Máy móc, thiết bị nhiều Trung Quốc: Biết là dở, sao vẫn ồ ạt nhập?
"Nhiều doanh nghiệp Việt Nam tư duy quá ngắn. Cứ nghĩ là nhập đồ rẻ kiếm lời rồi bất chấp hậu quả về môi trường, bản thân doanh nghiệp cũng trở nên kém cạnh tranh vì làm sao có thể cạnh tranh được với thế giới nếu dùng thiết bị lạc hậu?...".
Việt Nam đang trở thành bãi rác công nghệ?
Đó là câu hỏi được đặt ra nhiều năm nay và mới đây lại được làm “nóng” tại cuộc họp bàn về dự án Luật Chuyển giao công nghệ sửa đổi của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hồi giữa tháng 9 vừa qua.
Tình trạng nhập thiết bị, công nghệ lạc hậu sẽ mang lại cho chúng ta vô số những hệ lụy như: ô nhiễm môi trường, hao tổn năng lượng, giảm năng lực cạnh tranh, nền kinh tế trở nên kém cỏi, lạc hậu...
Tuy nhiên vì nhiều lý do, số lượng doanh nghiệp nhập thiết bị, công nghệ lạc hậu về sử dụng không phải là con số ít. Báo cáo mới đây của Bộ Khoa học và công nghệ cho thấy tình trạng công nghệ trong nước đang ở mức “rất yếu kém”.
Cụ thể, xếp hạng cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam năm 2015 đứng thứ 56/140 quốc gia xếp hạng nhưng mức độ sẵn sàng về công nghệ chỉ đứng thứ 92, hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp thứ 121 và khả năng tiếp thu công nghệ mới chỉ đứng thứ 112/140 quốc gia.
Thực tế cũng cho thấy, nhiều những công trình nghìn tỷ “đắp chiếu” liên quan đến sử dụng công nghệ lạc hậu như Đạm Ninh Bình , sơ sợi Đình Vũ, gang thép Thái Nguyên...
Mới đây, lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng đã bị phê bình về những thiếu sót trong chủ trương mua 160 toa xe hàng đã qua sử dụng của Trung Quốc. Chưa bàn đến việc lãng phí, thất thoát, nếu sự việc không được phát hiện kịp thời thì nguy cơ mấy an toàn giao thông khi các thiết bị này được đưa vào vận hành sẽ như thế nào?...
Trên đây chỉ là một vài ví dụ trong rất nhiều những vụ việc xảy ra trên thực tế. Nếu nhìn rộng ra có thể thấy, hầu hết những vụ việc nổi cộm mà dư luận quan tâm với số vốn thất thoát lớn, gây hậu quả nặng nề đều có mẫu số chung là sử dụng công nghệ, thiết bị Trung Quốc.
Vì sao doanh nghiệp thích “xài” đồ Trung Quốc?
Không chỉ đối với các doanh nghiệp nhà nước, rất nhiều doanh nghiệp tư nhân, thậm chí là những doanh nghiệp rất lớn, cũng thích nhập thiết bị, công nghệ Trung Quốc .
Tại Đại hội cổ đông bất thường của Tập đoàn Hoa Sen, khi đề cập đến việc chọn công nghệ cho dự án thép Cà Ná, ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn này có nói, Trung Quốc hiện có quá nhiều, quá rẻ về vật liệu cơ bản để chế tạo thiết bị.
Báo cáo của Tổng cục Hải quan vừa công bố cũng cho thấy, sức hấp dẫn của máy móc, thiết bị phụ tùng xuất từ Trung Quốc có sức hấp dẫn rất lớn đối với các thị trường Việt Nam.
Cụ thể, 8 tháng đầu năm 2016, Trung Quốc là thị trường lớn nhất cung cấp cho Việt Nam nhóm hàng này với 5,8 tỷ USD, chiếm gần 33% tổng kim ngạch nhập khẩu. Con số này có giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng xét trong thời gian dài lại đang tăng rất mạnh.
Trao đổi với BizLIVE, chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cho rằng, việc nhập thiết bị, máy móc phụ tùng Trung Quốc chiếm phần lớn trong tổng kim ngạch của Việt Nam đã kéo dài rất nhiều năm.
Những lý do cơ bản khiến doanh nghiệp tư nhân lẫn nhà nước đều đổ xô mua thiết bị Trung Quốc, theo ông Trinh, đó là vì giá thành rẻ, hai nước giáp ranh nhau nên tiết kiệm chi phí vận chuyển...
Bên cạnh đó, theo vị chuyên gia này, một yếu tố cũng khá quan trọng khiến doanh nghiệp thích dùng máy móc, thiết bị Trung Quốc, đó là được tạo điều kiện cho vay với điều kiện ưu đãi.
Theo đó, các doanh nghiệp tạo điều kiện cho vay để trả sau hoặc là thời gian hoàn trả dài ra. Tuy nhiên, trên thực tế nó đều đi theo với phí tăng lên ở chỗ càng kéo dài thì chi phí càng lớn và cuối cùng số tiền phải trả cao hơn rất nhiều.
Do vậy, ban đầu là rẻ nhưng rốt cục lại thành đắt hơn rất nhiều lần so với chi phí ban đầu. Thực tế rất nhiều dự án lớn được triển khai ở Việt Nam cho thấy điều đó, điển hình là dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông.
“Còn một nguyên do nữa, theo tôi đó là vấn đề về tư duy. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam tư duy quá ngắn. Cứ nghĩ là nhập đồ rẻ kiếm lời rồi bất chấp hậu quả về môi trường, bản thân doanh nghiệp cũng trở nên kém cạnh tranh vì làm sao có thể cạnh tranh được với thế giới nếu xài thiết bị lạc hậu? Tất nhiên, cũng không ít doanh nghiệp do năng lực tài chính không đủ lớn để nhập thiết bị hiện đại. Vấn đề này cũng một phần do cấu trúc kinh tế của chúng ta. Cứ đi lắp ráp, gia công mãi thì sao giàu được?”, ông Trinh nêu quan điểm.
Ông Trinh cho rằng, để khắc tình trạng nhập khẩu thiết bị, lạc hậu từ Trung Quốc bên cạnh việc phải có những quy định kiểm soát thật chặt để thải loại những công nghệ không đủ tiêu chuẩn thì bản thân các doanh nghiệp cũng nên tự thay đổi tư duy. “Thay vì lựa chọn công nghệ Trung Quốc giá rẻ, chúng ta nên ưu tiên những sản phẩm có độ an toàn cao, uy tín, chất nước trên thế giới”, ông Trinh nói.
Sửa Luật liệu đã đáp ứng được yêu cầu?
Trình bày báo cáo thẩm tra về dự án luật Chuyển giao công nghệ sửa đổi hôm 13/9, Ủy ban Khoa học Công nghệ Môi trường của Quốc hội đánh giá tốc độ đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp thời gian qua rất thấp, chưa đạt như mong muốn (10%/năm). Một số ngành, lĩnh vực như nhiệt điện, xi măng, mía đường, luyện cán thép, khai khoáng,… vẫn sử dụng công nghệ lạc hậu.
Báo cáo cũng cho biết, chúng ta vẫn chuyển giao công nghệ thông qua mua máy móc, thiết bị phần lớn đã lạc hậu 2-3 thế hệ là chính... Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế nước ta.
Với tình trạng công nghệ như vậy, Ủy ban Khoa học Công nghệ Môi trường cho rằng việc chỉ sửa, bổ sung 16/61 điều của Luật Chuyển giao công nghệ 2006 là chưa thể đáp ứng yêu cầu.
Vì vậy dự án luật cần đưa ra những quy định khắc phục các “lỗ hổng” có thể biến Việt Nam thành bãi rác công nghệ như trường hợp vụ Formosa, dự án bauxite Tây Nguyên, các dự án chế biến gỗ dăm, xây dựng, xăng sinh học...
Sau khi nghe báo cáo, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đặt vấn đề: “Sau khi luật (sửa đổi) được ban hành phải bảo đảm khắc phục được thực tế là Việt Nam đã và đang trở thành bãi rác, là nơi chuyên sử dụng máy móc, công nghệ lạc hậu của thế giới không? Với mức độ sửa 16 điều thì có giải quyết được tất cả bất cập, có thực hiện đầy đủ nội dung tư tưởng để phát triển thị trường khoa học công nghệ hay không?”.
BizLIVE