MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Mô hình Israel” là gì và Mỹ sẽ áp dụng với Ukraine như thế nào?

14-07-2023 - 07:09 AM | Tài chính quốc tế

Việc áp dụng “mô hình Israel” với Ukraine vừa có thể gửi thông điệp răn đe mạnh mẽ tới Nga trong khi không khiến Mỹ phải vướng vào một hiệp ước chính thức với Kiev như điều 5 của NATO.

Israel không phải là thành viên NATO và không có hiệp ước phòng thủ chính thức với Mỹ. Tuy nhiên, trong nhiều thập kỷ Mỹ đã coi Israel là “đồng minh lớn ngoài NATO”, ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác quốc phòng, đồng thời cung cấp vũ khí tinh vi và viện trợ quân sự hàng tỷ USD cho Israel.

NATO ngày 11/7 tuyên bố một ngày nào đó họ sẽ gửi lời mời Ukraine gia nhập liên minh quân sự này, nhưng không nêu rõ bằng cách nào hoặc khi nào. Hiện tại, NATO vẫn chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ Ukraine chống lại Nga với nhiều gói viện trợ khác nhau và các tuyên bố mạnh mẽ ủng hộ Kiev.

Điều này khiến một số nhà phân tích quân sự tranh luận về mối quan hệ của Ukraine với NATO sẽ như thế nào trong tương lai gần và liệu mối quan hệ giữa Israel với Mỹ có thể là một hình mẫu tham khảo hay không.

“Mô hình Israel” là gì và Mỹ sẽ áp dụng với Ukraine như thế nào? - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cùng các nhà lãnh đạo G7 tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Litva ngày 12/7/2023. Ảnh: NY Times

Mô hình Israel là gì?

Israel không phải là thành viên NATO và không có hiệp ước phòng thủ chính thức với Mỹ. Tuy nhiên, trong nhiều thập kỷ Mỹ đã coi Israel là “đồng minh lớn ngoài NATO”, ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác quốc phòng, đồng thời cung cấp vũ khí tinh vi và viện trợ quân sự hàng tỷ USD cho Israel.

Kể từ những năm 1960, các tổng thống Mỹ đều mô tả mối quan hệ Mỹ-Israel dưới góc độ hỗ trợ chặt chẽ và hợp tác sâu sắc, giống như “mối quan hệ đặc biệt” giữa Anh và Mỹ. Điều đó đã dẫn đến sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan tình báo Mỹ và Israel, đồng thời giúp Israel phát triển quân đội có công nghệ tiên tiến nhất thế giới.

Mặc dù viện trợ quân sự của Mỹ thường đòi hỏi phải mua vũ khí do Mỹ sản xuất, nhưng Israel cũng được phép sử dụng một phần số tiền đó để mua vũ khí của các nhà sản xuất trong nước, góp phần giúp ngành công nghiệp quốc phòng nước này phát triển mạnh mẽ.

Mỹ đã cung cấp cho Israel những khoản tiền lớn trong những năm qua. Năm 2016, quốc hội Mỹ thông qua thỏa thuận hỗ trợ an ninh 10 năm trị giá 38 tỷ USD cho đến năm 2028.

Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã gửi hơn 41 tỷ USD viện trợ quân sự cho Ukraine kể từ khi xung đột với Nga vùng phát, vượt xa số tiền hỗ trợ an ninh cho Israel.

Mô hình Israel sẽ áp dụng cho Ukraine như thế nào?

Viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine đến nay được phân bổ trên cơ sở không dự tính trước. Ông Grant Rumley, thành viên Viện Chính sách Cận Đông đã so sánh điều này với việc “cố gắng chế tạo một chiếc máy bay khi nó đang ở trên không”.

Nếu theo mô hình Israel, quốc hội Mỹ có thể thông qua một thỏa thuận viện trợ quân sự dài hạn giúp Ukraine xây dựng quân đội trong nhiều năm, thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine bằng cách cho phép Kiev mua vũ khí từ các nhà sản xuất trong nước.

Theo ông Rumley, một mối quan hệ như vậy sẽ gửi thông điệp răn đe mạnh mẽ tới Nga trong khi không khiến Mỹ phải vướng vào một hiệp ước chính thức. Quan trọng hơn cả, Mỹ sẽ tránh được một điều khoản như Điều 5 của NATO, trong đó tuyên bố rằng một cuộc tấn công chống lại một quốc gia thành viên là một cuộc tấn công chống lại tất cả các thành viên còn lại.

Một số người cho rằng mô hình Israel sẽ không thể ngăn cản Nga tiếp tục chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Giải pháp hiệu quả duy nhất là Ukraine trở thành thành viên NATO.

“Nếu cộng đồng xuyên Đại Tây Dương áp dụng mô hình Israel với Ukraine, Kiev sẽ bị bỏ rơi trong vùng xám của sự bất an”, ông Ian Brzezinski, thành viên cấp cao tại Hội đồng Đại Tây Dương nhận định.

“Mô hình Israel” là gì và Mỹ sẽ áp dụng với Ukraine như thế nào? - Ảnh 2.

Vũ khí và thiết bị quân sự của Mỹ tại sân bay Boryspil gần Kiev, ngày 25/1/2022. Ảnh: Getty

Các nhà lãnh đạo của Mỹ và phương Tây, trong nỗ lực tránh xung đột toàn diện với Nga, đã nói rằng Ukraine chỉ có thể trở thành thành viên NATO khi xung đột kết thúc.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 12/7 cho biết ông hiểu lý do Kiev không thể gia nhập NATO vào lúc này.

Mối quan hệ giữa Mỹ với Israel và Ukraine có gì khác biệt?

Mối quan hệ của Mỹ với Israel nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của lưỡng đảng trong quốc hội Mỹ suốt nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, không rõ các nhà lập pháp Mỹ sẽ đồng ý viện trợ quân sự cho Ukraine để chống lại Nga trong bao lâu.

Cho đến nay, cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đều ủng hộ viện trợ hàng tỷ USD cho Ukraine, nhưng đã có dấu hiệu cho thấy sự bất đồng giữa một số thành viên đảng Cộng hòa.

Israel và Ukraine có sức mạnh quân đội khác nhau và cũng phải đối mặt với những mối đe dọa rất khác nhau.

Israel sở hữu quân đội hùng mạnh, vũ khí tiên tiến và kho vũ khí hạt nhân; trong khi Ukraine xây dựng lại quân đội từ kho dự trữ của Liên Xô và nước này đã từ bỏ vũ khí hạt nhân vào những năm 1990.

Mối đe dọa của Israel là các chiến binh Palestine không được trang bị hiện đại hay một Iran tinh vi hơn – nhưng không phải là một cường quốc được trang bị vũ khí hạt nhân.

Chưa rõ mối quan hệ theo mô hình Israel sẽ mang lại cho Mỹ bao nhiêu ảnh hưởng trong các chính sách của Ukraine. Bất chấp mối quan hệ chặt chẽ giữa hai nước, giới nhà lãnh đạo Mỹ có những khó khăn nhất định trong việc gây ảnh hưởng đến chính sách của Israel về vấn đề như khu định cư ở Bờ Tây.

Lời khuyên từ Israel

Các chuyên gia an ninh Israel cho rằng Kiev nên hướng tới việc có được tất cả những lợi ích mà Mỹ đã dành cho Israel trong nhiều năm, nhưng phải tìm cách có được điều đó càng sớm càng tốt. Thực tế, mức độ hợp tác giữa Israel và Mỹ hiện nay đã được kết tinh qua nhiều thập kỷ chứ không phải ngày một ngày hai.

Mặt khác, Ukraine cũng nên sử dụng các biện pháp đảm bảo an ninh (nếu có) một cách hợp lý và không vượt qua các lằn ranh đỏ mà Mỹ vạch ra. Cần phải hiểu rằng Mỹ có thể sử dụng các đảm bảo an ninh không chỉ như một “củ cà rốt” mà còn như một “cây gậy”.

Khi Israel được nhận máy bay chiến đấu F-16 vào đầu những năm 1980, họ đã ngay lập tức tiến hành các tiến hành không kích phá hủy lò phản ứng hạt nhân Osirak của Iraq. Mỹ đã chặn giao hàng đợt tiếp theo trong hơn một năm.

Khi Israel bắt đầu đàm phán các hợp đồng quốc phòng với Trung Quốc vào đầu những năm 2010, điều đó đã khiến Mỹ vô cùng giận dữ. Washington đã đóng cửa mọi thỏa thuận an ninh trong vài năm, áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu nghiêm ngặt đối với Israel.

Mô hình Israel không thể thay thế giải pháp gia nhập NATO đối với Ukraine. Nhưng Kiev cần phải hiểu rằng việc được đảm bảo an ninh sẽ tốt hơn là không có gì.

Theo Hoàng Phạm

VOV

Trở lên trên