Mẹ Đỗ Nhật Nam: Đừng để trẻ nghĩ rằng, nhiệm vụ của cuộc đời chúng chỉ là để vượt qua các kì thi và làm cha mẹ hài lòng
"Nhiều người nói làm mẹ bây giờ sướng vì có cả biển thông tin, muốn tìm gì cũng có. Nhưng mình lại nghĩ không hẳn, có khi chính vì nhiều thông tin nên... khổ, nên bấn loạn chẳng biết đâu mà lần", chị Phan Hồ Điệp chia sẻ.
- 19-07-20196 giây lại có một người chết vì căn bệnh này, vậy mà những sai lầm của bố mẹ lại khiến con mắc nó
- 19-07-2019Thú chơi siêu xe và xe siêu sang “toàn hàng khủng” của vợ cũ đại gia Phạm Trần Nhật Minh cùng con gái
- 18-07-2019Gia đình Thái tử Nhật Bản đi du lịch: Chồng một mình bay trước, vợ và con trai bay chuyến sau vì lý do nghe xong ai cũng phản đối rầm rầm
Làm mẹ thời nay có thuận lợi là được tham khảo nhiều phương pháp dạy con hay, hiệu quả nhưng lại khiến các mẹ "rối bòng bong" khi không biết phải áp dụng thế nào mới tốt cho con.
Thực tế, đã có không ít các mẹ cảm thấy bất lực vì đặt kỳ vọng vào con quá cao mà con không đạt được. Và rồi từ đó, các mẹ lại bực dọc, cáu giận, trách bản thân: "Ôi, sao mọi người làm mẹ giỏi vậy mà mình thì tệ vậy".
Hãy cùng chiêm nghiệm lời chia sẻ của chị Phan Hồ Điệp, mẹ Đỗ Nhật Nam sau đây cảm thấy đỡ áp lực hơn trong cách nuôi dạy con:
"Nhiều người nói làm mẹ bây giờ sướng vì có cả biển thông tin, muốn tìm gì cũng có. Nhưng mình lại nghĩ, không hẳn, có khi chính vì nhiều thông tin nên... khổ, nên bấn loạn chẳng biết đâu mà lần.
Có người nói nên cho con ngủ riêng từ bé thì lại có người nói nên cho con nên được ngủ cùng mẹ.
Có người nói cần nghiêm khắc với con thì lại có người nói nên cho con "thả lỏng".
Có người nói lúc con giận dữ nên tảng lờ lại có người nói cần hỏi han con khi ấy.
Có người nói nên cho con cố gắng ôn luyện để vào trường chuyên thì lại có người nói không cần phải ép uổng con như vậy, môi trường "chuyên chọn" không hẳn là tốt.
Có người nói đọc sách phải giúp con hiểu sâu, hiểu kĩ, phải tương tác với con mới hiệu quả thì có người lại nói, ồ, không, cứ để con thoải mái, miễn đọc là tốt rồi.
Có người nói thế này lại có người nói thế kia…
Và chính vì quá nhiều thông tin nên có thể dẫn đến hai kiểu phản ứng tương đối tiêu cực:
Kiểu thứ nhất: Thôi kệ đi, ai nói gì cứ việc nói, chẳng cần quan tâm, chẳng cần tham khảo gì thêm. Và như thế, bạn có thể bỏ lỡ nhiều thông tin cần thiết về sự phát triển của trẻ, những trò chơi cho con, những cách giải quyết cách tình huống có vấn đề…
Kiểu thứ hai: Bạn tham gia vào một "trường phái" nào đó để chống lại với "phe kia". Bạn vui mừng khi thấy phe mình có vẻ thắng. Bạn nhất định ép con bạn theo cách của mình. Và khi ấy, bạn đang nuôi con vì bạn, cho bạn chứ không phải vì con, cho con.
Vậy nên, mình nghĩ:
Hãy coi những ý kiến bạn đọc được chỉ để tham khảo vì "một chiếc áo không vừa cho tất cả mọi người". Bạn cần điều chỉnh những gì bạn đọc được trên đứa trẻ của bạn, môi trường sống, hoàn cảnh gia đình bạn… Bạn học tinh thần của những lời khuyên chứ không phải bê nguyên, áp dụng cứng nhắc lên con mình rồi đau khổ nghĩ "Chao ôi, sao không thấy hiệu quả gì hết".
Bạn chính là chuyên gia giỏi nhất về con bạn. Chỉ cần xem con chơi, nghe tiếng con cười bạn biết con cần gì, đang vui vẻ đến mức nào. Bằng sự quan sát bạn biết con mình thuộc tính khí nào: Dễ chịu/cẩn thận/mạnh mẽ hay nhút nhát, lo lắng… Và vì thế, bạn sẽ biết cách điều chỉnh cho phù hợp với kiểu tính cách ấy.
Hãy tin rằng, bất kỳ bà mẹ nào, dù được coi là thành công hay tài giỏi đến bao nhiêu trong việc dạy con cũng có lúc bực bội, tức giận, lo lắng… Những gì thể hiện trên Facebook không hẳn giống với ngoài đời. Vì thế cứ an nhiên, đừng nghĩ rằng: Ôi, sao mọi người làm mẹ giỏi vậy mà mình thì tệ vậy.
Bạn đừng ép mình theo một "trào lưu" gì cả. Đừng quá sốt ruột khi thấy quanh mình, con của bạn bè mình giỏi giang đạt thành tích nọ kia. Nhân đây mình cũng phản đối việc các cơ quan cuối năm tặng thưởng quà cho những cháu đạt học sinh giỏi. Vì phong trào này mà khối con trẻ bị đòn khi khiến bố mẹ cảm thấy "mất mặt".
Dù gì, những điều sau luôn có giá trị, đó là mỗi ngày, bạn hãy dành thời gian nói chuyện với con; Chơi cùng con; Đọc sách cùng con; Lắng nghe con nói; Bạn đừng coi thường con trẻ và cho rằng "trẻ con thì không biết gì". Cũng đừng cho con là "cái rốn của vũ trụ" nên tất cả mọi người trong nhà đều xoay quanh bé.
Đừng giới hạn việc học có nghĩa chỉ là ngồi vào bàn và làm bài. Đi chợ, nấu cơm, mua quà, đuổi bướm, thả diều, làm bạn với mọi người… tất cả đều là "học" - học khôn lớn. Đừng để trẻ nghĩ rằng, nhiệm vụ của cuộc đời chúng chỉ là để vượt qua các kì thi, có được điểm số cao và làm cha mẹ hài lòng.
Trong khi đó, bạn cũng nên yêu quý bản thân mình, đừng chạy theo số đông, đừng chỉ đọc những sách nuôi dạy con, hãy cho mình quyền được đọc những gì bạn thấy hứng thú. Và hãy chậm lại, chậm lại để chờ đợi, để nắm tay con, để mỉm cười với con, tận hưởng điều đó như một món quà cuộc đời dành tặng bạn.
Trên tất cả, hãy để con được thực hành chữ "thương". Lòng thương với tha nhân sẽ khiến đứa trẻ cảm nhận được những điều ngọt ngào trong cuộc đời này.
Những gì bạn đọc được, mình nghĩ, chỉ là tham khảo, không phải là kết luận. Những bài mình viết về quá trình nuôi dạy con cũng vậy thôi.
Cuộc sống ngồn ngộn những vui buồn hỉ xả ngoài kia mới là bài học đáng giá nhất.
Bạn có nghĩ như mình không?
Helino