MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Mì tôm và gấu bông ”: Vietjet Air đang hái quả ngọt từ các dịch vụ phụ trợ như thế nào?

18-04-2019 - 13:30 PM | Doanh nghiệp

Năm 2018, doanh thu phụ trợ, mảng có biên lợi nhuận cao của Vietjet Air đạt 8.410 tỷ đồng, tăng trưởng 50% so với năm trước và tăng 10 lần sau 5 năm.

Vietjet đã công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2018 với những kết quả tăng trưởng mạnh so với năm trước, vượt hơn kế hoạch.

Cụ thể, doanh thu thuần của Vietjet Air đạt 53.577 tỷ đồng, tăng 27% so với năm trước. Trong cơ cấu doanh thu của Vietjet Air, doanh thu từ mảng bán tàu bay gần như không thay đổi, ở mức gần 20.000 tỷ đồng. Như vậy, tăng trưởng của Vietjet đến từ mảng kinh doanh cốt lõi là vận tải hàng không lên tới gần 50%, đạt 33.779 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu vận tải nội địa tăng hơn 22%, doanh thu vận tải quốc tế tăng gần gấp đôi. Cùng với doanh thu vận chuyển hành khách, Vietjet còn có đóng góp rất quan trọng từ doanh thu hoạt động phụ trợ, một mảng có biên lợi nhuận cao. 

Trong những năm qua, theo đà phát triển của Vietjet Air, doanh thu phụ trợ đã tăng 10 lần chỉ trong vòng 5 năm. Cụ thể, doanh thu năm 2014 mới chỉ là 836 tỷ đồng thì đến năm 2018 vừa qua đã lên tới 8.410 tỷ đồng. Trong đó, đóng góp lớn của doanh thu phụ trợ từ mạng bay quốc tế do doanh thu phụ trợ bình quân thu được từ một khách hàng cao hơn gấp 2 lần doanh thu phụ trợ thu từ khách trên mạng bay nội địa.

Trong cơ cấu tổng doanh thu từ vận tải hàng không, hoạt động phụ trợ đang chiếm tỷ trọng khoảng 25%.

“Mì tôm và gấu bông ”: Vietjet Air đang hái quả ngọt từ các dịch vụ phụ trợ như thế nào? - Ảnh 1.

Doanh thu cốt lõi tăng trưởng mạnh là do trong năm qua hãng đã chuyên chở hơn 23 triệu lượt khách và thực hiện 118.923 chuyến bay, tương ứng tăng trưởng 34% lượt khách so với năm 2017. Trong năm qua, Vietjet đã tiếp nhận 16 tàu bay A321 mới, hiện đại, an toàn và tiết kiệm nhiên liệu. Đồng thời, hãng còn mở rộng mạng đường bay, trong đó có tới 66 đường bay quốc tế.

Trong mô hình hàng không chi phí thấp, các hãng hàng không giảm giá vé và thay vào đó là bán các dịch vụ cộng thêm như hành lý, suất ăn, chọn chỗ ngồi, dịch vụ ưu tiên… cho những người thực sự có nhu cầu. Vì vậy, có thể tin rằng doanh thu phụ trợ của Vietjet Air còn nhiều dư địa để tăng trưởng mạnh trong thời gian tới khi số lượng khách chuyên chở tiếp tục tăng trưởng, nhu cầu phát sinh của khách hàng ngày càng đa dạng.

“Mì tôm và gấu bông ”: Vietjet Air đang hái quả ngọt từ các dịch vụ phụ trợ như thế nào? - Ảnh 2.

Thứ nhất, doanh thu hoạt động phụ trợ sẽ tỷ lệ thuận với số lượng khách. Hiện nay, bên cạnh sự gia tăng của khách nội địa, thị trường quốc tế đang rộng mở. Vietjet Air đang phát triển mạnh các đường bay quốc tế, thể hiện qua doanh thu vận chuyển hành khách quốc tế tăng theo cấp số nhân, năm 2018 cao gấp 2 lần năm 2017 và cao gấp 6 lần năm 2016.

Thứ hai, "chất lượng" hành khách thay đổi, khả năng "tiêu tiền" của khách quốc tế cũng sẽ nâng doanh thu phụ trợ. Theo thống kê, doanh thu phụ trợ của các hãng hàng không sẽ cao hơn ở các nước có thu nhập bình quân đầu người cao hơn, do người dân ở các quốc gia đó sẽ sẵn sàng chi trả cho các dịch vụ đi kèm hơn. Với việc tăng bay các chuyến quốc tế, mặt bằng thu nhập của hành khách Vietjet Air sẽ tăng lên, đặc biệt nguồn thu từ ngoại tệ cũng dần tăng lên trong cơ cấu dòng tiền thu của Hãng hàng không này.

Thứ ba, sự phong phú và chất lượng dịch vụ phụ trợ cũng sẽ tăng doanh thu. Trong cơ cấu doanh thu phụ trợ hiện tại, các loại dịch vụ cơ bản bao gồm phí hành lý, hành lý quá cước, chỗ ngồi, phí hủy và thay đổi chuyến bay và các dịch vụ trên máy bay. Dựa vào văn hóa và chiến lược khác nhau, các hãng hàng không có thể mở rộng các dịch vụ khác như vận chuyển trẻ em đi một mình hay thú nuôi... Với hệ sinh thái khách hàng và nền tảng công nghệ , Vietjet Air sẽ không chỉ bán các sản phẩm liên quan đến chuyến bay mà còn bán cho khách hàng mua vé nhiều loại hình sản phẩm đa dạng khác như khách sạn, bảo hiểm, hàng tiêu dùng, dịch vụ tài chính.

Vietjet hoạt động theo mô hình hàng không chi phí thấp nhưng khác biệt khi Hãng cung cấp dịch vụ hạng sang với hạng vé Skyboss như phòng chờ quốc tế sang trọng cùng với các hãng hàng không 5 sao trên thế giới, ưu tiên làm thủ tục, xe đưa đón riêng, phục vụ bữa ăn nóng và trên 30kg hành lý. Một điểm khác biệt trên chuyến bay Vietjet là thực đơn tới 9 món ăn nóng, tươi ngon và 30 loại đồ uống khác nhau trên tàu bay được phục vụ bởi các tiếp viên trẻ trung thân thiện, xinh đẹp. Khách bay được trải nghiệm không chỉ tầu bay mới, ghế da êm ái, dịch vụ chọn chỗ ngồi thuận tiện, mà còn được mua sắm hàng lưu niệm, hàng miễn thuế…trong khi đó, các hãng truyền thống thường chỉ cung cấp 1-2 món ăn, thường chế biến theo công thức công nghiệp, thậm chí các đường bay ngắn không phục vụ ăn uống.

“Mì tôm và gấu bông ”: Vietjet Air đang hái quả ngọt từ các dịch vụ phụ trợ như thế nào? - Ảnh 3.

Tự tin với dịch vụ trên khoang hành khách của mình, hãng hàng không này từng so sánh mình là Emirates của châu Á. Với số lượng khách hàng mà Vietjet vận chuyển mỗi năm lên tới hàng chục triệu người, như 2018 là 23 triệu lượt khách, nâng tổng lượt chuyên chở luỹ kế lên tới hơn 83 triệu lượt khách, quảng cáo trên thân và trong tàu bay cũng là một mảnh đất màu mỡ đang bước đầu khai phá. Đây là mô hình quảng cáo sẽ rất hiệu quả cho các nhãn hàng tiêu dùng tới những khách hàng trực tiếp nghe, nhìn, đọc liên tục từ 2-6 tiếng trên mỗi chuyến bay.

“Mì tôm và gấu bông ”: Vietjet Air đang hái quả ngọt từ các dịch vụ phụ trợ như thế nào? - Ảnh 4.

Kết quả kinh doanh của Vietjet trong 5 năm trở lại đây cho thấy Hãng này đã tập trung trọng điểm vào tăng trưởng ổn định doanh thu phụ trợ như một nguồn đóng góp ổn định cho lợi nhuận của công ty. Vietjet còn nhiều dư địa để tăng trưởng loại hình doanh thu này khi tiếp tục mở rộng mạng bay quốc tế cũng như phát triển thêm các loại hình dịch vụ, sản phẩm đa dạng trên hệ sinh thái khách hàng của mình.

Ánh Dương

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên