MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Minh bạch "đất vàng", công viên

16-06-2017 - 14:26 PM | Bất động sản

TP HCM đã cho biết hiện trạng cũng như hướng xử lý đối với 3 dự án lớn ở trung tâm quận 1 và thông tin nhiều công viên trên địa bàn bị "xẻ thịt".

Ngày 15-6, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong đã chủ trì cuộc họp về tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội và thu - chi ngân sách 6 tháng đầu năm, triển khai công tác trọng tâm 6 tháng cuối năm 2017.

Nhiều con số chưa hài lòng

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP, trong 6 tháng đầu năm, kinh tế TP tăng trưởng cao hơn cùng kỳ, đạt 7,76% (cùng kỳ tăng 7,47%), có 18.030 doanh nghiệp (DN) được cấp phép thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 227.514 tỉ đồng…


Tòa nhà Saigon One Tower (bên trái) khởi công từ năm 2007 nhưng hiện ngưng trệ. Ảnh: GIA MINH

Tòa nhà Saigon One Tower (bên trái) khởi công từ năm 2007 nhưng hiện ngưng trệ. Ảnh: GIA MINH

Chủ tịch UBND TP đánh giá báo cáo tốc độ tăng trưởng kinh tế 7,76% mà các đơn vị đưa ra chỉ gồm thương mại, công nghiệp và nông nghiệp. Trong khi đó, 9 nhóm dịch vụ như ngân hàng, tài chính, bảo hiểm, y tế… tạo giá trị gia tăng lớn nhưng chưa tính vào. "TP xác định 4 ngành công nghiệp chủ lực và 9 nhóm ngành dịch vụ chủ yếu sẽ đóng góp vào tổng sản phẩm TP nhưng ngành thống kê, công thương đã tính đủ chưa? Sáu tháng đầu năm mới đạt 7,76% thì đến cuối năm liệu có đạt 8,4% đến 8,7% như kế hoạch đề ra không?" - ông Phong lưu ý.

Về chỉ tiêu thành lập 50.000 DN mới trong năm 2017 nhưng đến nay chỉ có hơn 18.000 DN, ông Nguyễn Thành Phong đặt vấn đề liệu thời gian còn lại có bảo đảm thành lập mới 32.000 DN theo kế hoạch đề ra không? Bên cạnh đó, các DN mới thành lập chủ yếu là DN bất động sản (chiếm 40%) trong khi các DN sản xuất phát triển, đầu tư các ngành nghề chiến lược thì chiếm tỉ lệ thấp. Hiện TP đã làm việc với 11 quận, huyện và trong tháng 6 hoặc tháng 7-2017 sẽ làm việc với 13 quận, huyện còn lại về các vấn đề liên quan đến DN.

Người đứng đầu chính quyền TP cũng không hài lòng trước tốc độ giải ngân vốn 6 tháng đầu năm chỉ đạt 32% kế hoạch. "Việc giải ngân chậm là do điều hành quản lý hay ách tắc về thủ tục hành chính?" - ông Phong hỏi và yêu cầu các sở, ngành phải tìm ra nguyên nhân, đẩy nhanh tốc độ giải ngân.

Du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn nhưng trong báo cáo chỉ nêu 5,4 triệu lượt khách dù trước đó UBND TP đã giao chỉ tiêu 7 triệu lượt khách. Ông Nguyễn Thành Phong cho rằng với tổng doanh thu đạt hơn 53.000 tỉ đồng thì mỗi du khách đến TP chỉ tiêu chưa tới 10 triệu đồng/người. Nhận định thời gian lưu trú lâu mới góp phần kích cầu kinh tế TP, ông Phong yêu cầu ngành du lịch phải phân tích kỹ thời gian lưu trú của du khách để tạo sản phẩm du lịch giữ chân họ.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TP, cho biết sở đã tổng hợp các chỉ số làm cơ sở để phân tích. Theo khảo sát sơ bộ, thời gian lưu trú của khách quốc tế tới TP là từ 1-2 đêm và đang cố gắng để kéo dài thời gian lưu trú của khách lâu hơn. Trong 6 tháng đầu năm 2017, tỉ lệ khai thác phòng khách sạn từ 3-5 sao tăng lên 7,3% so với cùng kỳ. UBND TP đã ban hành quyết định liên quan đến du lịch đường thủy và Sở Du lịch TP đang phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện.

Phát huy vận tải công cộng

Theo ông Lê Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND TP, con số hành khách sử dụng phương tiện công cộng tăng là tín hiệu đáng mừng trong bối cảnh lượng khách đi xe buýt giảm 3 năm liên tục. Tuy nhiên, ngành vận tải không được mừng sớm mà phải tiếp tục cải tiến bằng phương tiện và thái độ phục vụ của tài xế, nhân viên. "Vừa rồi, xem trên mạng xã hội thấy cảnh xe buýt leo vỉa hè, tôi đã gọi điện cho giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) và yêu cầu xử lý ngay, không thể để hình ảnh xe buýt như vậy được" - ông Khoa gay gắt.

Về tình hình ngập úng, ông Khoa cho biết hồi tháng 2-2017 đã họp một lần, hiện duy tu, nạo vét đạt 84%. Ông Khoa đề nghị Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước TP (Trung tâm Chống ngập) và UBND các quận, huyện đến tháng 7-2017 phải đạt hơn 90% vì nếu duy tu, nạo vét trong mùa khô thì không còn ý nghĩa. Đồng thời, các quận, huyện phối hợp Trung tâm Chống ngập xử lý những trường hợp lấn chiếm hầm ga, cửa xả, nếu có vướng mắc thì báo cáo TP. TP cũng đã cho phép Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP thí điểm hố ga ngăn mùi ở một số tuyến đường, đến tháng 12-2017 phải đánh giá lại hiệu quả của những cống ngăn mùi này.

Tại cuộc họp báo trưa cùng ngày, ông Võ Văn Hoan, Chánh Văn phòng UBND TP, đã thông tin về hiện trạng cũng như hướng xử lý đối với 3 dự án lớn ở trung tâm quận 1 là tòa nhà Saigon One Tower, Tân Hoàng Minh và công trình Lavenue Crown bị ngưng trệ từ nhiều năm nay. Cụ thể, dự án Saigon One Tower (số 34 Tôn Đức Thắng) trước đó có tranh chấp nhưng hiện đã kết thúc và các bên thống nhất chia sẻ trách nhiệm. Vì vậy, UBND TP đang tạo mọi điều kiện để người tiếp nhận khu đất này triển khai nhanh dự án, không kéo dài "làm xấu" bộ mặt của TP. Theo ông Hoan, đến cuối năm 2017, nhà đầu tư mới sẽ có đủ năng lực và điều kiện để thực hiện nhanh dự án. Đối với địa chỉ 23 Lê Duẩn, ông Hoan cho biết Tập đoàn Tân Hoàng Minh trúng đấu giá hơn 1.000 tỉ đồng và đã thanh toán đầy đủ cho TP nhưng do trước đó, dự án này vướng một văn bản nên tạm ngưng. Tuy nhiên, UBND TP sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ để giải quyết nhanh cho nhà đầu tư thực hiện dự án bởi đây không phải lỗi của họ. Với dự án ở số 8-12 Lê Duẩn (đối diện UBND quận 1), ông Hoan nói nơi đây đang bị Thanh tra Chính phủ thanh tra nên phải chờ kết quả mới có thể báo cáo cụ thể.

Đối với thông tin nhiều công viên trên địa bàn TP bị "xẻ thịt", ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết về nguyên tắc sử dụng đất, công viên có những khu vực cây xanh và các công trình phụ trợ phục vụ cho lợi ích công cộng. Đơn vị quản lý buộc phải tuân thủ theo nguyên tắc tỉ lệ chung giữa mảng xanh và các công trình xây dựng. Do đó, ông Thắng cho rằng khi quan sát những công trình xây dựng trong công viên và ước lượng mang tính chất tương đối, nhiều người có thể nhầm lẫn và đánh giá đó là công trình xây dựng sai phép. Bổ sung thêm, ông Trần Quang Lâm, Phó Giám đốc Sở GTVT, cho biết sau vụ việc Công viên Phú Lâm (quận 6) có tình trạng bị "xẻ thịt", sở đã phối hợp Thanh tra TP kiểm tra và xử lý những vi phạm. "Sau vụ việc này, UBND TP đã giao Sở GTVT phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các đơn vị liên quan tổng kiểm tra, đo vẽ, xác lập ranh đất ở tất cả công viên trên địa bàn TP. Tính đến thời điểm này, các đơn vị vẫn đang thực hiện việc kiểm tra, rà soát và dự kiến cuối năm 2017 sẽ hoàn tất" - ông Lâm thông tin.

Tiếp tục chấn chỉnh lòng đường, vỉa hè

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong yêu cầu các quận, huyện tiếp tục xây dựng các biện pháp để chấn chỉnh trật tự lòng đường, vỉa hè và cách để duy trì điều đó. Theo ông Phong, UBND TP đều làm việc với các quận, huyện mỗi quý để đánh giá cụ thể về tình hình cũng như chỉ đạo thực hiện công tác chấn chỉnh trật tự đô thị nhưng điều quan trọng là chính quyền địa phương phải đeo bám, không làm theo phong trào. Ông Phong cũng nhìn nhận mỗi địa phương có những đặc thù riêng nên phải có phương án sử dụng vỉa hè phù hợp, tạo được sự đồng thuận cho người dân.

Theo Gia Minh - Sỹ Đông

Người lao động

Trở lên trên