MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mẹ ung thư mang thai liệu có di truyền lại cho con không: Hãy nghe câu trả lời của bác sĩ

27-05-2019 - 16:25 PM | Sống

Trường hợp bệnh nhân ung thư phát hiện mình mang thai bác sĩ sẽ có những tư vấn gì để giúp đỡ cho bệnh nhân?

Để hiểu rõ hơn về những rủi ro, nguy hiểm khi bệnh nhân mang ung thư quyết định giữ con hoặc mang thai phóng viên đã có cuộc trao đổi về chuyên môn với TS.BS Đào Văn Tú, Bệnh viện K Trung ương.

Thưa bác sĩ, bệnh nhân ung thư có nên mang thai hay không?

TS.BS Đào Văn Tú: Theo y văn trên thế giới không khuyên người mẹ đang mắc ung thư hoặc đang chữa trị ung thư có thai. Bác sĩ cũng luôn khuyên phụ nữ đang mắc ung thư hoặc trong quá trình điều trị bệnh ung thư nên sử dụng biện pháp tránh thai.

Bệnh nhân ung thư khi mang thai sẽ gặp phải những nguy hiểm gì?

 Mẹ ung thư mang thai liệu có di truyền lại cho con không: Hãy nghe câu trả lời của bác sĩ - Ảnh 1.

Chị Liên người thời điểm đang mang thai, người mẹ mới viết lên câu chuyện cổ tích thời hiện đại sinh con khi đang chiến đấu với căn bệnh ung thư.

TS.BS Đào Văn Tú: Cũng giống như tất cả các bệnh nhân ung thư khác khi mang thai sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe của người mẹ. Do khối u phát triển có thể gây ảnh hưởng tới các cơ quan và chức năng như: tim, phổi, gan, thận và các cơ quan khác. Nguy hiểm nhất là ảnh hưởng đến tính mạng người mẹ.

Ở trường hợp ung thư phát hiện ở giai đoạn muộn, mang thai có thể gây ra tình trạng mệt mỏi, suy kiệt sức khoẻ, do cùng một lúc cơ thể người mẹ phải nuôi sự phát triển của thai nhi và phải cung cấp dinh dưỡng cho sự phát triển của các tế bào ung thư. Do đó dễ ảnh hưởng tới sức khỏe của cả mẹ và con.

Những biến chứng của bệnh ung thư, tác động của tình trạng xâm lấn của các khối u (nguyên phát và di căn) lên các cơ quan trọng yếu như não, tim, phổi, hệ thống tiêu hoá, tiết niệu có thể làm nguy hiểm đến tính mạng người mẹ, cũng như ảnh hưởng nghiêm trọng đến thai nhi.

Các biến chứng đó phải kể đến như suy hô hấp, suy tim, ngừng tuần hoàn, tắc mạch phổi, chảy máu, tắc ruột, thủng ruột, suy thận, nhiễm trùng huyết...

Bệnh nhân vừa mang ung thư và có thai sẽ nguy hiểm hơn rất nhiều lần so với các bệnh nhân ung thư khác do dễ gặp các biến chứng liên quan đến bệnh.

Theo một nghiên cứu thu nhận trên 2800 bệnh nhân ở Canada, các phụ nữ mang thai bị bệnh ung thư gặp các biến chứng do huyết khối động tĩnh mạch tăng lên từ 8 đến 20 lần so với những người phụ nữ không mắc bệnh ung thư.

Các tế bào ung thư phát triển rất nhanh và tiêu thụ rất nhiều dinh dưỡng và năng lượng của cơ thể người mẹ. Trong khi, mẹ vừa phải cung dinh dưỡng nuôi con vừa phải chống chọi lại ung thư. Do đó, người mẹ mắc bệnh ung thư cần phải bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, để đảm bảo sức khỏe của mẹ và con.

Đó là trường hợp nguy hiểm với mẹ, còn đối với con có nguy hiểm gì không, thưa bác sĩ?

TS.BS Đào Văn Tú: Mắc bệnh ung thư khi mang thai không chỉ nguy hiểm cho tính mạng của người mẹ mà bản thân ngay đứa trẻ trong bụng cũng gặp nhiều nguy cơ.

Các khối u ở trong khung chậu có thể tác động tới tử cung (dạ con) của người mẹ hoặc các khối u nằm ở tử cung của mẹ (ung thư tử cung, ung thư nội mạc tử cung) dễ gây xảy thải, để non, gây chảy máu… làm ảnh hưởng tính mạng của thai.

Thai nhi ở người mẹ bị ung thư dễ bị chậm phát triển, phát triển không cân đối, và có thể gặp các vấn đề của trẻ đẻ non thiếu tháng…

Mang thai khi bị ung thư ảnh hưởng như thế nào tới quá trình điều trị, thưa bác sĩ?

TS.BS Đào Văn Tú: Ung thư là một loại bệnh lý nếu được phát hiện sớm và điều trị sớm sẽ có tiên lượng tốt. Nếu người phụ nữ mang ung thư quyết định giữ con khi biết mình có thai có thể trì hoãn quá trình điều trị.

Đặc biệt, mang thai trong quý đầu tiên, thường không có chỉ định điều trị bệnh ung thư và người mẹ sẽ phải trì hoãn ít nhất là qua quý 1 của thai kì. Điều này có thể làm mất đi cơ hội điều trị của người mẹ.

Thưa bác sĩ, mẹ mang ung thư có thai liệu di truyền lại cho con không?

TS.BS Đào Văn Tú: Ung thư không phải bệnh lý lây truyền, tuy nhiên ung thư có thể liên quan tới cơ chế di truyền.

Đối với một số bệnh lý ung thư có liên quan tới tiền sử gia đình như Đa polyp đại tràng có tính chất gia đình, đột biến gen BRCA1, BRCA2 (trong ung thư vú và ung thư buồng trứng), xuất hiện ở anh chị em cùng huyết thống.

Người mẹ mang gen BRCA1, BRCA2 có thể di truyền sang con. Nghĩa là, trong trường hợp này mẹ bị ung thư thì người con cũng có nguy cơ xuất hiện ung thư ở thời gian sau.

Trường hợp bệnh nhân ung thư phát hiện mình mang thai bác sĩ sẽ có những tư vấn gì để giúp đỡ cho bệnh nhân?

TS.BS Đào Văn Tú: Những trường hợp mang thai trong quý đầu tiên nguy cơ dẫn đến bất thường của thai nhi là rất lớn.

Bệnh nhân thường được khuyên đình chỉ thai nghén và điều trị ngay lập tức nếu khối u phát triển nhanh, bệnh lý ung thư ở giai đoạn xâm hoặc di căn, gây nguy cơ đến tính mạng người mẹ, hoặc bệnh nhân và gia đình không mong muốn giữ thai.

Thưa bác sĩ, trường hợp bệnh nhân ung thư mang thai quyết định giữ con, bác sĩ sẽ có hỗ trợ gì cho bệnh nhân không?

 Mẹ ung thư mang thai liệu có di truyền lại cho con không: Hãy nghe câu trả lời của bác sĩ - Ảnh 2.

Bệnh nhân ung thư khi quyết định giữ lại con sẽ nhận được sự giúp đỡ của rất nhiều chuyên khoa.

TS.BS Đào Văn Tú: Những bệnh nhân này sẽ nhận được chăm sóc đặc biệt với sự phối hợp của các bác sĩ chuyên khoa u bướu, chuyên khoa sản khoa, chuyên khoa sơ sinh cũng như là bác sĩ khác chuyên khoa tim mạch, nội khoa.

Quan trọng nhất là vừa phải đảm bảo sức khỏe của mẹ và đảm bảo cho sức khỏe của thai nhi. Phương pháp điều trị cho những bệnh nhân này có thể là theo dõi đơn thuần nếu bệnh tiến triển chậm để chờ đến thời điểm có thể điều trị an toàn hoặc sau khi đứa bé được sinh ra.

Bệnh nhân ung thư khi mang thai có dùng thuốc gì không, thưa bác sĩ?

TS.BS Đào Văn Tú: Trong thời gian hoàn thành thai kỳ thì bệnh nhân ung thư vẫn cần phải dùng thuốc theo như chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Một số trường hợp bệnh tiến triển nhanh, có nguy cơ gây ảnh hưởng đến tính mạng người mẹ. Việc điều trị chuyên khoa cần được đặt ra, vừa chăm sóc tích cực cho người mẹ, vừa có thể dùng các thuốc đặc hiệu để điều trị bệnh ung thư cho mẹ.

Các thuốc được lựa chọn phải là các thuốc có tác dụng phụ trên thai nhi có thể chấp nhận được.

Đối với thai nhi, để đảm bảo sự phát triển hoàn thiện chức năng các cơ quan của thai nhi, một số loại thuốc chuyên khoa sản, sơ sinh giúp hỗ trợ phát triển của thai nhi có thể được chỉ định.

Thưa bác sĩ, trong quá trình mang thai bệnh nhân ung thư có hoàn thành được thời gian thai kỳ của mình không?

TS.BS Đào Văn Tú: Sẽ có những bệnh nhân ung thư hoàn thành đủ thai kỳ, có những bệnh nhân không thể hoàn thành đủ thai kỳ. Điều này phụ thuộc vào sức khỏe và sự ác tính của khối u, cũng như thời điểm chẩn đoán ra bệnh.

Những bệnh nhân có độ ác tính cao, và phát hiện ra bệnh ung thư ở quý 1 của thai kỳ thì khả năng giữ được thai đến khi đủ tháng là rất khó khăn. Ngược lại có những bệnh lý ung thư độ ác tính thấp, bệnh phát triển chậm, đặc biệt lại phát hiện ra ở quý 3 của thai kỳ thì khả năng hoàn thành được thai kỳ rất cao.

Ví dụ, bệnh nhân mắc bệnh u lympho Hodgkin, ung thư vú… trong thai kỳ đặc biệt là ở quý 2 và quý 3 vẫn có thể dùng hóa trị để điều trị bệnh và chờ đến khi hoàn thành thai kỳ nếu như bệnh nhân và gia đình mong muốn giữ thai.

Các trường hợp bệnh nhân ung thư có dấu hiệu chuyển dạ sớm do nguyên nhân gì?

TS.BS Đào Văn Tú: Đó thường là những trường hợp có khối u gây chèn ép tử cung, thường là các khối u ở trong khung chậu hoặc trong ổ bụng ổ bụng, sẽ gây kích thích sự chuyển dạ sớm.

Bệnh nhân ung thư sẽ sinh thường hay mổ đẻ, thưa bác sĩ?

TS.BS Đào Văn Tú: Tùy theo sức khỏe của người mẹ, vị trí của khối u có gây cản trở cuộc đẻ hay không? các cơ quan quan trọng của sản phụ như tim phổi, não và mức độ tổn thương của các cở quan này có thể chống chịu được cuộc đẻ hay không, bác sĩ sản khoa sẽ chỉ định bệnh nhân sẽ đẻ thường hay mổ đẻ.

Bệnh nhân nhân ung thư vẫn có thể sinh con bình thường được nếu sức khỏe ổn định và cho phép. Một số trường hợp người mẹ có dấu hiệu suy kiệt sẽ được chỉ định mổ đẻ.

Bệnh nhân ung thư có nên cho con bú sau sinh hay không?

TS.BS Đào Văn Tú: Sau khi, sinh các bà mẹ ung thư không nên cho con bú. Sinh xong bệnh nhân sẽ bắt đầu quá trình điều trị chữa bệnh thuốc uống và điều trị có thể bài tiết qua sữa và ảnh hưởng tới con, gây ra tình trạng em bé chậm lớn, phát triển mất cân đối, gây suy tuỷ, giảm miễn dịch và nhiều bất thường khác

Cảm ơn bác sĩ, chúc bác sĩ sức khỏe và thành công!

Theo Minh Ngọc

Trí thức trẻ

Trở lên trên