MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Máy xúc đào trúng giếng cổ, phát hiện hơn 200.000 vật thể "xâu thành chuỗi": Lập tức phong tỏa hiện trường

15-12-2023 - 15:59 PM | Sống

Máy xúc đào trúng giếng cổ, phát hiện hơn 200.000 vật thể "xâu thành chuỗi": Lập tức phong tỏa hiện trường

Hóa ra, những vật thể lạ mà những công nhân Trung Quốc này tìm thấy chính là “kho báu” vô cùng giá trị.

Theo Kknews.cc, sáng ngày 1/6/2016, khi công nhân đang làm việc tại một công trường ở thành phố Tô Châu, Giang Tô, Trung Quốc thì phát hiện một sự việc lạ. Theo đó, khi máy xúc đang đào đất tại khu vực cần thi công thì có một công nhân bất ngờ hét lên “dừng lại”. Hóa ra, người này phát hiện chiếc máy xúc đã vô tình đào trúng một hố sâu khoảng 4-5m so với mặt đất, trông giống như một chiếc giếng cổ nên đã ra hiệu dừng công việc để kiểm tra.

Một công nhân có mặt tại hiện trường cho biết: “Khi quan sát kỹ hơn, chúng tôi nhận thấy chiếc giếng cổ này không giống những chiếc giếng thông thường, nó khá độc đáo. Miệng giếng không phải hình tròn mà là một hình bát giác đều đặn, viền được làm bằng gốm. Khu vực xung quanh giếng được lát gạch xanh mang đậm phong cách Giang Nam.

Sau khi đào sâu thêm, chúng tôi càng ngạc nhiên hơn khi phát hiện ra rằng có một số lượng lớn đồng xu cổ xâu thành chuỗi được giấu ở trong đó. Vì vậy, tôi đã nhanh chóng thông báo sự việc cho chính quyền địa phương. Mọi người đã phong tỏa hiện trường và mời các chuyên gia của Viện Khảo cổ Thành phố Tô Châu đến thẩm định càng sớm càng tốt."

Máy xúc đào trúng giếng cổ, phát hiện hơn 200.000 vật thể "xâu thành chuỗi": Lập tức phong tỏa hiện trường - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Sohu

Sau quá trình thu thập, các chuyên gia phát hiện có tổng cộng hơn 80 túi tiền cổ, mỗi túi nặng hơn 50kg, tổng trọng lượng khoảng 4 tấn. Chúng được xác định là những đồng tiền cổ thời Bắc Tống của Trung Quốc. Theo ước tính của các chuyên gia, lô tiền xu cổ này phải hơn 200.000 đồng xu và có sự khác nhau ở lớp phía trên và phía dưới.

Theo mô tả, các đồng xu phía trên lớn hơn một chút, được sắp xếp rất ngay ngắn và được khắc dòng chữ "Sùng Ninh Trọng bảo". Trong khi những đồng xu phía dưới nhỏ hơn một chút và được khắc dòng chữ "Nguyên Phong Thông Bảo" và "Thiệu Thánh Nguyên Bảo".

Đặc biệt, trong quá trình khai quật, các chuyên gia cũng phát hiện ra đồng xu “Thánh Tống Nguyên Bảo” do Hoàng đế Huy Tông nhà Tống (Trung Quốc) đúc vào năm thành lập Tĩnh Quốc (1101). Đây là một loại tiền cổ không đặt tên theo thời đại và được làm bằng bạc, rất quý giá.

Máy xúc đào trúng giếng cổ, phát hiện hơn 200.000 vật thể "xâu thành chuỗi": Lập tức phong tỏa hiện trường - Ảnh 2.

Ảnh minh họa: Sohu

Theo phân tích sơ bộ của nhóm khảo cổ, nền kinh tế Tô Châu tương đối phát triển vào thời Bắc Tống, những đồng tiền cổ rất có thể đến từ một thương gia đã vội vàng giấu chúng ở đây khi gặp chiến tranh loạn lạc.

Theo các chuyên gia, mỗi đồng xu được phát hiện đều có giá trị kinh tế và giá trị lịch sử rất to lớn. Chúng là hình ảnh tượng trưng về quá trình phát triển của Trung Quốc ở một giai đoạn lịch sử nhất định.

Trước đó vào năm 2010, tại một công trường xây dựng ở huyện Hóa Châu, Vị Nam, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc, một đội công nhân trong lúc làm việc cũng đã phát hiện một “kho ngầm” có diện tích khoảng 1m2 chứa 2 - 3 tấn đồng xu từ thời nhà Tống ở Trung Quốc. Dù trải qua hàng nghìn năm lịch sử và bị gỉ sét khá nhiều nhưng chữ viết trên đó vẫn có thể nhìn thấy được. Các chuyên gia cũng cho biết phần lớn những đồng xu trong kho báu này có trị giá là 30 xu và 50 xu.

Trong quá trình nghiên cứu kho báu này, các chuyên gia không chỉ tìm thấy đồng xu thường gặp ở thời nhà Tống như Sùng Ninh Trọng Bảo và Sùng Ninh Thông Bảo mà còn có một số đồng xu cổ tương đối hiếm như Cảnh Nguyên Thông Bảo, Thuần Hóa Thông Bảo và Đại Quan Thông Bảo.

Những phát hiện này vô cùng có ý nghĩa đối với cộng đồng khảo cổ Trung Quốc nói riêng và văn hóa - lịch sử Trung Quốc nói chung.  Bởi mỗi quốc gia sau hàng nghìn năm thăng trầm lịch sử có lẽ vẫn sẽ còn rất nhiều cổ vật, di sản văn hóa trôi nổi chưa thể tìm thấy.

Khi chúng ta vô tình phát hiện ra chúng nhưng không chắc chắn thì hãy báo cáo các chuyên gia, các cấp hay ban ngành liên quan để giúp xác định rõ nguồn gốc cho những món đồ đó. Có như vậy, chúng ta mới có thể lưu giữ và bảo tồn được giá trị của chứng tích văn hóa quý giá này.

(Theo KKnews.cc)

Ánh Lê

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên