MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mặt hàng Trung Quốc từng khét tiếng vì làm giả, khan hiếm - Nhưng nay lại bị tính đổ bỏ, tiêu hủy "nhà sản xuất"?

06-10-2023 - 16:43 PM | Tài chính quốc tế

Hẳn bạn đọc vẫn chưa quên các vụ việc gây chấn động cả khu vực châu Á về ngành sản xuất này.

Thứ từng gây chấn động không chỉ Trung Quốc mà còn là châu Á

Vào năm 2008, người dân Trung Quốc và các nước trong khu vực châu Á trở nên lo sợ vì thông tin sữa giả được sản xuất tràn lan ở Trung Quốc. 22 công ty sữa bị phát hiện thêm hóa chất melamine được pha loãng vào sữa trong năm 2008 để tăng "hàm lượng protein".

Năm 2016, châu Á lại rúng động một lần nữa vì các vụ phát giác sữa giả ở Trung Quốc. Thời điểm đó Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Trung Quốc đã phải ra lệnh tiến hành một cuộc điều tra kỹ lưỡng về hoạt động buôn bán sữa bột giả thương hiệu nổi tiếng nhắm đến trẻ sơ sinh.

Hành động này được tiến hành sau khi chính quyền Thượng Hải bắt giữ 6 nghi phạm sản xuất và bán hơn 17.000 hộp sữa bột giả ở một số tỉnh.

Và vào năm 2021, Trung Quốc trở nên "khát sữa", khi nhu cầu về sữa vốn đã liên tục tăng mạnh đã ngày càng trầm trọng sau khi các bác sĩ quảng cáo lợi ích của sữa đối với sức khỏe con người trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Khi đó các nhà sản xuất trên khắp Trung Quốc đổ xô đi xây trang trại nuôi bò sữa.

Nhưng kể từ cuối năm 2022 tới nay giá sữa nguyên liệu tại Trung Quốc đã giảm - hậu quả của tình hình kinh tế suy thoái và mức tiêu thụ sữa yếu. Tất cả khiến ngành sữa Trung Quốc chịu áp lực rất lớn, nhiều nhà sản xuất thua lỗ và câu chuyện về "đổ sữa và giết bò" đang được lan truyền.

Mặt hàng Trung Quốc từng khét tiếng vì làm giả, khan hiếm - Nhưng nay lại bị tính đổ bỏ, tiêu hủy "nhà sản xuất"? - Ảnh 1.

Hình minh họa.

"Đổ sữa và giết bò"?

Loại bỏ một số con bò năng suất thấp, cơ cấu đàn sẽ tốt hơn, năng suất cao hơn và đổ bỏ một số sữa kém chất lượng cũng là điều dễ hiểu. Nhưng tất cả chưa phải là giải pháp cho các nhà sản xuất sữa Trung Quốc.

Phát biểu trong một diễn đàn vào tháng 3/2023, Giám đốc Trung tâm Đổi mới Khoa học và Công nghệ Nông nghiệp Jingwa Bắc Kinh (gọi tắt là Trung tâm Jingwa) và cũng là Giáo sư tại Đại học Nông nghiệp Trung Quốc ông Li Shengli đã chỉ ra 4 vấn đề hiện tại của ngành sữa nước này.

Đầu tiên là làm thế nào để đạt được sự kết hợp giữa trồng trọt và chăn nuôi. Ông Li Shengli nêu ví dụ rằng tại châu Âu, các nhà chăn nuôi bò sữa tự trồng cỏ và những đồng cỏ nhỏ này thường nuôi được từ 10-20 con và thậm chí có thể là hơn 100 con bò.

Điều này giúp giảm chi phí thức ăn gia súc, không những vậy phân bò còn có thể được đưa trở lại đồng ruộng để đạt được một chu kỳ có lợi hơn. Tất cả khiến giá sữa của họ cạnh tranh hơn.

Ở Trung Quốc, việc tạo ra các đồng cỏ đòi hỏi chi phí chuyển nhượng và cải tạo đất lớn và các nhà sản xuất phải nhập khẩu lượng lớn thức ăn thô từ Mỹ và Australia (Úc). Mặc dù cái sau ít hơn cái trước nhưng nó vẫn dẫn đến áp lực về chi phí.

Mặt hàng Trung Quốc từng khét tiếng vì làm giả, khan hiếm - Nhưng nay lại bị tính đổ bỏ, tiêu hủy "nhà sản xuất"? - Ảnh 2.

Một trang trại bò sữa ở Trung Quốc.

Vấn đề thứ hai mà ông Li Shengli lưu ý là đặc trưng sản phẩm sữa của Trung Quốc. Gần 80% sản phẩm sữa tiêu thụ ở Trung Quốc là sữa nước và vì đây là thứ có thời gian bán hàng ngắn nên một khi lượng tiêu thụ suy yếu, các nhà sản xuất sẽ phải thu hẹp việc sản xuất.

Điều này đã dẫn đến hiện tượng mang tính chu kỳ đó là dư thừa sữa sau Tết Nguyên đán, sụt giảm sản lượng sữa vào mùa hè và khan hiếm sữa vào tháng 10 hàng năm.

Trong khi đó, ngành sữa ở châu Âu và châu Mỹ từ lâu đã được nâng cấp từ "uống" sang "ăn". 40% sữa nguyên liệu của họ được chế biến thành phô mai và vì sản phẩm này có thời hạn sử dụng lâu hơn nên nó tương đương với việc kéo dài thời gian thương mại.

Ví dụ như bình quân tiêu thụ sữa đầu người đạt hơn 200 kg/năm ở Mỹ và Đức, nhưng điều này đạt được thông qua việc họ tiêu thụ chủ yếu là 16 kg phô mai/năm. 10 kg sữa nước sẽ sản xuất được 1 kg phô mai, tức là họ tiêu thụ tương đương 160 kg sữa qua việc ăn.

Mặt hàng Trung Quốc từng khét tiếng vì làm giả, khan hiếm - Nhưng nay lại bị tính đổ bỏ, tiêu hủy "nhà sản xuất"? - Ảnh 3.

Hình minh họa.

Vấn đề thứ ba được vị giáo sư chỉ ra là Trung Quốc đang thiếu một lượng lớn nhân tài yêu thích ngành sữa nói riêng và nông nghiệp nói chung - đặc biệt là khi một lượng lớn máy móc tiên tiến bắt đầu thâm nhập vào việc sản xuất.

Vấn đề kể trên liên quan trực tiếp tới vấn đề cuối cùng.

Đó là Trung Quốc cần tăng cường phát triển thiết bị cơ giới hóa và thông minh. Ông Li Shengli nhấn mạnh rằng Trung Quốc đang phụ thuộc vào nhập khẩu với giá cao nhiều máy móc nông nghiệp.

Giảm bò sữa và bổ sung bò thịt?

Những năm gần đây, ngành chăn nuôi bò sữa Trung Quốc vẫn tiếp tục phát triển, lượng bò sữa cũng tăng.

Phát biểu diễn đàn nói trên, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Sanyuan Bắc Kinh,ông Qiao Lu cho rằng so với dân số khổng lồ, nguồn lực nông nghiệp của Trung Quốc vẫn còn những bất cập.

Vị lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng cần tăng hiệu quả từ chính mỗi con bò. Đó không chỉ liên quan tới việc phối giống để đạt được những con bò có khả năng chống chịu tốt nhất mà còn là việc nuôi lẫn cả bò sữa với bò thịt.

Mặt hàng Trung Quốc từng khét tiếng vì làm giả, khan hiếm - Nhưng nay lại bị tính đổ bỏ, tiêu hủy "nhà sản xuất"? - Ảnh 4.

Hình minh họa.

Giáo sư Li Shengli thì đề cập rằng tại Thành phố An Sơn, tỉnh Liêu Ninh (Đông Bắc Trung Quốc) có những trang trại đã bổ sung bò thịt vào đàn bò sữa, hành động này đem lại lợi ích kinh tế rất đáng kể:

"Bạn có thể kiếm được 1 Nhân dân tệ từ việc chăn nuôi gia súc và bạn có thể kiếm thêm 3,5 Nhân dân tệ từ việc chế biến chúng. Nếu bạn có thể bán hàng vào siêu thị, bạn có thể kiếm được 5,5 Nhân dân tệ. Càng đi sâu, lợi nhuận của bạn càng cao".

Li Shengli lưu ý rằng khi giá thịt bò lên cao, giá một con bò đực lấy thịt có thể lên tới 6.500 Nhân dân tệ (hơn 20 triệu đồng), trong khi giá một con bò sữa Holstein chỉ là 5.000 Nhân dân tệ (khoảng 17 triệu đồng).

Bò thịt thường có trọng lượng hơn 700 kg, trong khi bò Holstein chỉ là 650 kg. Thêm 50 kg thịt nghĩa là nhà sản xuất có thể kiếm được thêm 1.000 Nhân dân tệ (khoảng 3,4 triệu đồng).

Theo Hoài Giang

Phụ nữ mới

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên