MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Máy bay Trung Quốc tăng giá vẫn đắt như tôm tươi: Xuất hiện cuộc chiến nảy lửa giữa các kỳ phùng địch thủ?

29-12-2023 - 20:15 PM | Tài chính quốc tế

Giá niêm yết mới nhất của C919 gần với mức giá 105-136 triệu USD của Airbus cho dòng A320neo vào năm 2020.

Máy bay nội địa Trung Quốc tăng giá

Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP-Hồng Kông) ngày 25/12 cho biết, mẫu máy bay C919 do Trung Quốc sản xuất đã tăng giá niêm yết trong thỏa thuận mới nhất với Air China.

Đây là động thái khi Tập đoàn Máy bay Thương mại Trung Quốc (Comac) kêu gọi chính phủ hỗ trợ nhiều hơn cho hoạt động bán hàng nội địa khi hãng sản xuất máy bay thế giới Boeing được chấp thuận nối lại hoạt động tại Trung Quốc kể từ khi bị dừng vào năm 2019.

Việc tăng giá của C919 đã được tiết lộ trong thỏa thuận được công bố vào tuần trước của Tập đoàn Máy bay Thương mại Trung Quốc Comac với Air China, hãng hàng không lớn nhất Trung Quốc tính theo quy mô đội bay.

Air China sẽ mua 6 máy bay C919 và 11 máy bay phản lực khu vực ARJ21 nhỏ hơn, thời gian giao hàng từ năm 2024 đến năm 2025.

Air China tiết lộ Comac định giá 108 triệu USD/chiếc C919 và 38 triệu USD/chiếc ARJ21, tương đương tổng giá trị hợp đồng là 1,07 tỷ USD nhưng cả hai bên đã nhất trí chốt mức giá "thấp hơn giá niêm yết".

Theo tờ Caixin (Trung Quốc), Comac đã tăng thêm 9 triệu USD/chiếc C919 từ mức 99 triệu USD như đã thấy trong thỏa thuận với China Eastern năm 2022. Giá niêm yết mới nhất của C919 gần với mức giá 105-136 triệu USD của Airbus cho dòng A320neo vào năm 2020.

Máy bay Trung Quốc tăng giá vẫn đắt như tôm tươi: Xuất hiện cuộc chiến nảy lửa giữa các kỳ phùng địch thủ? - Ảnh 1.

C919 Trung Quốc tăng giá khi Boeing quay trở lại. Ảnh: Reuters

Tại cuộc họp của Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc vào tuần trước, Tổng giám đốc Comac Chu Xinmin đã kêu gọi chính phủ hỗ trợ nhiều hơn, như ưu đãi cho các hãng hàng không và sân bay, để giúp tăng thị phần máy bay phản lực sản xuất trong nước.

Hồi tháng 9, Comac thông báo họ đã nhận 1.061 đơn đặt hàng cho mẫu C919.

Máy bay thân hẹp C919 được thiết kế để cạnh tranh với Boeing 737 và Airbus 320 nhằm phá vỡ thế độc quyền của hai gã khổng lỗ này - ít nhất là ở Trung Quốc, nơi nhu cầu đang tăng cao. 

Tuy nhiên, sự cạnh tranh đang ngày càng nóng lên khi Boeing đánh dấu việc giao trực tiếp máy bay thân rộng 787 Dreamliner đầu tiên cho một hãng hàng không Trung Quốc kể từ năm 2019.

Juneyao Airlines, một trong những hãng hàng không tư nhân lớn nhất Trung Quốc, đã nhận hàng tại Thượng Hải vào tuần trước.

Máy bay Boeing 737 MAX cũng dự kiến sẽ tiếp tục được giao hàng sau khi được các cơ quan quản lý Trung Quốc cho phép vào đầu tháng này. Chiếc 737 MAX đã được phép tiếp tục bay ở Trung Quốc vào tháng 1.

Theo một dự báo, Trung Quốc dự kiến sẽ cần 8.560 máy bay chở khách mới vào năm 2042 và đội bay thương mại của nước này dự kiến sẽ tăng gấp đôi lên gần 9.600 máy bay phản lực trong 20 năm tới, chiếm 1/5 tổng số máy bay được giao trên thế giới trong cùng kỳ.

C919 có ưu điểm gì để cạnh tranh?

Theo Viện nghiên cứu về Trung Quốc Mercator (Đức), máy bay chở khách nội địa của Trung Quốc có thể phá vỡ sự độc quyền của Boeing và Airbus tại thị trường nội địa, bất chấp sự phụ thuộc vào các bộ phận linh kiện từ nước ngoài.

Quy mô của thị trường hàng không Trung Quốc và chính sách công nghiệp mạnh mẽ mang lại cho C919 lợi thế để thúc đẩy “các mục tiêu chiến lược” trong lĩnh vực hàng không.

Trung Quốc có tham vọng mạnh mẽ trong thị trường hàng không thương mại và chính phủ nước này đã đặt ra kế hoạch để C919 giành 10% thị phần nội địa vào năm 2025.

Merics cho biết, máy bay phản lực thân hẹp là mẫu cơ bản cho các nhà sản xuất, chiếm khoảng 60% tổng số máy bay được sản xuất.

Trung Quốc đặt nhiều hy vọng rằng C919 sẽ giảm bớt sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài khi mối quan hệ với các nước phương Tây ngày càng xấu đi.

Tuy nhiên, hầu hết các bộ phận sử dụng cho C919 đều được nhập khẩu từ các nhà sản xuất nước ngoài, bao gồm động cơ, hệ thống điện tử hàng không, hệ thống điều khiển, thông tin liên lạc và thiết bị hạ cánh.

Comac đang nỗ lực thay thế một số bộ phận của nước ngoài, bao gồm cả bộ phận thay thế cho động cơ LEAP do CFM International, một liên doanh giữa công ty GE Aviation của Mỹ và Safran Aircraft Engines của Pháp sản xuất.


Theo An An

Đời sống & Pháp luật

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên