MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mô hình phục hồi kinh tế của Thái Lan hiện tại có gì khác so với 'mô hình chữ K' của Việt Nam và Singapore?

Mô hình phục hồi kinh tế của Thái Lan hiện tại có gì khác so với 'mô hình chữ K' của Việt Nam và Singapore?

Phần lớn mô hình phục hồi kinh tế của các quốc gia trên toàn thế giới mang hình dáng của chữ K, trong đó có Việt Nam và Singapore. Thế nhưng, mô hình này lại không xảy ra ở Thái Lan.

Đại dịch Covid-19 đã tạo ra "mô hình phục hồi hình chữ K" tại phần lớn các nền kinh tế trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Mô hình K phản ánh một số bộ phận của nền kinh tế đang tăng trưởng tích cực, trong khi những khu vực khác lại ngày càng gặp nhiều khó khăn.

Cụ thể, tại Việt Nam, ngành công nghiệp sản xuất, bao gồm cả chất bán dẫn và ô tô, đang phục hồi nhanh chóng và thậm chí trở nên quá nóng, khi cung không đáp ứng được cầu. Một ví dụ điển hình có thể kể đến là các doanh nghiệp lớn trong ngành chip đang ngày càng chú ý nhiều hơn đến lĩnh vực kinh doanh chip ô tô.

Trái ngược với xu hướng hồi phục của ngành công nghiệp sản xuất thì trên thực tế, tình hình trong lĩnh vực như dịch vụ, hay vận tải ở Việt Nam vẫn chưa có dấu hiệu chuyển biến tích cực.

Còn tại Singapore, mặc dù diễn biến dịch Covid-19 tại đây không phức tạp như các nước trong khu vực Đông Nam Á, nhưng lộ trình phục hồi của Singapore cũng vẫn là "mô hình phục hồi hình chữ K" tương tự như Việt Nam.

Theo CNA, tốc độ phục hồi kinh tế của Singapore phụ thuộc vào từng lĩnh vực. Ví dụ, lĩnh vực xây dựng sẽ phục hồi ở mức vừa phải do vẫn còn tồn tại một vài hạn chế. Thế nhưng, các ngành sản xuất, tài chính và ICT (công nghệ thông tin và truyền thông) đang lấy lại đà phát triển. Ngược lại, các lĩnh vực liên quan đến du lịch như hàng không và du lịch sẽ vẫn trì trệ.

Tác động không đồng đều của đại dịch không chỉ được cảm nhận ở các khu vực kinh tế khác nhau. Đó cũng là câu chuyện tương tự đối với các nhóm thu nhập khác nhau tại Singapore.

CNA đưa tin, một nghiên cứu ở Singapore đã chỉ ra rằng, những người có thu nhập thấp hơn bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn bởi sự gián đoạn Covid-19, so với những người có thu nhập trung bình và cao hơn của họ.

Mô hình phục hồi kinh tế của Thái Lan hiện tại có gì khác so với mô hình chữ K của Việt Nam và Singapore? - Ảnh 1.

Sự thay đổi thu nhập trung bình hàng tháng của hộ gia đình Singapore

Một báo cáo gần đây về thu nhập hộ gia đình của Bộ Thống kê Singapore cho thấy, 10% hộ gia đình ở Singapore có thu nhập trung bình hàng tháng trên mỗi thành viên giảm 37 SGD vào năm 2020, tương đương 6,1% tổng thu nhập từ công việc, khiến họ trở thành nhóm bị thiệt hại nặng nề nhất trong đại dịch Covid-19.

Ngược lại, những người trong nhóm 10% thu nhập cao nhất kiếm được ít hơn 337 SGD mỗi tháng vào năm ngoái, hoặc 2,3% thu nhập của họ từ công việc.

Còn tại Thái Lan, trả lời phỏng vấn với Bloomberg, Sethaput Suthiwartnarueput, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BoT) cho biết các lĩnh vực sản xuất của Thái Lan phần lớn là ổn, xuất khẩu không bao gồm vàng về cơ bản đã phục hồi trở lại. 

Mô hình phục hồi kinh tế của Thái Lan hiện tại có gì khác so với mô hình chữ K của Việt Nam và Singapore? - Ảnh 2.

Sự gia tăng về số lượng các ca nhiễm Covid-19 trong năm 2021

Thế nhưng, làn sóng dịch mới đã khiến nền kinh tế Thái Lan phục hồi theo một cách không đồng đều và tốc độ phục hồi vô cùng chậm. Chiều hướng gia tăng của các ca bệnh mắc Covid-19 đã khiến Thái Lan liên tục ở trong tình trạng giãn cách xã hội. Đặc biệt, ngành dịch vụ rõ ràng đã bị ảnh hưởng rất nặng nề. Cả lĩnh vực dịch vụ phục vụ cho nền kinh tế trong nước và đặc biệt là ngành du lịch. 

Điều này có thể tiếp tục trì hoãn sự phục hồi của nền kinh tế Thái Lan và làm lung lay mục tiêu của Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-Ocha là đón khách du lịch có chứng nhận tiêm chủng trở lại vào đầu tháng 10.

Vì vậy, người đứng đầu BoT nhận định, mô hình phục hồi kinh tế của Thái Lan ở thời điểm hiện tại mang hình dáng của chữ cái W.

Mô hình phục hồi W là kịch bản phục hồi 2 lần. Kinh tế tăng tốc rồi xuống dốc trở lại, sau đó lại tăng tốc. Nguyên nhân do các biện pháp ngăn chặn Covid-19 được dỡ bỏ quá nhanh hoặc không ngăn chặn, sau đó dịch bùng phát lần hai.

Trao đổi với báo TheStar, Maria Lapiz, giám đốc điều hành của Maybank Kim Eng Securities Thái Lan nhận thấy các hộ gia đình Thái Lan bị ảnh hưởng nặng nề và thu nhập doanh nghiệp giảm. Trong khi đó, Radhika Rao, nhà kinh tế tại DBS Bank Ltd ở Singapore, cho biết "rủi ro giảm giá đang gia tăng" đối với dự báo tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á.

BoT đã nhận thấy "rủi ro giảm đáng kể" đối với dự báo tăng trưởng kinh tế cho năm 2021 và cho rằng một đợt bùng phát dịch kéo dài sẽ ảnh hưởng nặng nề đến thanh khoản của doanh nghiệp, cũng như việc làm trong lĩnh vực dịch vụ.

Vào tháng 7, Ngân hàng Trung ương Thái Lan cho biết họ có thể cắt giảm dự báo tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2021 do yếu tố gây ra đợt bùng phát Covid-19 ngày càng trầm trọng và sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình để xem liệu có cần các biện pháp chính sách bổ sung hay không.

Một đại diện của Ngân hàng DBS trao đổi với TheStar: "Kỳ vọng sự phục hồi của nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào chi tiêu công và xuất khẩu, trong khi tiêu dùng yếu làm ảnh hưởng đến xu hướng đầu tư của khu vực tư nhân."

Bên cạnh đó, tỷ lệ thất nghiệp ở Thái Lan có khả năng tăng từ 1,96% vào cuối quý đầu tiên, mức cao nhất kể từ năm 2009, vì nhiều người có thể sẽ mất việc khi bùng phát kéo dài và hạn chế các doanh nghiệp.

Tác động đến ngành dịch vụ ở các thành phố có thể thúc đẩy nhiều người vào lĩnh vực nông nghiệp hơn. Ngoài ra, nợ hộ gia đình Thái Lan, vốn đã tăng lên mức cao nhất trong 18 năm là 90,5% GDP, có thể sẽ tiếp tục tăng do mất việc làm và thu nhập do các hạn chế thắt chặt. Điều đó sẽ làm suy giảm nghiêm trọng chi tiêu của người tiêu dùng.

Giang Anh

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên