Mặt tối của văn hóa làm việc như thiêu thân của người Nhật: Tận lực với công việc để rồi ngủ gục ngay cả trên đường phố giữa đêm
Sau một ngày làm việc dài, mệt mỏi, uống rượu, xả hơi tại các quán bar cùng sếp và đồng nghiệp là một điều gần như bắt buộc ở Nhật Bản. Nhưng khi uống quá nhiều, họ say và bỏ lỡ mất chuyến tàu cuối cùng để về nhà. Họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc ngủ vạ vật ngay trên đường phố.
- 02-04-2019Muốn trẻ tự lập từ bé, hãy học cách "cứng rắn" như cha mẹ Nhật: Cho con đi dã ngoại "bí mật", để con tự dọn dẹp chẳng cần đến lao công!
- 31-03-2019Chiến dịch 'đứng dậy 30 phút' của người Nhật: Người Việt từ trẻ tới già nên học theo
- 31-03-2019Dịch vụ độc nhất vô nhị trên thế giới tại Nhật Bản: Chỉ một lời xin lỗi kiếm về hơn 5 triệu đồng
Nhiếp ảnh gia Pawel Jaszczuk, người Ba Lan đã thực hiện một bộ ảnh ghi lại những người Nhật "làm công ăn lương" ngủ vạ vật trên đường phố Nhật bản với tựa đề "High Fashion". Những bức ảnh phần nào phác họa văn hóa làm việc của người Nhật.
Jaszczuck tiết lộ với Business Insider rằng, anh bắt đầu sống ở Tokyo khi nhận ra một điều rất độc đáo của thành phố này. Lúc nửa đêm, anh thường xuyên bắt gặp những người đàn ông mặc trang phục công sở và ngủ gật trên đường phố. "Sự đối lập giữa trang phục và trạng thái ngủ gật của họ khiến tôi chú ý", Jaszczuk nói.
Năm 2008, anh bắt đầu chụp ảnh những người đàn ông ngủ gật trên đường phố với trang phục công sở mà anh bắt gặp. Những người đàn ông trong ảnh của Jaszczuk tìm đến những hàng rào, những chiếc ghế chờ trong sân ga, hè phố... chỉ để ngủ gục xuống... Hoặc chỉ là dựa vào những chiếc cột giữa đường.
Càng chụp nhiều ảnh, Jaszczuck càng nhận ra một hiện tượng rõ ràng ở đất nước này. Anh dễ dàng tìm thấy những cảnh tượng này ở Tokyo khi đã hiểu được quy luật. "Sau khi tìm hiểu một chút, tôi nhận ra họ thường ngủ gục ở nhà ga hoặc gần các quán karaoke, vì họ không có nơi nào khác", anh nói. Đặc biệt, các quân Shinjuku và Shimbashi của Tokyo với những trung tâm thương mại và giải trí sầm uất là nơi có rất nhiều dân công sở thường ngủ gật.
Jaszczuk đã lang thang mỗi đêm và chụp những bức ảnh này trong hơn 2 năm. Anh thường đi xe đạp qua các con phố và chụp lại những hình ảnh ấn tượng về lối sống của những người làm việc công sở ở Nhật Bản.
Mặc dù Jaszczuk phải sử dụng đèn Flash để chụp lại những bức ảnh vào ban đêm này, nhưng những người đàn ông đang ngủ gục dường như chẳng bận tâm. Chưa ai từng thức giấc vì bị chụp ảnh. Và nhiếp ảnh gia cũng chưa từng gặp rắc rối với các nhân vật của mình.
Anh đã lựa chọn, chụp rất nhiều hình ảnh và tập hợp thành một cuốn sách ảnh mang tên "High Fashion" xuất bản năm 2018.
Khi chụp những bức ảnh, các nhiếp ảnh gia thường muốn truyền tải một thông điệp nhưng với "High Fashion" của Jaszczuk thì rất khác. Sau khi ghi lại những bức ảnh, ý tưởng về thông điệp mới tới với Jaszczuk. Khi chụp được khá nhiều ảnh rồi, anh mới chợt nhận ra: Văn hóa làm việc như thiêu thân là nguyên nhân của hiện tượng rất nhiều người làm công sở phải ngủ gục giữa phố vào ban đêm.
Văn hóa này thậm chí khiến rất nhiều người Nhật đã chết vì làm việc quá sức. Nó được đặt tên là "Karoshi" - làm việc cho đến chết. Năm 2016, một báo cáo đã tiết lộ hơn 20% trong số 10.000 người Nhật được điều tra nói rằng họ làm việc thêm giờ ít nhất 80 giờ mỗi tháng.
Thuật ngữ "Inemui" - nghĩa là "ngủ khi làm việc" cũng mô tả hiện tượng người Nhật ca ngợi việc ngủ trưa ở nơi công cộng, tại bàn làm việc với ngụ ý rằng một nhân viên đã làm việc hết sức. Theo Brigitte Steger, một nhà nghiên cứu về Nhật Bản tại trường Cao đẳng Dowing, Cambridge trả lời trên New York Time rằng, "Inemuri" đã tồn tại rất lâu ở Nhật Bản và đặc biệt phổ biến với dân "cổ cồn trắng".
Sau một ngày làm việc dài, dân công sở có thể cùng nhau đi bar và giao lưu với các đồng nghiệp. Đây là một điều phổ biến trong văn hóa Nhật Bản. Nhưng hơn thế nữa, nó còn là một nghĩa vụ bắt buộc nhân viên phải đi uống với sếp và các đồng nghiệp sau giờ làm. Sau những bữa nhậu, họ thường say xỉn và lỡ mất chuyến tàu cuối cùng để về nhà và mắc kẹt tại trung tâm thành phố.
Jaszczuk chưa bao giờ bắt gặp hình ảnh những người này thức dậy vào buổi sáng. Nhưng anh nghe nói rằng, họ chỉ đơn giản là tỉnh dậy và trở lại công ty để bắt đầu ngày làm việc mới. "Những người đàn ông đó là nạn nhân của cuộc sống hiện đại ở Nhật Bản. Họ đã quá kiệt sức sau nhiều giờ làm việc. Vì thế đừng phán xét họ", Jaszczuck nói.
Hầu hết những người đàn ông xuất hiện trong bộ ảnh ngủ gục, nhưng ngay cả khi tỉnh táo, dáng vẻ của họ cũng rất mệt mỏi.
Người Nhật không có khái niệm "cân bằng giữa cuộc sống và công việc". Họ coi làm việc ngoài giờ là điều đương nhiên. Văn hóa này bắt đầu từ thập niên 1970, khi đồng lương ít ỏi buộc người lao động phải làm thêm giờ để tăng thêm thu nhập. Từ đó, người Nhật duy trì thói quen này suốt trong giai đoạn kinh tế bước vào giai đoạn phát triển bùng nổ.
Ngày nay, dù Nhật Bản đã trở thành nền kinh tế lớn thế 3 thế giới, những người Nhật vẫn tiếp tục làm việc như "những con thiêu thân". Đất nước này đang phải chống lại cơn ác mộng "Karoshi", vắt kiệt sức làm việc cho đến chết. Hiện tượng này cũng là nguyên nhân khiến bệnh đột quỵ và bệnh tim ngày càng phổ biến ở dân công sở Nhật Bản.
Trong những thập kỷ gần đây, các vụ tử vong do "Karoshi" vẫn xảy ra. Gần đây nhất là vụ nhà báo Miwa Sado, 31 tuổi chết vì suy tim vào tháng 7/2013 sau khi làm thêm 159 giờ trong 1 tháng. Cái chết của cô được xác định là "Karoshi" vào năm 2017. Ở Nhật, khi người đi làm được xác định là tử vong do Karoshi thì các công ty buộc phải trả tiền phạt. Công ty Miwa Sado làm việc đã phải trả 50.000 USD sau cái chết của cô.
Chính phủ Nhật bản đã thực hiện một số biện pháp để điều chỉnh lại sự cân bằng cuộc sống và công việc của người dân, bên cạnh việc thực hiện phạt tiền các công ty, tập đoàn có nhân viên tử vong vì "Karoshi". Một trong số đó là quy định cho phép người lao động được về sớm từ lúc 3 giờ chiều ngày thứ Sáu cuối cùng mỗi tháng. Quy định này được thực hiện từ năm 2017.
Tuy nhiên, hiệu quả nó đem lại không nhiều. Làm thêm giờ vẫn rất phổ biến trong văn hóa doanh nghiệp tại Nhật Bản. Jaszczuk muốn nói góp tiếng nói để khiến mọi người chú ý tới văn hóa làm việc thực sự căng thẳng và quá sức ở Nhật Bản.
BI