Mất tiền tỷ vì tin tưởng cán bộ ngân hàng: Niềm tin đặt nhầm chỗ hay bởi lòng tham?
Nhiều trường hợp bị mất tiền tỷ vì tin tưởng cán bộ ngân hàng...
Mới đây Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam đối tượng Nguyễn Thị Kim Luận (SN 1991) là cựu nhân viên ngân hàng BIDV Chi nhánh Đắk Nông để điều tra làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản hàng chục tỷ đồng.
Theo đơn tố cáo của bà Đỗ Thị Thúy (SN 1974; ngụ thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) gửi đơn tới cơ quan công an, đối tượng Nguyễn Thị Kim Luận về hành vi lừa đảo chiếm đoạt của bà 2,7 tỉ đồng. Bà Phạm Thị Tương (SN 1975, ngụ cùng thị xã Gia Nghĩa) cũng làm đơn tố cáo bà Luận lừa đảo chiếm đoạt hơn 6,9 tỷ đồng. Ngoài ra, bà Luận cũng đang bị điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của một số công dân khác.
Hay ngày 29/7 Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đã bắt khẩn cấp Trịnh Thị Bích Trâm (SN 1977), trú phường Kim Long (TP Huế) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Được biết, để vay mượn được gần 4 tỷ đồng của 6 nạn nhân, từ tháng 11/2014 đến 8/2016, Trâm đã nói dối rằng mình vay tiền để cho người khác vay lại nhằm hưởng chênh lệch. Để tạo lòng tin, Trâm đã trả lãi suất cao gấp nhiều lần so với lãi suất của ngân hàng cho các chủ nợ. Tuy nhiên, sau khi vay mượn, Trâm lại dùng chính số tiền đó để trả lãi cho nạn nhân theo kiểu xoay vòng, số còn lại đưa đi tiêu xài nên không có khả năng chi trả.
Hồi tháng 5, tại Ngân hàng Agribank Chi nhánh Lào Cai, đối tượng Lê Thị Huệ, ở phường Nam Cường, thành phố Lào Cai đã dùng thủ đoạn tuyên truyền với người dân là có mối quan hệ tốt với các ngân hàng nên có thể gửi tiết kiệm với lãi suất cao hơn nhiều lần mức gửi ngân hàng niêm yết. Nhiều người tin vào lời nói của Huệ đã lấy tiền gia đình và huy động của người thân đưa cho Huệ. Khi nhận tiền, Huệ yêu cầu người gửi tiền ký sẵn vào giấy nộp tiền.
Với phương thức này, Huệ đã huy động được hàng trăm tỷ đồng của nhiều người. Sau khi nhận tiền của nạn nhân, Huệ đến ngân hàng làm thủ tục gửi tiền tiết kiệm cho những người đã đưa cho Huệ, nhưng Huệ chỉ nộp 1 triệu đồng/sổ tiết kiệm. Sau khi có sổ tiết kiệm, Huệ sửa số tiền trong sổ bằng với số tiền mà nạn nhân đưa cho Huệ. Bằng thủ đoạn này, Huệ đã chiếm đoạt của nhiều cá nhân với tổng số tiền hơn 200 tỷ đồng.
Lấy lãi suất cao dụ người gửi tiền: Bài học cũ, chuyện cũ nhưng vẫn hiệu quả
Trên đây chỉ là một vài điển hình xảy ra gần đây. Trước đó cũng có nhiều vụ việc tương tự xảy ra. Hầu hết các nạn nhân bị mất tiền đều có chung đặc điểm là quen biết với đối tượng lừa đảo và tin tưởng họ, đặc biệt là những người làm trong ngân hàng có uy tín nên đưa tiền cho đối tượng một cách dễ dàng. Và nhiều người cũng biết rằng việc đưa tiền như vậy, nhất là phục vụ cho vay đảo nợ là khá rủi ro nhưng vì hám lãi suất cao và tin tưởng người làm ngân hàng nên vẫn “nhắm mắt làm liều”.
Còn đối tượng lừa đảo thì lợi dụng mác làm ngân hàng, những lần đầu để củng cố niềm tin với khách hàng họ đều trả lãi đều đặn, nhưng sau đó khi số tiền lên cao, có thể do chi tiêu vào việc cá nhân quá đà hoặc không lấy lại được tiền mà đối tượng mang đi cho vay nên dẫn đến việc mất khả năng trả nợ và bỏ trốn.
Những hành vi này của các đối tượng được các cơ quan truyền thông nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần, bản thân các ngân hàng, cơ quan quản lý cũng như cơ quan công an khuyến cáo người dân cẩn trọng trong các giao dịch, không giao dịch ngoài ngân hàng, không hám lãi suất cao nhưng nhiều người vẫn không quan tâm hoặc cố tình không quan tâm vì cái lợi lãi suất trước mắt, đến khi hậu quả rơi vào bản thân mình là bị mất tiền mới tỉnh ngộ ra thì đã quá muộn.