Mất lòng Bắc Kinh, Hàn Quốc nếm trải những đau đớn khi bị 1 tỷ người ghét bỏ
Ngay cả những chú gấu Teddy và những ngôi sao K-Pop cũng đang cảm nhận thấy sự ảnh hưởng trong căng thẳng ngoại giao giữa Hàn Quốc và Trung Quốc khi Seoul cho phép Mỹ triển khai hệ thống tên lửa phòng thủ tầm cao trên lãnh thổ.
- 07-03-2017Triều Tiên thử tên lửa để sẵn sàng tấn công căn cứ quân sự Mỹ
- 06-03-2017Triều Tiên bắn 4 tên lửa, 3 quả rơi xuống EEZ của Nhật Bản
- 05-03-2017Trung Quốc hạ mục tiêu tăng trưởng kinh tế thấp nhất trong 25 năm
- 04-03-2017Malaysia trục xuất Đại sứ Triều Tiên sau tranh cãi về vụ Kim Jong-nam
- 04-03-2017Triều Tiên dọa Mỹ phải "trả giá đắt" sau vụ ông Kim Jong-nam
- 04-03-2017Nhiều công ty Trung Quốc đồng loạt tẩy chay Lotte
- 03-03-2017Yonhap: Trung Quốc cấm tất cả công dân du lịch tới Hàn Quốc
- 03-03-2017Malaysia đã trục xuất người Triều Tiên trong vụ ông Kim Jong-nam
- 02-03-2017Nhà đầu tư Trung Quốc "chùn bước" vì ông Trump
Tại khu nghỉ dưỡng trên đảo Jeju, ngoài khơi phía nam bán đảo Triều Tiên, 85% du khách nước ngoài tới từ Trung Quốc. Sau khi xuống máy bay, họ di chuyển trên đảo Jeju bằng xe buýt và ghé thăm tất cả các điểm tham quan phục vụ du khách như vườn thực vật, bảo tàng gấu Teddy hay khu trưng bày của ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc.
Đó là những gì diễn ra trước khi Hàn Quốc quyết định cho phép Mỹ triển khai Hệ thống Phòng thủ tên lửa tầm cao THAAD trên lãnh thổ của mình, điều Bắc Kinh vẫn coi là mối đe dọa. Seoul cho rằng THAAD nhằm đánh chặn tên lửa đạn đạo từ Triều Tiên nhưng người Trung Quốc coi đó là mối đe dọa với an ninh quốc gia.
Nỗi đau khi bị 1 tỷ người ghét bỏ
Khi Bắc Kinh phật lòng, khách du lịch Trung Quốc cũng không tới Hàn Quốc, gây tác động mạnh tới ngành du lịch của quốc gia này. Ông Byun Chang-sik, Giám đốc Bảo tàng gấu Teddy ở Jeju, cho biết: “Khoảng 20% khách của chúng tôi là người Trung Quốc. Không gì có thể bù đắp được những thiếu hụt này”.
Nhà chức trách Trung Quốc đã cấm các công ty lữ hành tổ chức tour cho du khách đến Hàn Quốc từ ngày 15/3. Những tour được đặt trước cũng buộc phải hủy bỏ. Quy định này gây nhiều thiệt hại cho du lịch Hàn Quốc, trong đó có đảo Jeju, nơi đón gần 3,1 triệu lượt khách Trung Quốc trong năm ngoái.
Ông Won Hee-ryong, Thống đốc tỉnh Jeju, cho biết: “Đây là cú đánh cực hiểm. Các công ty cho thuê xe, cung cấp dịch vụ khách sạn và lữ hành sẽ chịu tác động trực tiếp vì sụt giảm đột ngột lượng khách du lịch”.
Cổ phiếu Hàn Quốc chịu tác động từ căng thẳng với Trung Quốc.
Một ví dụ khác cho những thiệt hại về du lịch trên đảo Jeju là sự vắng khách trong trung tâm giải trí dành cho những người yêu thích K-Pop, lĩnh vực xuất khẩu mềm quan trọng bậc nhất của Hàn Quốc. Mở cửa năm 2015, bảo tàng K-Pop trên đảo Jeju có phòng hòa nhạc nơi trình chiếu công nghệ 3D cũng như khu vực chụp ảnh cùng các nghệ sĩ nổi tiếng, trong đó có PSY với bản hit "Gangnam Style" làm chấn động thế giới năm 2012.
Kang Oh-hyun, một quan chức bảo tàng, cho biết, nơi này đón khoảng 6 đến 7 đoàn khách du lịch Trung Quốc mỗi ngày. “Việc du khách Trung Quốc quay lưng với du lịch Hàn Quốc khiến chúng tôi chịu thiệt hại trực tiếp. Chẳng có chiếc xe nào chở khách du lịch Trung Quốc tới đây trong những ngày này”, Kang than thở.
Ngoài đảo Jeju, nhiều địa phương khác của Hàn Quốc cũng đang gánh thiệt hại từ sự quay lưng của người Trung Quốc. Các chương trình nổi tiếng của Hàn Quốc, bao gồm ca nhạc, phim truyền hình hay những truyền hình thực tế, cũng đánh mất lượng khán giả khổng lồ từ Trung Quốc.
Kim Kyung-hwan, chiến lược gia tại công ty đầu tư tài chính Hana ở Seoul, cho biết, chính phủ Trung Quốc có thể gây sức ép lên việc kinh doanh các sản phẩm từ Hàn Quốc như ô tô, điện thoại di động hay hóa chất. Số liệu của Bloomberg cũng cho thấy Trung Quốc là thị trường lớn nhất của Hyundai Motor Co., hãng sản xuất ô tô lớn nhất Hàn Quốc.
Trong khi đó, các công ty sản xuất hàng tiêu dùng với những sản phẩm dễ dàng được thay thế cũng đang gánh chịu hậu quả. Catherine Lim, chuyên gia phân tích của Bloomberg ở Singapore, cho biết, khoảng một nửa lợi nhuận của các nhà sản xuất mỹ phẩm Hàn Quốc đến từ việc bán hàng miễn thuế cho khách du lịch Trung Quốc. Cùng chung tình cảnh với mỹ phẩm, các lĩnh vực chăm sóc sắc đẹp của Hàn Quốc cũng liên tiếp gánh chịu hậu quả từ sự chấm dứt đột ngột của khách du lịch Trung Quốc.
“Chúng tôi ước tính xuất khẩu sang Trung Quốc giảm từ 5 tới 10%. Ngay cả khi Bắc Kinh gỡ bỏ những quy định gây cản trở, sẽ cần 6 tháng tới 1 năm để phục hồi lại những gì đã mất”, ông Kim nói về những tác động từ chính sách của Trung Quốc.
Bài học từ Nhật Bản
Khi Trung Quốc và Nhật Bản căng thẳng đỉnh điểm xung quanh tranh chấp chủ quyền trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư năm 2012, Bắc Kinh đã áp dụng các biện pháp nhằm vào Toyota và các mặt hàng thương hiệu Nhật Bản. Doanh số bán ô tô của Nhật ở Trung Quốc phải mất tới 1 năm để phục hồi. Philippines và Đài Loan cũng phải trải qua cơn thịnh nộ kinh tế của chính phủ Trung Quốc.
James Reilly, phó giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Sydney, kết luận: “Trung Quốc đang ngày càng thích sử dụng sức mạnh kinh tế như một nhân tố để gây áp lực trên lĩnh vực ngoại giao”. Trong trường hợp này, Bắc Kinh ra đòn kinh tế khi cho rằng hệ thống THAAD của Mỹ triển khai trên đất của tập đoàn Lotte ở Hàn Quốc làm suy yếu an ninh của Trung Quốc.
Tên lửa của Hệ thống Phòng thủ tầm cao THAAD của Mỹ.
Ngay sau thông báo, trang web của Lotte bị tin tặc tấn công trong khi chính quyền Trung Quốc đình chỉ hoạt động của 23 cửa hàng Lotte Mart trên khắp Trung Quốc. Cổ phiếu của Lotte Shopping Co. cũng đã giảm 9% kể từ khi Hàn Quốc tiết lộ về thỏa thuận cho mượn đất triển khai THAAD ngày 27/2.
Trước việc làm của Bắc Kinh, Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc hôm 5/3 cho biết nước này sẽ có những hành động đáp trả hợp pháp nếu Trung Quốc vi phạm các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới hoặc các hiệp định thương mại tự do song phương.