MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mô hình trung tâm tài chính quốc tế 6 tỷ USD tại TPHCM cần phải được xây dựng ra sao để có thể cạnh tranh với Singapore, Dubai?

Mô hình trung tâm tài chính quốc tế 6 tỷ USD tại TPHCM cần phải được xây dựng ra sao để có thể cạnh tranh với Singapore, Dubai?

Theo chia sẻ của ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG), các nhà đầu tư Mỹ trước mắt đồng ý rót vốn khoảng 10 tỷ USD vào Việt Nam, bao gồm 6 tỷ USD tại TPHCM và 4 tỷ USD tại Đà Nẵng để xây dựng trung tâm tài chính quốc tế. Vậy các chuyên gia nhận định ra sao về đề án này?

Mới đây, tại tọa đàm với chủ đề "Tạo đột phá để phát triển kinh tế cả nước và TPHCM" do Báo Người Lao Động tổ chức, nhiều chuyên gia chia sẻ quan điểm về đề án xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế của Việt Nam đặt tại TPHCM và Đà Nẵng.

Cập nhật về đề án, ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) cho biết, các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến dự án này của Việt Nam, và tập đoàn vừa ký biên bản ghi nhớ thực hiện nghiên cứu đề án với UBND TPHCM hôm 8/2.

Theo chia sẻ ban đầu, các nhà đầu tư Mỹ trước mắt đồng ý rót vốn khoảng 10 tỷ USD vào Việt Nam, bao gồm 6 tỷ USD tại TPHCM và 4 tỷ USD tại Đà Nẵng để xây dựng trung tâm tài chính quốc tế. Ngoài số tiền cam kết bằng văn bản, đơn vị này còn trao đổi nhiều với các nhà đầu tư, đơn vị tư vấn về mô hình hoạt động.

Liên quan đến vấn đề này, TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia nhận định, hình hài trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam sẽ như thế nào là yếu tố đầu tiên cần phải được thống nhất. Theo ông Lực, hình dung sơ lược ban đầu về trung tâm tài chính hiện đã có nhưng chưa hoàn toàn chính xác. 

"Có người cho rằng đó là một trung tâm tài chính có trụ sở, tòa nhà của khối ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm… Hình dung thứ 2 là một trung tâm về đầu tư, thu hút nhiều nhà đầu tư lớn về khu vực đó. Quan điểm thứ 3 là liệu có phải là trung tâm giải trí gắn với casino, du lịch… Hay, trung tâm tài chính quốc tế là tổ hợp của tất cả những thứ trên. Có lẽ phải làm rõ hơn về hình dung về trung tâm tài chính để có thể xây dựng được", ông Lực phân tích.

Tuy nhiên, theo ông Lực, những hình dung trên vẫn là cách tư duy truyền thống. Bởi lẽ, thế giới tài chính hiện giờ đang thay đổi rất "ghê gớm". Theo đó, giao dịch số, điện tử, tiền kỹ thuật số, tiền mã hóa… là xu hướng của 5-10 năm tới, thậm chí dài hơn. 

"Trong bối cảnh đó, Việt Nam nên định vị mình như thế nào trong thế giới tài chính tiền tệ thay đổi?", ông đặt câu hỏi.

Yếu tố thứ hai đó là cách tiếp cận, đột phá nhưng kiểm soát được rủi ro. 

Thứ ba, điều kiện để hoàn thiện đề án, trình các cấp có thẩm quyền, thuyết phục và khả thi. Cụ thể, đề án phải gắn với quy hoạch của thành phố, gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; có được sự đồng thuận chính trị; tăng khả năng chuyển đổi đồng tiền của thị trường; nâng hạng thị trường chứng khoán…

Thứ tư, tính hấp dẫn của trung tâm tài chính quốc tế cũng như khả năng quản lý giao dịch xuyên biên giới, giao dịch số, dữ liệu (trong nước và xuyên biên giới) cũng là một trong những yếu tố cần phải được quan tâm và lưu ý.

Từ cơ sở trên, TS Cấn Văn Lực đề xuất đề án này nên được tham vấn, thảo luận công khai hơn nữa để có được tính đồng thuận chính trị cao hơn. Trong đó, những lợi thế, những băn khoăn, thắc mắc cần được giải đáp thỏa đáng.

Cùng quan điểm, ông Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, đã chỉ ra 5 vấn đề lớn nhất về cách tiếp cận xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại TP HCM.

Theo ông Thành, vấn đề đầu tiên là về thể chế đột phá vượt trội có khả năng cạnh tranh quốc tế, để trung tâm này có thể cạnh tranh với các trung tâm tại Hong Kong (Trung Quốc), Singapore, Dubai… và trở thành 1 điểm đến để các nhà đầu tư lựa chọn.

Thứ hai là lựa chọn mô hình trung tâm tài chính mới chứ không phải theo cách truyền thống, tiếp cận ngay mô hình tài chính tích hợp gắn với đô thị hoá, các dịch vụ chất lượng cao…

Thứ ba là điều kiện của các nhà đầu tư muốn đầu tư vào Việt Nam, bao gồm lợi ích và trách nhiệm, cam kết nghĩa vụ của những nhà đầu tư này, nhằm tìm ra những nhà đầu tư thật sự chất lượng.

Thứ tư là khách hàng. Trong đó, ban soạn thảo cần kết hợp giữa nước ngoài với trong nước, vừa có tư tưởng tài chính tiền tệ kinh tế nhưng lại gắn với câu chuyện pháp lý chặt chẽ để làm đề án. Vấn đề cuối cùng đó là cần có 1 văn bản pháp lý triển khai ngay đề án.

Còn đối với PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế như ở TPHCM là cần thiết. Tuy nhiên, theo vị Phó giáo sư, nếu nhìn ở góc độ xin cơ chế đặc thù cho riêng thành phố là rất khó.

"Nhiều khi các Đại biểu Quốc hội cũng chưa nắm rõ nên cần nhấn mạnh ở đây là trung tâm tài chính quốc tế tầm quốc gia. Cần truyền thông, thông tin cụ thể để làm rõ và cùng phát triển vì tương lai của cả nước, bởi đề án tốt nhưng nhìn xa hơn thì ít người hiểu được xu thế phát triển của quốc tế", PGS.TS Trần Đình Thiên phân tích.

PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh, mô hình trung tâm tài chính quốc tế cũng cần phải cạnh tranh không chỉ vượt trội mà còn phải khác biệt, làm sao cạnh tranh được với khu vực và quốc tế, vài chục năm nữa cũng vẫn hiệu quả. 

"Đây là điểm then chốt trong câu chuyện cạnh tranh của Việt Nam và quốc tế", ông Thiên cho hay.

Do đó, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, TP HCM phải làm đề xuất với tinh thần là đề án quốc gia, làm sao đồng thuận, nhìn về tương lai. Bên cạnh đó, ông cho biết, ý tưởng về trung tâm tài chính quốc tế của TP HCM thời điểm này có thể được xem là một ý tưởng mang tính đột phá mạnh mẽ nhất và nên được ủng hộ.

https://cafef.vn/mo-hinh-trung-tam-tai-chinh-quoc-te-6-ty-usd-tai-tphcm-can-phai-duoc-xay-dung-ra-sao-de-co-the-canh-tranh-voi-singapore-dubai-20220218153426955.chn

Giang Anh

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên