MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Mặt trận” mới và nóng của Ngân hàng Nhà nước

16-08-2019 - 10:27 AM | Tài chính - ngân hàng

Không phóng đại, “mặt trận” mới này trở nên nóng khi có ảnh hưởng đến chủ quyền điều hành chính sách tiền tệ quốc gia.

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 999/QĐ-TTg phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ, trong đó phân công một số nhiệm vụ cho Ngân hàng Nhà nước.

Thay đổi tư duy và cách thức quản lý nhà nước cho phù hợp với xu thế phát triển của kinh tế số và cách mạng công nghiệp 4.0 là quan điểm đưa ra trong đề án.

Với Ngân hàng Nhà nước, đề án giao nhiệm vụ: xây dựng quy định các giao dịch thanh toán xuyên biên giới thông qua cổng thanh toán do Ngân hàng Nhà nước cấp phép; phối hợp với các bộ, ngành để sửa đổi, bổ sung hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để quản lý hoạt động thanh toán điện tử đối với việc cung cấp các dịch vụ xuyên biên giới được các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp từ bên ngoài lãnh thổ vào Việt Nam; nghiên cứu, xây dựng đề án cơ chế quản lý thử nghiệm cho hoạt động Fintech trong hoạt động ngân hàng.

Và một lần nữa, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu cơ chế thí điểm quản lý hoạt động cho vay ngang hàng.

Chưa bao gồm tất cả, nhưng những nội dung trên cũng phác họa cơ bản một “mặt trận” mới của Ngân hàng Nhà nước trong quản lý điều hành hiện nay và tương lai gần.

Trước một hiện thực bùng nổ

Trao đổi với BizLIVE về đề án trên, lãnh đạo phụ trách công nghệ một ngân hàng thương mại nói rằng: “Không hẳn vì phụ trách lĩnh vực này mà đề cao, nhưng quả thực mặt trận nóng bỏng nhất của Ngân hàng Nhà nước hiện nay, theo tôi, là công nghệ tài chính”.

Lý giải đưa ra: công nghệ tài chính hiện đang ảnh hưởng sâu sắc và sâu rộng đến hoạt động thanh toán của hệ thống các ngân hàng thương mại; tác động đến các dòng chảy tiền tệ và nguồn vốn; và như các hoạt động công nghệ hoặc tài chính đơn thuần, rủi ro đâu đó vẫn tiềm ẩn về kỹ thuật, nhưng quan trọng hơn là tiềm tàng cả về điều hành vĩ mô.

Nhìn sang các “mặt trận” truyền thống và chính yếu khác, tỷ giá USD/VND vẫn ổn định trong bối cảnh thế giới đang đầy biến động lẫn xung đột; lãi suất dù có tăng cục bộ nhưng về cơ bản vẫn ở mặt bằng thấp hơn nhiều so với giai đoạn trước; nợ xấu đến nay đã được xử lý lượng lớn và giảm được về mức thấp trên báo cáo của các ngân hàng thương mại; tái cơ cấu hệ thống có chuyển biến khi năng lực tài chính và hiệu quả hoạt động nhiều ngân hàng tiếp tục tăng trưởng tốt; thị trường vàng vẫn ổn định và không gây xáo trộn dù sốt giá suốt bốn tháng qua.

Nhưng ở “mặt trận” mới nói trên, một hiện thực bùng nổ đang diễn ra và hứa hẹn còn tiến xa. Vấn đề là các khung khổ pháp lý, điều hành tại Việt Nam vẫn chưa bắt nhịp được tốc độ phát triển quá nhanh của nó; và nhất là những tác động trong tương lai có thể khó lường tính hết.

Đầu năm 2019, một số thông tin cập nhật đến quy mô khoảng 40 công ty cho vay ngang hàng, được cho là từ Trung Quốc “tràn” sang. Gần đây, quy mô này có xu hướng gia tăng lên.

Hay chỉ những năm gần đây, đã có 30 tổ chức không phải là ngân hàng được cấp phép dịch vụ trung gian thanh toán, 27 tổ chức cung ứng có ví điện tử, và đã có hiện tượng ví điện tử hoạt động không phép.

Rồi dự kiến tương lai gần, tại Việt Nam dịch vụ tiền điện tử trên thuê bao di động (mobile money) nếu phát triển sẽ tương tác với hàng chục triệu thuê bao, gắn với một nguồn tiền lớn…

Rủi ro không chỉ về kỹ thuật

Theo tìm hiểu của BizLIVE, đã khoảng một năm qua, một trong những đầu mối công nghệ hàng đầu của Việt Nam có hồ sơ xin phép làm dịch vụ trung gian thanh toán nhưng chưa được chấp thuận, cũng như những bộ hồ sơ khác xếp hàng chờ đợi.

Ngân hàng Nhà nước xét duyệt và thẩm định chặt chẽ. Một mặt, đây là lĩnh vực vẫn còn khá mới tại Việt Nam, tích hợp giữa dịch vụ công nghệ với thanh toán. Mặt khác, hoạt động thanh toán và trung gian thanh toán là huyết mạch trong nền kinh tế, có liên quan mật thiết với hoạt động ngân hàng truyền thống.

Ở khía cạnh khác, như trên, quan điểm của Chính phủ nhấn mạnh thời gian qua và hiện nay là thúc đẩy cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Nhưng, có một thực tế, khung khổ pháp lý Việt Nam chưa hoàn thiện hoặc chưa bắt kịp, đặc biệt trong lĩnh vực tiền tệ.

Cụ thể như, với ví điện tử, dự thảo thông tư mà Ngân hàng Nhà nước xây dựng vừa qua vẫn còn những ý kiến khác nhau; hay với cho vay ngang hàng, như trên, Chính phủ vẫn đang yêu cầu nghiên cứu cơ chế thí điểm quản lý; với mobile money thậm chí còn liên quan đến cho vay như ở loại hình thuê bao trả sau…

Không chỉ ở hiện thực bùng nổ của công nghệ với tiện ích và dịch vụ đang thể hiện, tính chất nóng bỏng của “mặt trận” này còn nằm ở những tác động sâu sắc về vĩ mô, nếu không có khung khổ quản lý và điều hành chặt chẽ.

Hồi đầu năm, cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý trường hợp rủi ro rút tiền và mất tiền từ ví điện tử. Có thể xem đây là rủi ro đơn thuần về mặt kỹ thuật, điều cũng có ở rủi ro thẻ, thanh toán trực tuyến…

Nhưng rủi ro tiềm tàng trở nên đáng chú ý ở chủ quyền và quyền lực điều hành chính sách tiền tệ quốc gia.

Những hệ thống thanh toán và trung gian thanh toán, những hệ sinh thái tiền điện tử khi ra đời đều tác động đến các dòng tiền trên thị trường. Sức hút và quy mô của hoạt động thanh toán liên quan đều có thể ảnh hưởng lớn tới vĩ mô nếu có biến động.

Đặc biệt, nếu sức hút đó kích thích các dòng tiền nằm ngoài hệ thống ngân hàng, vấn đề kiểm soát và điều hành chính sách tiền tệ sẽ càng thêm những biến số thụ động.

Thực tiễn nhiều năm qua và hiện nay, một trong những giải pháp Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách là bằng điều tiết lượng. Đó là cân đối nguồn, “bơm - hút” tiền qua các kênh để gián tiếp cân đối thanh khoản, lãi suất, tỷ giá… Hoặc giám sát chặt chỉ tiêu lượng tín dụng hàng năm chi tiết đến từng ngân hàng thương mại để góp phần lai dắt các yếu tố tiền tệ đến các mục tiêu vĩ mô.

Nếu những biến số trên bị đẩy ra xa hơn hệ thống ngân hàng, hoặc như xu hướng phát hành trái phiếu doanh nghiệp hiện nay, hay cho vay ngang hàng mở rộng quy mô nguồn vốn, hay mobile money gia tăng nguồn lực vay mượn tạo đòn bẩy cá nhân (thuê bao trả sau)… đều có thể khiến việc điều hành chính sách tiền tệ với những cân đối và điều tiết trên trở nên thụ động hơn.

Với những vấn đề liên quan đó, dù đẩy mạnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhưng công nghệ tài chính đang trở thành thách thức đòi hỏi sự thận trọng, trở thành một “mặt trận” mới và nóng của Ngân hàng Nhà nước, mà không hẳn phóng đại tính chất của nó.

Theo Minh Đức

Bizlive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên