Mặt khác, các dự án mới đều là khối đế bán lẻ giúp thị phần của hạng mục này đạt 13%, tăng 1 điểm % theo quý và theo năm.
Theo báo cáo, nguồn cung tăng trưởng chậm trong 3 năm vừa qua với tốc độ tăng trưởng chỉ đạt 1% mỗi năm. Từ 2019 đến nay, số lượng các trung tâm bách hóa không có sự gia tăng, trong khi nguồn cung từ trung tâm thương mại và siêu thị có mức tăng 1% mỗi năm. Khối để bán lẻ đạt mức tăng trưởng cao nhất với tỷ lệ 3% mỗi năm.
Về giá, giá thuê gộp mặt bằng tầng trệt đạt mức 927.000VND/m2/tháng, tăng nhẹ 1% theo quý nhưng không đổi theo năm. Giá thuê tăng nhanh nhất ở khu vực phía Đông với mức tăng trung bình tính từ năm 2017 đạt 7% mỗi năm.
Cũng trong giai đoạn này, mức tăng trưởng của khu vực phía Tây và khu vực trung tâm đều đạt 4%, khu vực khác đạt 3%, và khu vực nội thành có mức tăng là 2%.
Công suất thuê giảm 2 điểm % theo quý và theo năm, đạt 92%. Hạng mục khối đế bán lẻ có mức giảm cao nhất do tỷ lệ trống cao từ các dự án mới. Khu vực phía Đông bị ảnh hưởng nặng nề trong quý 4 với diện tích cho thuê thêm là -7.000 m2.
Đáng chú ý, trong khi các tòa nhà nằm ngoài trung tâm gặp khó khăn với việc lấp đầy, thị trường bất động sản cao cấp ở khu vực trung tâm hoạt động sôi nổi trong năm 2021. Do nguồn cung hạn chế đẩy giá thuê mặt bằng tăng 15% so với cùng kỳ năm trước.
Dự kiến trong vòng 3 năm tới, khu vực trung tâm sẽ có thêm 5.000 m2 sàn, phần nào đáp ứng tình trạng thiếu hụt nguồn cung ở thời điểm hiện tại.
Các trung tâm thương mại đa năng sẽ ngày càng được ưa chuộng
Đề cập đến triển vọng thị trường bán lẻ trong năm 2022, báo cáo cho biết, trong năm 2021, GRDP của Hà Nội tăng 2,9% nhưng doanh thu bán lẻ giảm -4,6% do tình trạng buộc phải dừng hoạt động kinh doanh vì dịch bệnh.
Ngoài ra, sau sự lao dốc lịch sử của thị trường vào quý 3, quý 4/2021 chứng kiến đà đi lên của chỉ số GRDP và doanh thu bán lẻ với mức tăng lần lượt đạt 6,7% và 8,5%, cho thấy dấu hiệu của sự phục hồi.
Theo FocusEconomics, Việt Nam sẽ dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng nền kinh tế trong khu vực vào năm 2022 và kéo dài đà tăng trưởng đến 2023.
Cùng với đó, xu hướng gia tăng trong tiêu dung, sử dụng vốn và việc đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng sẽ thúc đẩy nền kinh tế trong năm 2022. Tuy nhiên, sự xuất hiện của biến chủng Omicron có thể là mối đe dọa lớn đến triển vọng phục hồi này.
Theo nhận định, trong thời gian tới, do khách hàng ngày càng được tiếp cận nhiều kênh bán lẻ như thương mại điện tử, các trung tâm thương mại không thể chỉ còn là nơi để mua sắm đơn thuần. Thay vào đó, các trung tâm này cần đáp ứng được những nhu cầu về mua sắm, giải trí, giao tiếp xã hội và ăn uống của khách hàng. Mặc dù đã có mặt trên thị trường, những trung tâm thương mại đa năng sẽ ngày càng được ưa chuộng.
Một khảo sát gần đây của Savills cho thấy, tỷ trọng của các nhà bán lẻ trong lĩnh vực thời trang, mỹ phẩm, nội thất, đồ gia dụng hay điện tử giảm 14% trong hai năm vừa qua và bị thay thế bởi các dịch vụ đáp ứng những nhu cầu khác như ăn uống.
Hiện các nhà bán lẻ lớn như Central Retail hay Masan đang chuyển mình để nắm bắt xu hướng này. Central Retail Việt Nam đã hợp tác với Tập đoàn Kido (KDC) để đưa chuỗi ẩm thực hiện đại Chuk Chuk vào các trung tâm thương mại GO! Big C và Top Market để mang đến trải nghiệm mới mẻ cho người tiêu dùng.
“Các thương hiệu bán lẻ vẫn dè dặt trong việc mở rộng do lo sợ khả năng phong tỏa và gián đoạn kinh doanh của các cơ sở hiện tại. Tuy nhiên, nhu cầu mở thêm cửa hàng flagship ngày càng tăng trong các lĩnh vực thời trang, mỹ phẩm và ẩm thực”, bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc, Bộ phận Cho thuê Thương mại, Savills Hà Nội nhận định.
BizLive