Vì sao Vietnam Airlines ồ ạt mở thêm 18 đường bay nội địa dù khai thác lỗ?
Doanh nghiệp mở mới 18 đường bay nội địa mới trong 2 tháng. Vietnam Airlines dự kiến năm 2020 lỗ 15.000 đến 16.000 tỷ đồng, giảm 4.000-5.000 tỷ đồng so với khoảng 3 tháng trước đây.
Chưa đầy 2 tháng, Vietnam Airlines ( HoSE: HVN ) đã mở mới 18 đường bay, chiếm tới 1/3 tổng đường bay nội địa (59 đường). Báo cáo thường niên 3 năm gần đây cho thấy, số đường bay nội địa của hãng hàng không quốc gia dường như đi ngang ở con số 38-40. Trong khi đó, Vietjet - một hãng hàng không mới chỉ có 8 năm vận hành có 45 đường bay trong nước.
Nguồn: Báo cáo thường niên VNA các năm |
Lý do Vietnam Airlines hạn chế mở các đường bay nội địa bởi lẽ không hiệu quả. Số liệu từ năm 2016 cho thấy 18 trên 26 đường bay nội địa chặng dưới 500 km sử dụng máy bay A321 đều lỗ nặng với 526 tỷ đồng. Với nhu cầu đi lại và sự phát triển của du lịch hiện nay, các đường bay nội địa có thể hiệu quả hơn. Tuy nhiên, ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng ban Kế hoạch phát triển của Vietnam Airlines - người chịu trách nhiệm việc khai thác các đường bay cho hiệu quả, chia sẻ dù có tỷ lệ lấp đầy (load factor) trên các chặng bay này cao hơn các hãng khác, ở mức 83-84%, hãng vẫn đang khai thác lỗ.
Nguồn: Tổng hợp |
Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành hàng không thế giới và Vietnam Airlines không phải ngoại lệ. Từ một hãng hàng không truyền thống có lợi nhuận đều đặn hơn hai nghìn tỷ đồng mỗi năm, dòng tiền dương vài nghìn tỷ đồng, Vietnam Airlines đối mặt với việc lỗ 15.000-16.000 tỷ đồng trong năm nay nếu tiết giảm được chi phí và trầm trọng hơn là cạn tiền.
Đặc trưng của hãng hàng không là việc phần lớn khách hàng trả tiền mua vé trước, tạo nguồn thu để chi trả lương nhân viên, tiền thuê máy bay...Thế nhưng với việc ngừng bay tất cả các chặng bay quốc tế từ cuối tháng 3 - vốn chiếm 65% doanh thu của Vietnam Airlines, một mặt khiến giảm mạnh doanh thu, mặt khác còn dẫn tới tình trạng hoàn vé. Từ giữa tháng 2 đến tháng 3, Vietnam Airlines phải trả cho khách hàng khoảng 4.500 tỷ đồng.
"Với tình trạng này có thể đến tháng 8, công ty sẽ hết tiền", Trưởng ban Tài chính Kế toán kiêm Kế toán trưởng Vietnam Airlines chia sẻ.
Cạn tiền có thể vấn đề nghiêm trọng mà các hãng hàng không thế giới phải đối mặt. Trong một báo cáo hồi đầu tháng 4, Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) ước tính các hãng hàng không có thể "đốt" 35 tỷ USD tiền mặt dự trữ cho việc hoàn hủy vé do yêu cầu ngừng bay của chính phủ các nước.
Vì vậy, ngay sau khi "trạng thái bình thường mới được khôi phục trở lại", Vietnam Airlines đã mở lại hàng loạt đường bay nội địa trong khi vẫn chưa có thời điểm mở cửa đón khách quốc tế. Theo các lãnh đạo của Vietnam Airlines, các đường bay ngắn này tuy vẫn lỗ nhưng giúp giải quyết được 3 vấn đề.
Thứ nhất, các đường bay nói trên đủ chi trả chi phí biến đổi (nhiên liệu bay, lương phi hành đoàn...) và giảm 500-600 tỷ trong con số 2.100 tỷ đồng chi phí cố định mỗi tháng. Thứ 2 quan trọng hơn là mang lại dòng tiền cho doanh nghiệp. Cuối cùng, với chức năng hãng hàng không quốc gia, những chặng bay này cũng thực hiện chủ trương kích cầu du lịch của Chính phủ.
Người đồng hành