MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mặt hàng tỷ đô của Việt Nam được 1 quốc gia châu Phi cực ưa chuộng, trong nước không còn để xuất khẩu

28-11-2023 - 13:30 PM | Thị trường

Mặt hàng tỷ đô của Việt Nam được 1 quốc gia châu Phi cực ưa chuộng, trong nước không còn để xuất khẩu

Algeria là quốc gia không trồng được mặt hàng này nên phải nhập khẩu 100% để phục vụ nhu cầu trong nước.

Mặt hàng xuất khẩu tỷ đô của Việt Nam

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, tháng 10/2023, cả nước xuất khẩu trên 43.000 tấn cà phê. Con số này giảm 14,2% so với tháng trước và giảm tới 48,8% so với cùng kỳ năm trước. Đây là khối lượng xuất khẩu thấp nhất tính theo tháng trong 12 năm qua.

Kim ngạch xuất khẩu cà phê trong tháng 10/2023 đạt 157,55 triệu USD, giảm 6,6% so với tháng 9/2023 và giảm 28,0% so với tháng 9/2022 dù giá cà phê xuất khẩu hiện đang ở mức cao nhất 30 năm qua.

Nguyên nhân khiến lượng cà phê xuất khẩu sụt giảm mạnh, ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam (VICOFA) cho biết, do trong nước không còn hàng để xuất khẩu.

Lũy kế 10 tháng của năm 2023, xuất khẩu cà phê đạt gần 1,3 triệu tấn với kim ngạch gần 3,3 tỷ USD, giảm gần 11% về lượng xuất khẩu và 1,2% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước.

Mặt hàng tỷ đô của Việt Nam được 1 quốc gia châu Phi cực ưa chuộng, trong nước không còn để xuất khẩu- Ảnh 1.

Việt Nam hiện đứng thứ 6 thế giới về diện tích cây cà phê (sau Brazil: 1,9 triệu ha; Indonesia: 1,2 triệu ha; các quốc gia Colombia, Ethiopia và Bờ Biển Ngà mỗi nước có trên dưới 800.000ha).

Do năng suất cà phê của Việt Nam cao nhất thế giới, gấp 2,8 lần so với năng suất cà phê của Indonesia, nên Việt Nam đạt sản lượng cà phê thu hoạch hàng năm lớn thứ nhì thế giới, đạt từ 1,75 - 1,85 triệu tấn.

VICOFA dự báo, niên vụ cà phê 2023 - 2024 sẽ thu hoạch muộn hơn niên vụ trước. Một số địa phương như Gia Lai, Kon Tum, Sơn La sẽ thu hoạch cà phê sớm hơn vào cuối tháng 10, đầu tháng 11 và thu hoạch rộ cuối tháng 12 và tháng 12/2023.

Dù là quốc gia xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới nhưng Việt Nam cũng nhập khẩu mặt hàng này từ các nước có giá bán thấp hơn, hoặc những loại cà phê mà Việt Nam trồng được ít. Chủ yếu hàng nhập khẩu là loại chất lượng cao để phục vụ tại các khách sạn, nhà hàng, tiệm cà phê cao cấp, cà phê trong nước chưa đáp ứng được, hoặc theo quy trình tiêu chuẩn riêng của hệ thống.

Algeria đánh giá cao về chất lượng, hương vị của cà phê Việt Nam

Trong danh sách 10 thị trường xuất khẩu cà phê thô lớn nhất của Việt Nam, Algeria - một quốc gia thuộc khu vực Bắc Phi nổi lên là thị trường tăng mạnh cả về lượng và giá trị.

Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 10 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang Algeria đạt 52.174 tấn, kim ngạch đạt 116 triệu USD, tăng 52% về lượng và 67% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.

Algeria là quốc gia không trồng cà phê nên phải nhập khẩu 100% để phục vụ nhu cầu trong nước. Cà phê cũng là đồ uống ưa chuộng nhất của người Algeria.

Mặt hàng tỷ đô của Việt Nam được 1 quốc gia châu Phi cực ưa chuộng, trong nước không còn để xuất khẩu- Ảnh 2.

Với dân số hơn 46 triệu người, mỗi năm, quốc gia Bắc Phi này nhập khẩu khoảng 130.000 tấn cà phê hạt các loại với trị giá khoảng 300 triệu USD. Những nước xuất khẩu cà phê chủ yếu cho Algeria là Việt Nam, Brazil, Colombia, Indonesia, Côte d'Ivoire, Ethiopia và Uganda.

Cà phê Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa xuất khẩu sang Algeria do được doanh nghiệp nhập khẩu và người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng, hương vị. Theo các chuyên gia, cà phê của Việt Nam có mùi vị đặc biệt, tạo ra độ bọt cao, khả năng hấp thụ đường tốt hơn cà phê các nước khác. Trong quá trình chế biến, những nhà rang xay Algeria thường trộn cà phê robusta của Việt Nam với cà phê robusta hoặc arabica của nước khác theo các tỷ lệ nhất định.

Hiện tại, các nhà nhập khẩu Algeria đang rất quan tâm đến nguồn cung cà phê nhân xanh từ Việt Nam khi nước ta bắt đầu bước vào vụ thu hoạch. Nhà nhập khẩu thường tìm mua cà phê thô sàng 18 có giá bán phải chăng, ngang bằng hoặc thấp hơn so với giá bán của các công ty trung gian quốc tế. Tổng các loại thuế và phí nhập khẩu cà phê là 63% áp dụng với sản phẩm của tất cả các nước.

Theo Pha Lê

Phụ nữ số

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên